Thứ Sáu, 04/10/2024

Hướng dẫn phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa vụ mùa 2023

Thứ Hai, 10/07/2023

Việc phòng trừ ốc bươu vàng đầu vụ cho cây lúa là yêu cầu hết sức quan trọng trong sản xuất lúa. Hầu hết nông dân đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ ốc bươu vàng. Ở giai đoạn đầu vụ một số nông dân sử dụng thuốc trừ ốc bươu vàng cho cây lúa không đúng kỹ thuật đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa gây thiệt hại về kinh tế và ô nhiễm môi trường. Để phòng trừ ốc bươu vàng đạt hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và BVTV hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ ốc bươu vàng ở đầu vụ cụ thể như sau:

1. Đặc điểm của Ốc bươu vàng

- Ốc bươu vàng không chỉ sống ở dưới nước mà còn sống được ở trên cạn nhờ có khe mang và cơ quan giống phổi.

- Khô hạn trong nhiều tháng chúng vẫn duy trì được sự sống bằng cách đóng nắp và vùi sâu trong đất để ngủ nghỉ, đợi đến thời gian thích hợp thì tiếp tục gây hại. Khi gặp nước, chúng sẽ trở lại trạng thái bình thường chỉ trong một đêm.

- Ốc bươu vàng sống được trong môi trường ô nhiễm, thiếu oxy nhờ có ống thở. Một số nghiên cứu ở nước ta cho thấy ốc bươu vàng ăn khoảng 20 loài thực vật, trong đó có cây lúa. Ốc bươu vàng sinh sản rất sớm và rất nhiều. Từ 2-3 tháng tuổi ốc cái đã bắt đầu sinh sản sau 10-18 giờ bắt cặp và đẻ trứng vào khoảng 1-2 ngày sau đó.

- Ốc thường đẻ trứng thành từng ổ vào lúc chiều tối, nhiều nhất vào ban đêm.

Ảnh: Ốc bươu vàng trên ruộng

 

2. Tác hại của Ốc bươu vàng

- Ốc bươu vàng thường cắn ngang cây lúa non hay chồi non ngay sau khi sạ đến khi cây lúa được 30 ngày tuổi. Ốc bươu vàng hoạt động chủ yếu vào sáng sớm, chập tối và ban đêm, là giai đoạn gây thiệt hại nặng nhất.

- Trên ruộng lúa, dấu hiệu nhận thấy Ốc bươu vàng gây hại là mất cây; làm lá, thân cây lúa nổi trên mặt nước hoặc cây lúa đứt ngang thân.

- Ốc bươu vàng thường ăn mất từng đám lúa, tập trung ở các ruộng trũng, ruộng lúa mới cấy, ruộng lúa gieo sạ. Giai đoạn dễ bị hại nhất là hai tuần đầu sau khi cấy hoặc 4 tuần đầu sau khi gieo sạ.

- Khi Ốc bươu vàng có mật độ cao >6 con/m2 ruộng lúa sẽ bị hại mất trắng chỉ trong một ngày đêm sau khi cấy, làm thiệt hại về giống, phải sạ lại nhiều lần, ruộng lúa sinh trưởng không đồng đều, khó khăn cho việc chăm sóc và thu hoạch, ảnh hưởng đến năng suất lúa.

- Các nghiên cứu cho thấy, 1 con Ốc bươu vàng gây hại trong giai đoạn 3-20 ngày sau sạ sẽ làm giảm 15-20% năng suất lúa.

- Hầu hết diện tích lúa gieo sạ và một số diện tích lúa cấy đều phải xử lý thuốc trừ ốc trước khi gieo hoặc là sau khi cấy, đặc biệt là trong vụ Mùa.

3. Biện pháp phòng trừ Ốc bươu vàng

- Ốc bươu vàng là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm, muốn quản lý tốt phải áp dụng biện pháp tổng hợp.

- Nên làm đất kỹ, bằng phẳng nhằm tránh chỗ trũng nước và sử dụng giống tốt có tỷ lệ nẩy mầm cao. Thỉnh thoảng nên rút nước ra khỏi ruộng và giữ mực nước thấp 2-3 cm để hạn chế ốc di chuyển và cắn phá.

- Sau khi kết thúc mùa vụ, bà con có thể thả vịt vào ruộng để ăn ốc non và trứng ốc hoặc thu lượm ốc trưởng thành để làm thức ăn cho cá.

3.1. Biện pháp thủ công

- Thường xuyên bắt ốc trưởng thành, thu trứng đẻ sẵn trên bờ ruộng, bờ mương, bẹ lá, thân cây, que cọc trên mặt nước.

