Thứ Năm, 21/11/2024

Các biện pháp phòng trừ nhện gié hại lúa

Thứ Ba, 05/09/2023

Nhện gié có tên khoa học là: Steneotarsonemus spinki thuộc lớp nhện. Nhện gié xuất hiện và gây hại cho cây lúa quanh năm, nhưng nhiều nhất là vụ Mùa khi điều kiện thời tiết nắng nóng, ít mưa.

1. Đặc điểm hình thái của nhện gié:

- Kích thước nhỏ, có 3 pha phát dục: Trứng – nhện con – trưởng thành.

- Trứng có màu trắng trong, hình trái xoan, đẻ rải rác thành từng quả hoặc dính lại với nhau thành từng đám 5-10 quả.

- Nhện non có màu trắng đục với 3 đôi chân. Trưởng thành có màu trắng đục hơi vàng, có 4 đôi chân, rất khó quan sát bằng mắt thường.

- Nhện cái có thể đẻ từ 55 - 60 quả trứng trong suốt quãng đời của nó.

Ảnh: Trứng nhện gié

2. Triệu chứng gây hại:

Nhện gié gây hại cho lúa ở mọi giai đoạn từ khi gieo mạ đến khi trỗ chín và trên mọi bộ phận của cây lúa như bẹ lá, gié lúa và trong hạt lúa. Chúng gây hại cho lúa bằng cách chích hút nhựa cây đẻ lại nhiều sọc dài màu nâu tím bên ngoài bẹ lá.

- Ở giai đoạn mạ nhện thường gây hại ở bẹ lá, chích hút nhựa cây ngay ở ngoài bẹ lá, phần tiếp xúc giữa các bẹ lá với nhau. Vết hại ban đầu là các chấm nhỏ màu trắng vàng về sau thành đám màu vàng nâu đến nâu đen.

- Trên bẹ lá: Nhện gié gây hại ở những bẹ lá sát gốc, vết hại ban đầu là các chấm nhỏ màu trắng vàng về sau lan rộng kéo dài thành các vệt sọc hình chữ nhật, chuyển dần sang màu vàng nhạt rồi vàng nâu, nâu đen. Các vết hại tập trung thành từng đám màu nâu nhạt, nâu đậm đến thâm đen trông giống như vết "cạo gió".

Ảnh: Triệu chứng gây hại của nhện gié trên bẹ lá

- Trên gân lá: Vết hại trên gân lá ban đầu là các chấm nhỏ màu trắng vàng về sau vết hại lan rộng thành các vệt sọc chạy dọc gân lá, màu sắc vết bệnh biến đổi từ nâu vàng sang nâu đậm rồi nâu đen. Dùng kính lúp độ phóng đại cao dễ dàng phát hiện nhện gié ở vị trí gân lá này.

- Bông lúa bị nhện gié hại trước trổ thường thấy hiện tượng bông lúa không trổ thoát, hạt lép, bông lúa hoặc thân đòng bị cong queo. Toàn bộ cuống bông lúa và hạt lúa bị biến màu từ trắng vàng sang màu nâu, hạt lúa xuất hiện những lốm đốm màu nâu đen ở vỏ trấu, nếu bị nặng toàn bộ hạt trên bông lúa biến màu nâu đen và đôi khi hạt trên bông bị biến dạng méo mó. 

- Trên gié lúa: Gié lúa bị nhện hại thường cong queo, phía duới cuống gié cong, cuống gié, cuống hạt, hạt trên gié cũng bị biến màu từ vàng nhạt sang vàng nâu rồi nâu đen.

- Trên hạt lúa: Hạt lúa bị nhện gié gây hại thường bị biến dạng cong queo, lép hoàn toàn, lửng hoặc bình thường. Vỏ trấu bị biến màu hoàn toàn hoặc lốm đốm nâu đến nâu đen.

Ảnh: Nhện gié hại trên bông lúa

3. Điều kiện phát sinh của nhện gié:

Nhện gié phát triển mạnh khi nhiệt độ 280C – 300C, ẩm độ cao 96%. Nhiệt độ thấp hơn, chúng phát triển chậm hơn. Nhện gié có thể lan truyền nhờ hạt giống, gió, nước, côn trùng, chuột, công cụ sản xuất nông nghiệp, tàn dư thực vật từ vụ trước qua vụ sau...

Nhện gié hại lúa có vòng đời từ 9 - 12 ngày, tùy theo nhiệt độ môi trường nên chu kỳ phát sinh và gây hại của nhện gié xảy ra rất nhanh, gây thiệt hại rất lớn nếu việc phòng trừ không kịp thời và triệt để.

Thời điểm nhện gié có mật độ cao nhất thường trùng với giai đoạn lúa đòng -trổ, chúng tấn công bẹ lá đòng và bông lúa, làm giảm năng suất từ 15 -70%.

4. Biện pháp phòng trừ.

4.1 Biện pháp canh tác:

- Cày lật gốc rạ (vùi tàn dư cây lúa và tránh lúa chét mọc lại đối với những ruộng  vụ trước bị hại nặng) ngay sau khi thu hoạch, làm sạch cỏ bờ để hạn chế nơi cư trú của nhện gié. Làm đất kỹ, san phẳng mặt ruộng để thuận tiện trong việc chăm sóc cây lúa.

- Sử dụng giống lúa xác nhận (có bao gói và địa chỉ rõ ràng), có khả năng kháng với các đối tượng sâu bệnh chính trong vùng như rầy. Không sử dụng các giống thường bị nhện gié hại nặng. Tuyệt đối không được gieo dày, lượng giống đảm bảo 4-5 kg/sào.

- Bón phân cân đối, hợp lý, không bón thừa đạm.

- Giữ mức nước thích hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng của lúa.

4.2. Biện pháp hoá học

- Thăm đồng thường xuyên, theo dõi sự xuất hiện gây hại của nhện gié, đặc biệt từ khi lúa làm đòng đến trỗ (40-50 ngày sau gieo). Không phun trừ nhện quá sớm để tạo điều kiện cho thiên địch như nhện nhỏ bắt mồi, và ong nội ký sinh  phát triển.  Đặc biệt chú ý phát hiện nhện gié hại ở 2 thời kỳ:

Thời kỳ 1: Cuối giai đoạn lúa đẻ nhánh (40-50 ngày sau gieo) khi thấy ruộng có 5% số dảnh có bẹ lá xuất hiện vết cạo gió hoặc các vết màu nâu đen hình chữ nhật chạy dọc bẹ lá.

Thời kỳ 2: Trước trỗ 5-7 ngày khi có triệu chứng của nhện gié (5% bẹ lá đòng  có vết cạo gió)

- Có thể sử dụng một số thuốc hóa học đặc trị nhện gié có trong danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng năm 2023 như: Abatox 3.6EC, Catex 3.6EC, Reasgant 3.6EC, Silsau 6.5EC, Voliam targo ®063SC, Dylan 10EC…

 Trước khi phun thuốc nên bơm nước ngập gốc thân lúa để nhện di chuyển lên phía trên, dễ trúng thuốc hơn. Nên phun vào buổi chiều mát, vì đến đêm nhện thường bò ra khỏi bẹ lá leo lên gây hại ở phía trên cây lúa, hiệu quả diệt nhện của thuốc sẽ cao hơn.

Trạm Kiểm dịch thực vật