Bệnh Lem lép hạt là bệnh hại chủ yếu trên cây lúa, có thể làm giảm năng suất lúa đến trên 70%, đồng thời ảnh hưởng đến màu sắc và chất lượng hạt lúa.
1. Nguyên nhân gây bệnh
- Do côn trùng chích hút, đặc biệt là nhện gié.
- Do nấm và vi khuẩn gây bệnh: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh lem lép hạt.
- Do điều kiện ngoại cảnh và kỹ thuật canh tác: Mưa nhiều, ẩm độ cao, gieo(sạ), cấy dày, bón phân không cân đối, bón thừa phân đạm sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.
2. Triệu chứng gây hại
Trên vỏ hạt triệu chứng thay đổi tùy loài vi sinh vật gây hại và tùy mức độ nhiễm bệnh. Triệu chứng bệnh là những vết nhỏ màu nâu thẫm hoặc là những mảng nâu bao phủ cả vỏ hạt; bệnh nặng làm toàn thể vỏ hạt màu nâu đen, hạt gạo bên trong bị lép hoặc bị biến màu, đôi khi có mùi mốc.
Ảnh: Bệnh lem lép hạt lúa
3. Đặc điểm phát sinh phát triển
Bệnh phát triển mạnh từ giai đoạn lúa trỗ bông, đặc biệt lây lan và phát triển khi điều kiện thời tiết mưa ẩm kéo dài nhiều ngày; cây lúa sinh trưởng kém trên ruộng nghèo dinh dưỡng, nhiễm chua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm bệnh gây hại trên lá rồi lan lên hạt; nấm có thể bám trên vỏ trấu sau khi thu hoạch lúa, lưu tồn và tiếp tục gây hại ở vụ sau; cỏ dại trong ruộng lúa là ký chủ cho nấm bệnh phát triển và phát tán. Ngoài ra, các loại sâu bệnh tấn công lúa vào giai đoạn đòng - trỗ như bệnh khô vằn, đạo ôn cổ bông, nhện gié, bọ xít, bạc lá vi khuẩn cũng làm gia tăng bệnh lem lép hạt.
Tùy theo mùa vụ mà tác nhân gây bệnh lem lép hạt sẽ khác nhau: vụ Hè thu nếu bị mưa to, gió lớn, nắng mưa xen kẽ vào thời điểm lúa trỗ bông, thời tiết nóng ẩm rất thích hợp cho các loài vi khuẩn như bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, các nấm như khô vằn và nhện gié phát triển gây hại nặng; vụ Đông xuân nếu ruộng bị bón dư phân đạm, gieo(sạ), cấy dày, thời tiết âm u, ít nắng, đêm có sương mù nhiều và se lạnh là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh đạo ôn gây hại nặng đây là nguyên nhân chính gây bệnh lem lép hạt.
Ảnh: Ruộng lúa bị bệnh lem lép hạt
4. Biện pháp phòng trừ
- Chọn giống lúa kháng sâu, bệnh; xử lý hạt giống trước khi gieo trồng.
- Thau chua rửa mặn, khử độc hữu cơ cho đất;
- Gieo cấy đúng thời vụ với mật độ gieo cấy thích hợp;
- Bón phân đầy đủ và cân đối, cung cấp thêm các loại trung, vi lượng; phòng trừ tốt các loại côn trùng, nhện gié và các loại bệnh hại.
- Trong thực tế, tác nhân chính gây bệnh lem lép hạt trên lúa là do các loài vi sinh vật và nhện gié gây hại. Vì vậy, khi điều kiện thời tiết thích hợp cho bệnh hại và nhện gié thì phun phòng trừ bằng thuốc hóa học đặc trị cho từng loại đối thượng sâu bệnh hại; khi bệnh xuất hiện cần duy trì mực nước 2-3 cm trên mặt ruộng; sau đó sử dụng ngay thuốc bảo vệ thực vật nằm trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để phun phòng trừ bệnh.
- Một số loại thuốc Bảo vệ thực vật phòng trừ bệnh lem lép hạt: Headline 100SC, Tilt Super® 300EC, Amistar Top ®325SC, Help 400SC…
Lưu ý: Dùng thuốc BVTV phun trừ bệnh hiệu quả nhất trước và sau khi lúa trỗ 3-5 ngày khi vi sinh vật chưa kịp ký sinh vào bông lúa, đồng thời cần tiến hành phun sớm, khi bệnh mới chớm phát sinh gây hại; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”; nên luân phiên thay đổi thuốc giữa các lần phun, cần phun ướt đẫm phần thân và bông lúa; phun vào lúc chiều mát, tránh ảnh hưởng đến quá trình phơi màu của lúa.
Trạm Kiểm dịch thực vật
84/2019/NĐ-CP
Quy định về quản lý phân bón62/2019/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa31/2018/QH14
Luật Trồng trọt64/2014/NĐ-CP
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân41/2013/QH13
Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật42/2013/QH13
Luật Tiếp công dân