- Dùng dây, lá khoai lang, lá khoai môn, khoai sọ, đu đủ…bó thành nhiều mớ, thả xuống mặt nước dọc theo bờ để dẫn dụ ốc đến rồi thu bắt.

- Cắm que cọc làm giá thể để ốc leo lên đẻ trứng sau đó thu trứng.

- Cắm đăng đầu dòng nước thu ốc, làm rãnh thoát nước ở ruộng để thu gom ốc.

Các biện pháp thủ công cần được tiến hành thường xuyên trong suốt vụ, nên bắt ốc vào sáng sớm hoặc chiều tối mát.

Ảnh: Bắt ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công

Ảnh: Dùng bẫy bắt trứng ốc bươu vàng

3.2. Biện pháp hóa học

* Một số loại thuốc sử dụng hiện nay và độc tính của thuốc: Trên địa bàn tỉnh, các loại thuốc trừ Ốc bươu vàng hiện đang sử dụng đều có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam. Hiện nay, có khảng 5/30 hoạt chất thuốc trừ Ốc bươu vàng được nông dân sử dụng. Các hoạt chất chính của thuốc chủ yếu thuộc nhóm II và III; ít độc đối với động vật có vú, chim và ong nhưng độc với cá,... Hoạt chất trừ Ốc bươu vàng đang được sử dụng phổ biến hiện nay trên địa bàn tỉnh là 2 nhóm hoạt chất: Niclosamide và Metadehyde,…

3.2.1 Hoạt chất Metadehyde

- Tên thương mại: Boxer 15GR, Toxbait 160AB, Bosago 12AB, Bolis 12GB, Anhead 12GR,…

- Phương thức  tác động và sử dụng: Diệt ốc bằng tác dụng tiếp xúc và vị độc. Bị trúng độc, tế bào nhày bị phá huỷ, ốc bị mất lượng lớn chất nhờn, mất nước và chết.

Thuốc thuộc nhóm độc II (WHO).

3.2.2 Hoạt chất Niclosamide

- Tên thương mại: Dioto 250EC, Pazol 700WP, Prize 700WP, Transit 780WP,…

- Phương thức tác động và sử dụng: Tác động đến hệ hô hấp và tiêu hoá làm ốc chết.

Thuộc nhóm độc III (WHO).

4. Hướng dẫn sử dụng thuốc trừ Ốc bươu vàng an toàn và đạt hiệu quả

Sử dụng thuốc trừ Ốc bươu vàng theo nguyên tắc 4 đúng, cụ thể:

4.1. Đúng lúc

- Phun thuốc trước khi sạ hoặc sau khi sạ 1 ngày với ruộng có mật độ Ốc bươu vàng >3 con/m2. Nên phun trừ vào sáng sớm hoặc chiều mát để tăng hiệu quả của thuốc.

- Không phun thuốc khi trời sắp mưa, có gió lớn

4.2. Đúng thuốc

- Chọn thuốc trừ Ốc bươu vàng có hiệu quả cao nhưng ít độc với con người và môi trường, không sử dụng thuốc cấm, không nằm trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.

Ví dụ: Những ruộng lúa có mực nước cao trên 5cm mà không tháo được nên sử dụng nhóm thuốc tiếp xúc, vị độc có hoạt chất Metaldehyde như: Toxbait 160AB, Bosago 12AB, Boxer 15GR, Bolis 12GB…

-Thuốc có hoạt chất  Nicosamide; Nicosamide + Metaldehyde là thuốc có hiệu lực cao và an toàn cho lúa như: Capgold 750WP, Pazol 700WP,… sử dụng trước hoặc ngay sau khi gieo cấy. Nên phun thuốc khi trong ruộng có lớp nước 2-3cm để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất.

4.3. Đúng nồng độ và liều lượng: Sử dụng thuốc đúng nồng độ, không được tự ý tăng hoặc giảm liều lượng ghi trên bao nhãn.

- Nếu giảm đi, hiệu quả sẽ kém

- Nếu tăng lên thì ốc chết nhưng thuốc cũng diệt luôn thiên địch, mức độ tồn dư của thuốc cao, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ con người.

4.4. Đúng cách

- Dùng thuốc đúng cách sẽ làm tăng hiệu quả của thuốc và hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thuốc đối với cây trồng, môi trường và con người.

- Cần phun hoặc rắc đều để thuốc tiếp xúc nhiều nhất với ốc sẽ giúp tăng hiệu quả của thuốc.

Ngoài 4 nguyên tắc trên cần chú ý:

- Dùng nước sạch để pha thuốc trừ Ốc bươu vàng.

- Trên ruộng lúa, không được tự hỗn hợp thuốc trừ ốc với các loại thuốc trừ cỏ, trừ sâu và trừ bệnh khác nếu không được hướng dẫn.

 

Trạm Kiểm dịch thực vật