Thứ Năm, 21/11/2024

Sâu vẽ bùa hại trên cây Bưởi và biện pháp phòng trừ

Thứ Hai, 01/08/2022

Bưởi là một loại cây ăn quả lâu năm , được trồng phổ biến cả hai miền Nam, Bắc của  nước ta. Tuy nhiên từ khi trồng đến khi thu hoạch có một số đối tượng dịch hại thường xuyên tấn công gây hại làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây, làm giảm năng suất,  chất lượng cũng như mẫu mã của quả bưởi, trong đó phải chú ý tới là sâu vẽ bùa.

Ảnh: Sâu vẽ bùa trên lá

1. Triệu chứng gây hại

- Sâu vẽ bùa có tên khoa học là Phyllocnistis citrella Staint thuộc họ Phyllocnistidae, bộ Lepidoptera. Sâu vẽ bùa là sâu non của một loại ngài, chúng thường xuất hiện và gây hại nhiều ở giai đoạn lá non. Trứng của chúng  nhỏ nên hơi khó phát hiện, trứng mới đẻ có màu trong suốt, khi sắp nở có màu trắng vàng.

- Sâu mới nở dài khoảng 0,5mm, màu xanh nhạt hoặc trong suốt, đầu màu nâu. Khi sâu lớn dài khoảng  4mm,  hai  đầu thon nhỏ. Nhộng có màu nâu vàng, hai đầu thon nhỏ, dài từ 2-3mm. Bướm có màu vàng nhạt, ánh bạc, cánh có rìa lông , cánh sau hẹp hơn so với cánh trước, kích thước khoảng 3mm, sải cánh rộng  khoảng 4-5mm.

- Sau khi nở, sâu non đục vào ăn lớp tế bào nhu mô diệp lục ở dưới lớp biểu bì của phiến lá, làm thành những đường ngoằn nghèo, làm cho biểu bì lá phồng lên. Sâu đục tới đâu lớp biểu bì phồng lên tới đó vẽ thành những đường ngoằn nghèo có màu trắng lóng lánh như ánh bạc, sâu càng lớn thì đường đục càng dài và rộng.

- Những lá bị sâu gây hại sẽ bị biến dạng, lá co rúm, quăn queo nhất là những lá non, làm giảm khả năng quang hợp của cây, làm cho cây phát triển và sinh trưởng chậm lại, nhất là những cây còn đang ở giai đoạn vườn ươm, hoặc ở thời kỳ có hoa và quả non thì dễ bị rụng.

2. Quy luật phát sinh, phát triển

- Điều kiện thời tiết: Sâu phát triển và gây hại mạnh khi độ ẩm cao, khi độ ẩm thấp thì sâu gây hại thấp. Vào thời điểm nhà vườn có độ ẩm cao 85-90% hoặc thời tiết mát mẻ từ 23-290C thì sâu sẽ phát triển rất mạnh.

- Nguồn thức ăn: Sâu non ăn phần đọt non là nguồn thức ăn yêu thích , do đó vào các thời kỳ cây ra nhiều đọt non thì sâu phát triển mạnh và ngược lại, khi giai đoạn lá già thì sâu ít phát triển.

Ảnh:  Vòng đời của sâu vẽ bùa

- Vòng đời của sâu vẽ bùa gồm 4 giai đoạn: Bướm - Trứng - Sâu non - Nhộng

3. Biện pháp phòng trừ

- Phun thuốc sớm : Khi trong vườn mới xuất hiện sâu và mật độ bướm đã giảm dần thì ta tiến hành phun, cần phun liên tục ; phun kép hoặc 3lần, mỗi lần cách nhau 6 - 7 ngày để diệt hết sâu ở lứa đó

 - Phun thuốc định kỳ:Từ khi cây có mầm búp non đến lá cuối cùng trong đợt; phun từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.Nếu vườn ra mầm búp non không đều thì phun định kì 7-10 ngày/lần.

- Cắt tỉa cành: Nên cắt tỉa cành đồng loạt để cây ra mầm búp non đồng loạt khi đó sử dụng thuốc diệt trừ tổng hợp: trừ sâu non, trứng, xua đuổi ngài.

- Sử dụng thuốc hoá học: Khi thấy sâu xuất hiện ta có sử dụng thuốc trừ sâu để phun vào lúc sâu non nở rộ, các thuốc có thể sử dụng là: Angun 5ME; Dầu khoáng DS 98.8 EC; Radiant® 60S C; Azetin 36 EC; Mectinsuper 37 EC; Akido 20 WP.

Nguyễn Ngọc Phi – Chi cục Trồng trọt và BVTV