Thứ Sáu, 04/10/2024

Sâu đục thân hại ngô và biện pháp phòng trừ

Thứ Hai, 01/08/2022

1. Triệu chứng gây hại

Triệu chứng gây hại của sâu đục thân ngô (Ostrinia furnacalis) đối với cây ngô có thay đổi và phụ thuộc vào tuổi của sâu và giai đoạn sinh trưởng của cây ngô. Sâu tuổi 1 – tuổi 3 thường gặm ăn thịt lá nõn nên khi lá nõn vươn xoè ra thì thấy có dãy lỗ ngang trên lá, nếu như sâu nở vào lúc nhú cờ thì sâu có thể ăn bao cờ, đục vào cuống cờ làm bông cờ bị gãy gục, không tung phấn được. Sâu từ tuổi 2 trở đi mới đục phá vào thân, bắp non. Khi cây còn nhỏ bị sâu đục thân sẽ bị gãy gục khi gặp gió, không ra được bắp hay cây kém phát triển. Khi cây ngô đã lớn sâu đục đến đâu là thải phân đến đó và đôi khi còn thấy phân đùn ra ngoài qua lỗ đục, cây ngô bị hại lúc này thường không bị chết nhưng nếu gặp gió to sẽ bị gãy, khi cây ngô bắt đầu có bắp non sâu sẽ đục vào trong bắp theo chiều từ cuống đến thân bắp để ăn lõi và hạt, cho nên nếu gặp mưa bắp sẽ bị thối và bị các bệnh về nấm.

Ảnh: Sâu đục thân gây hại trên ngô

Ảnh: Sâu đục thân hại ngô

2. Quy luật phát sinh, phát triển

Ngài (trưởng thành) hoạt động mạnh vào ban đêm (từ chập tối đến nửa đêm), con ban ngày ẩn nấp ở trong bẹ lá hoặc trong nõn ngô. Ngài có xu tính với ánh sáng đèn và mùi vị chua ngọt. Sau khi vũ hoá trưởng thành được khoảng 1 ngày thì bắt đầu giao phối và sau đó 1 ngày thì bắt đầu đẻ trứng. Ngài thích đẻ trứng ở những ruộng ngô xanh tốt, thời kỳ cây ngô sinh trưởng mạnh nhất và vào lúc cây ngô chuẩn bị trổ cở. Mỗi ngài cái có thể đẻ được từ 300 - 500 trứng trong 2 - 7 ngày hay dài hơn, trứng được đẻ theo từng ổ mỗi ổ có từ 20 - 70 quả, trứng thường được đẻ ở mặt dưới lá ngô bánh tẻ gần gân chính.

Ảnh: Trưởng thành sâu đục thân ngô

Sâu non thường nở vào buổi sáng, lúc mới nở chúng ăn hết vỏ trứng và chất keo phủ trứng, bò xung quanh một thời gian sau đó mới phát tán đi gây hại. Sâu non có 5 tuổi; khi đẫy sức hoá nhộng ở trong thân cây ngô (giữa các đường hang đục), trong lõi bắp, bẹ lá, lá bao và cũng có khi ở ngay bên ngoài gần chỗ bị hại khi trời mưa nhiều.

3. Biện pháp phòng trừ

- Gieo trồng ngô tập trung thành các vùng sản xuất lớn, không nên gieo ngô đông xuân muộn và ngô thu sớm. Không nên gieo trồng các vụ ngô liên tục, đối với điều kiện miền Bắc nên lấy vụ ngô đông xuân và vụ ngô đông sớm làm vụ sản xuất chính.

- Xử lý tàn dư cây ngô sau mỗi vụ thu hoạch để diệt sâu non và nhộng còn tồn tại trong thân cây và bắp ngô.

- Dùng bả độc chua ngọt hay sử dụng bẫy ánh sáng để bẫy thăm dò và tiêu diệt trưởng thành trước khi chúng đẻ trứng.

- Chọn tạo và trồng những giống chống chịu sâu đục thân như: Ngô xiêm, gié Bắc Ninh. - Bảo vệ và tăng cường sự hoạt động của nhóm thiên địch.

- Sử dụng thuốc hoá học: Khi thấy sâu xuất hiện ta có thể rắc Visumit 5DP, 50EC; Vifu-super 5GR lên ngọn cây ngô hoặc vào nách lá. Hay sử dụng thuốc trừ sâu để phun vào lúc sâu non nở rộ, các thuốc có thể sử dụng là: Virtako® 40 WG; Forsan 60 EC; …phun đậm lên mặt lá ngô và bắp ngô.

Nguyễn Thế Hùng - Trạm Kiểm dịch thực vật