Thứ Sáu, 04/10/2024

Các biện pháp phòng chống bệnh Bạc lá hại lúa vụ Mùa 2023

Thứ Ba, 05/09/2023

Hiện nay, các trà lúa vụ Mùa 2023 đang chuyển sang giai đoạn phân hoá đòng, những ngày qua thời tiết nhiều mây, đêm và sáng có gió mạnh, ẩm độ không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại như bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá vi khuẩn... Dự báo trong thời gian tới, thời tiết sẽ ấm dần lên, nắng mưa xen kẽ, xuất hiện nhiều trận giông gió, độ ẩm cao, kết hợp bà con nông dân bón thúc xong đợt 2 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá vi khuẩn phát sinh gây hại và lây lan trên diện rộng.

Ảnh: Biểu hiện bệnh bạc lá trên lá lúa

Để chủ động phòng, chống bệnh bạc lá lúa hạn chế đến mức thấp nhất sự gây hại của bệnh trên đồng ruộng  vụ Mùa 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn một số biện pháp phòng chống bệnh bạc lá như sau:

1. Triệu chứng bệnh: Vết bệnh từ mép lá, mút lá lan dần vào trong phiến hoặc kéo dài theo gân chính. Vết bệnh lan rộng theo đường gợn sóng màu vàng nâu, vết bệnh lúc đầu có màu xanh tái sau chuyển sang màu nâu vàng và khô. Trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao trên bề mặt vết bệnh xuất hiện những giọt dịch vi khuẩn hình tròn nhỏ có màu vàng đục.

2. Nguyên nhân gây bệnh và quy luật phát sinh, phát triển của bệnh:

Bệnh bạc lá do vi khuẩn Xanthomnas campestris gây ra. Bệnh thường phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm, nhiệt độ thích hợp nhất từ 26-300C, và thường gây hại nặng ở vụ lúa mùa.

Vi khuẩn xâm nhập vào cây qua thuỷ khổng, lỗ khí khổng ở trên đầu lá, mép lá, đặc biệt qua các vết thương xây xát trên lá. Trong điều kiện mưa ẩm thích hợp, thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, trên bề mặt các vết bệnh tiết ra những giọt dịch vi khuẩn. Thông qua sự va chạm gây xây xát giữa các lá lúa, nhờ mưa gió lan truyền bệnh sang các lá khác để tiến hành xâm nhiễm lại nhiều lần trong thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Vì vậy bệnh thường phát sinh mạnh sau các đợt mưa to, gió mạnh. Những ruộng bón quá nhiều đạm, cây lúa xanh tốt, thân lá mềm yếu, hàm lượng đạm tự do trong cây tích luỹ cao thì cây dễ bị nhiễm bệnh nặng. Những chân ruộng chua, trũng, đặc biệt là những vùng đất hẩu thì bệnh phát triển mạnh hơn. Các giống lúa có bản lá to, lá mềm thì bệnh thường nặng hơn như LT 2, Bắc Thơm số 7, Tạp giao...Giai đoạn lúa làm đòng đến chín sữa là giai đoạn lúa mẫn cảm với bệnh.

Nguồn vi khuẩn gây bệnh tồn dư trong rơm rạ, lúa chét, hạt của cây lúa bị bệnh và cỏ dại ký chủ (cỏ lồng vực, cỏ môi, cỏ lá tre, cỏ tranh,...). Ngoài ra, nó còn tồn tại ở dạng viên keo vi khuẩn. Vi khuẩn lây nhiễm nhờ giọt sương, nước tưới, nước mưa, nước lụt và gió.

Ảnh: Ruộng lúa bị nhiễm bệnh bạc lá

3. Biện pháp quản lý bệnh: Để phòng chống bệnh bạc lá một cách hiệu quả cần chủ động phòng  bệnh ngay từ đầu vụ bằng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp:

- Sử dụng các loại giống lúa có khả năng kháng bệnh hoặc ít nhiễm bệnh, hạn chế gieo cấy các giống nhiễm bệnh nặng.

- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI), quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp IPHM, trong đó chú trọng biện pháp chăm sóc như bón thúc sớm, bón tập trung và cân đối N,P,K để tạo điều kiện cho cây lúa khoẻ, tăng khả năng chống chịu đối với bệnh. 

- Trên những ruộng bệnh đã xuất hiện, dừng bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước.

- Tiến hành phun phòng trên những ruông xanh tốt, thừa đạm, giống nhiễm và trên những ruộng chớm xuất hiện bệnh, trước hoặc ngay sau các đợt mưa giông bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Copper Hydroxide; Oxolinic acid; Hope 20SL, ... để phun trừ bệnh.

Trạm Kiểm dịch thực vật