Thứ Sáu, 04/10/2024

Sâu xanh bướm trắng hại rau và biện pháp phòng trừ

Thứ Hai, 01/08/2022

Sâu xanh bướm trắng (bộ Lepidoptera) là loại sâu hại rau họ thập tự nói chung, nhưng chủ yếu gây hại nặng nhất trên su hào và bắp cải.

1. Đặc điểm hình thái

Bướm có thân màu đen, hai cánh trắng, đỉnh cánh có vết đen hình tam giác. Trứng màu hơi vàng, sâu non màu xanh lục, trên lưng có những điểm đen nhỏ. Sâu non có 5 tuổi, khi đẫy sức dài khoảng 28- 35mm. Nhộng màu xanh, khi gần vũ hóa chuyển màu xanh hơi vàng.

Ảnh: Trưởng thành, sâu non, nhộng sâu xanh bướm trắng

2. Đặc điểm sinh học

Vòng đời của sâu xanh bướm trắng từ 26- 30 ngày. Trong đó giai đoạn trứng từ 6- 8 ngày, sâu non 10- 14 ngày, nhộng 7- 8 ngày.

Bướm hoạt động ban ngày. Sau vũ hóa 3-4 ngày thì đẻ trứng, trứng đẻ từng qủa, rải rác mặt sau của lá rau. Một bướm có thể đẻ từ 50- 200 trứng. Bướm sâu xanh sống khá lâu từ 2- 5 tuần lễ.

Ảnh: Vòng đời của sâu xanh bướm trắng

3. Đặc điểm gây hại

Sâu phát sinh và gây hại nặng từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau, nhưng thường nặng nhất từ tháng 2 đến tháng 5 vì thời tiết lúc này phù hợp với sinh trưởng và phát triển của sâu. Sâu xanh thường tập trung và gây hại nặng ở những ruộng rau xanh tốt. Sâu thường chui vào phần ngọn cây để phá hoại nên lá cây bị cong, thủng lỗ. Các loại rau củ bị sâu hại làm giảm chất lượng của sản phẩm.

4. Biện pháp phòng trừ

- Sâu xanh bướm trắng chủ yếu hại trên lá rau, vì vậy khi phát hiện có thể dùng biện pháp thủ công dùng vợt bắt bướm, ngắt nhộng trên lá; Thu dọn và tiêu huỷ tàn dư cây trồng.

- Trường hợp mật độ quá cao, phải dùng thuốc để phòng trừ kịp thời. Để việc phòng trừ đạt hiệu quả cao, cần phải theo dõi phát hiện thời kỳ bướm nở rộ và đẻ trứng để phun thuốc kịp thời khi nâu non vừa nở.

- Sử dụng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Catex 3.6EC, Sokupi 0.5SL, Newfatoc 75WP, Radiant® 60SC, Catex 3.6EC,…

Đinh Thu Hương- Chi cục Trồng trọt và BVTV