Thứ Năm, 21/11/2024

Phòng trừ sâu đục thân lúa hai chấm trên mạ vụ mùa 2023

Thứ Hai, 10/07/2023

Thời tiết nắng nóng xen kẽ có mưa trong vụ mùa là điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển, đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh hại phát sinh và gây hại, đặc biệt là sâu đục thân lúa hai chấm. Sâu đục thân lúa hai chấm có tên khoa học là Tryporyza incertulas (Walk.) thuộc họ ngài sáng Pyralidae, bộ cánh vảy Lepidoptera.

Ảnh: Trưởng thành sâu đục thân lúa 2 chấm

1. Triệu chứng gây hại trên mạ

Sâu đục qua bẹ vào đến nõn giữa phá hoại. Ban đầu chóp lá tái, sau chuyển sang màu xanh thẫm, cuối cùng chuyển màu vàng dẫn đến khô héo, nếu cây mạ lớn bị hại thì dễ bị đứt gốc khi nhổ mạ. Ở giai đoạn này nếu không phun trừ trên những diện tích có mật độ cao sẽ bị mất dảnh nhiều dẫn đến thiếu mạ để cấy.

2.  Đặc điểm hình thái và sinh vật học

Vòng đời của sâu đục thân lúa hai chấm trải qua lần lượt 4 pha phát dục là trứng, sâu non, nhộng và trưởng thành. Thời gian vòng đời của sâu đục thân lúa 2 chấm thay đổi rất nhiều phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ thường 38 - 45 ngày (nếu nhiệt độ thấp có thể kéo dài hơn).

Ảnh: Vòng đời sâu đục thân lúa 2 chấm

* Pha trứng: Trứng đẻ thành ổ có hình bầu dục, dài 0,8 -0,9mm ở giữa hơi nhô lên. Trên mặt ổ trứng có phủ lông màu vàng nhạt. Thời gian trứng khoảng 7 ngày.

* Pha sâu non: Sâu non của sâu đục thân lúa bướm 2 chấm có 5 tuổi. Sâu non đẫy sức dài 21 mm, đầu màu nâu vàng, cơ thể màu trắng sữa. Chân bụng ít phát triển. Móc bàn châm bụng 28 cái, xếp thành hình elíp. Thời gian sâu non từ 25-33 ngày.

* Pha nhộng: Nhộng dài 10-15 mm, mầm chân sau dài tới hết đốt bụng thứ 5 (đối với nhộng cái), tới đốt bụng thứ 8 (đối với nhộng đực). Thời gian nhộng từ 8-10 ngày.

* Pha trưởng thành:

- Trưởng thành đực: Thân dài 8-9 mm, sải cánh rộng 18-22 mm. Đầu, ngực và cánh trước màu vàng nhạt. Mắt kép to đen. Cánh trước hình tam giác, giữa cánh có một chấm đen rõ. Từ đỉnh cánh đến mép sau có một vệt xiên màu nâu đen, mép cánh ngoài có 9 chấm đen nhỏ.

- Trưởng thành cái: Thân dài 10-13 mm, sải cánh rộng 23-28 mm. Toàn thân màu trắng vàng hoặc vàng nhạt, phía cuối bụng có chùm lông màu vàng, giữa cánh trước có một chấm đen rất rõ.

Trưởng thành sâu đục thân lúa 2 chấm có thể sống đẻ trứng được 2-6 ngày.

Ảnh: Trứng sâu đục thân lúa 2 chấm

3. Biện pháp phòng trừ

3.1. Biện pháp canh tác

- Cày lật gốc rạ, làm ải, dầm kịp thời (đặc biệt đối với vụ mùa sau khi gặt).

- Sau khi thu hoạch lúa cần cắt sát gốc rạ, những vùng chưa có tập quán gặt lúa không sát gốc thì cần cắt rạ kịp thời sau khi gặt. Rơm rạ trên ruộng sau khi gặt phải được thu dọn sạch.

- Vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo cấy để hạn chế ký chủ của sâu đục thân hai chấm và một số loại sâu hại khác.

- Các khu ruộng mạ phải gieo tập trung để có biện pháp quản lý và phòng trừ thuận lợi.

- Cấy gọn thời vụ để để tránh sự thiệt hại do sâu đục thân.

- Bảo vệ thiên địch, nhất là ong ký sinh trứng.

3.2. Biện pháp thủ công

Nếu mật độ trứng trên mạ, lúa quá cao dùng biện pháp ngắt bằng tay các ổ trứng để làm giảm số lần phun và sự thiệt hại do sâu đục thân gây nên.

3.3. Biện pháp hóa học

Để phun trừ có hiệu quả cần chú ý một số vấn đề sau:

- Thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng, đúng thuốc và đúng cách).

- Phun trừ trên những ruộng có mật độ trứng ≥ 0,5 ổ/m2 khi sâu non tuổi 1 nở rộ, bằng một trong các loại thuốc: Prevathon® 5SC, Virtako® 40WG; Voliam Targo® 063SC,…Những ruộng có mật độ ổ trứng ≥1,0 ổ/m2, phun kép 2 lần, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày.

Trạm Kiểm dịch thực vật