Thứ Năm, 21/11/2024

Sâu khoang hại cây rau và biện pháp phòng trừ

Thứ Hai, 01/08/2022

Sâu khoang có tên khoa học là Spodoptera litura. Đây là một giống côn trùng nằm trong họ Noctuidae và trực thuộc bộ Lepidoptera. Sâu khoang ăn tạp, gây hại trên tất cả các loại rau, màu, cây họ đậu, sắn, họ cải, khoai tây…

Ảnh: Sâu khoang hại cây rau

1. Đặc điểm hình thái

Trứng: Sâu khoang thường đẻ trứng thành ổ trên lá, một ổ như vậy thường có từ 50-200 trứng. Một con cái có thể đẻ từ 500-2000 trứng. Có hình bán cầu, trứng mới đẻ có màu vàng, sau màu tro tối xếp với nhau thành ổ. Có lớp lông màu vàng rơm phủ bên ngoài.

Sâu non: Có 6 tuổi, khi đẫy sức ở tuổi 6 dài khoảng từ 35-50mm. Lúc mới nở có màu xanh sáng. Sâu non lúc nhỏ thường sống từng đám nhưng sau đó sẽ phân tán đi khắp nơi. Sâu tuổi lớn có màu từ xám xanh đến nâu đen với những sọc vàng hoặc sọc trắng.

Nhộng: Có chiều dài khoảng từ 18-20mm, khi mới hình thành nhộng có màu xanh đọt chuối và mềm. Sau đó chuyển dần sang màu vàng xanh, cuối cùng là màu nâu đỏ và thân cứng. Cuối bụng có một đôi gai ngắn.

Sâu trưởng thành: Có màu xám hoặc nâu xám. Cánh trước có màu nâu vàng hoặc màu cánh gián, có các vân ngang màu bạc trắng óng ánh. Cánh sau có màu hơi trắng. Sâu khoang trưởng thành có chiều dài thân khoảng 20-25mm, sải cánh rộng từ 35-45mm.

2. Đặc điểm sinh học

Sâu khoang có vòng đời khoảng từ 25-48 ngày. Trong đó vòng đời của trứng là khoảng 3-7 ngày, sâu non khoảng 12-27 ngày, nhộng khoảng 8-10 ngày và sâu trưởng thành khoảng 2-4 ngày.

Thời gian đẻ trứng trung bình của sâu khoang trưởng thành kéo dài khoảng từ 5-7 ngày, đôi khi đến 10-12 ngày.

Sâu trưởng thành hoạt động mạnh nhất vào lúc sáng sớm, chiều mát và suốt đêm. Vào ban ngày khi có ánh nắng, sâu khoang thường chui dưới tán lá hoặc chui xuống dưới đất để ẩn nấp.

Ảnh: Vòng đời Sâu khoang

3. Triệu chứng và tác hại

- Sâu tuổi nhỏ sống tập trung ăn hết thịt lá, chừa lại biểu bì và gân lá.

- Ở tuổi 3-4, sâu phân tán và ăn khuyết lá hoặc ăn có khi ăn trụi lá.

- Khi mật độ sâu cao, sâu khoang có thể làm ăn trụi cả thân cây.

- Sâu khoang phá hoại mạnh nhất vào khoảng tháng 5-6 hằng năm.

- Sâu khoang thường được thấy ở bắp cải, rau muống, khoai lang, khoai sọ, khoai tây, cà,…

4. Biện pháp phòng trừ

- Biện pháp thủ công: Vệ sinh đồng ruộng. Ngắt bỏ trứng, ngắt các lá già có sâu non sống tập trung ở đó để giảm số lần phun thuốc.

- Biện pháp sinh học: Dùng chế phẩm nấm Beauveria, virus NPV để diệt sâu non, sử dụng bẫy Pheromon giới tính hoặc phun thuốc Firibiotox - P...

- Biện pháp hóa học: Trừ sâu khoang bằng một trong các loại thuốc sau: Angun 5WDG, Chim Ưng 3.8EC, Dylan 2EC, Sokupi 0.36AS, Redconfi 11EC…

Đinh Thu Hương - Chi cục Trồng trọt và BVTV.