Thứ Năm, 21/11/2024

HƯỚNG DẪN PHÒNG, CHỐNG BỆNH LÙN SỌC ĐEN HẠI LÚA (Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus)

Thứ Hai, 19/09/2022
Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình bệnh lùn sọc đen có dấu hiệu tái bùng phát trở lại. Bệnh lùn sọc đen do virus lùn sọc đen  gây ra và rầy lưng trắng là môi giới lây truyền bệnh. Hiện nay không có thuốc phòng trừ bệnh mà chủ yếu là phòng trừ rầy môi giới; khi virus đã xâm nhiễm vào cây lúa, thì khả năng lây lan rất nhanh và có thể bùng phát thành dịch

Ở Ninh Bình, bệnh lùn sọc đen bắt đầu xuất hiện ở vụ Mùa năm 2009, với tổng diện tích nhiễm bệnh là: 3.800 ha. Trong đó 1.900 ha bị giảm trên 70% năng suất. Năm 2010, bệnh đã xuất hiện và gây hại thành dịch ở cả hai vụ đông xuân và mùa. Đến vụ Mùa năm 2017 bệnh tái bùng phát trở lại, tổng diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen là 3.461,8 ha trong đó có diện tích nhiễm nặng là 1.706,9 ha, diện tích giảm 70% năng suất là 751 ha.

Ảnh: Ruộng lúa bị bệnh lùn sọc đen

1. Triệu chứng

Cây lúa bị bệnh có triệu chứng thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng.

Ảnh: Cây lúa bị lùn sọc đen

Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Khi bị bệnh nặng cây lúa không trổ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen. Ở giai đoạn trỗ bông, triệu chứng bệnh có thể xuất hiện ở tất cả các dảnh trên cùng một khúm, hoặc chỉ ở một số dảnh.

Ảnh: Cây lúa bị lùn sọc đen

2. Nguyên nhân gây bệnh

Do virus lùn sọc đen (Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus - SRBSDV) gây ra và rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới lây truyền virus.

Ảnh: Rầy lưng trắng môi giới truyền bệnh virut lùn sọc đen

3. Các biện pháp phòng, trừ bệnh

3.1. Các biện pháp phòng bệnh

- Kiểm tra, rà soát hệ thống bẫy đèn để xác định đỉnh cao của rầy di trú, đặc biệt là rầy lưng trắng; lấy mẫu rầy vào đèn và mẫu rầy trên đồng ruộng, giám định tỷ lệ rầy mang virus lùn sọc đen để có biện pháp phòng trừ rầy môi giới kịp thời, hiệu quả.  Thời gian thực hiện: Từ khi gieo sạ đến giai đoạn lúa ôm đòng.

- Biện pháp canh tác:

+ Vệ sinh đồng ruộng: Cày vùi gốc rạ lúa ngay sau khi thu hoạch để ngăn ngừa lúa chét, lúa tái sinh phát triển; tiêu huỷ ký chủ phụ của rầy và bệnh lùn sọc đen (lúa chét, cỏ lồng vực nước, cỏ đuôi phượng, cỏ đuôi voi, lác muộn, cỏ mần trầu) để hạn chế nguồn rầy, đặc biệt là tại các vùng đã từng bị bệnh lùn sọc đen nặng.

+ Bố trí thời vụ: Căn cứ vào khung thời vụ chung của từng địa phương chỉ đạo gieo cấy tập trung, đồng loạt nhưng đảm bảo thời gian cách ly với vụ đông xuân ít nhất 20 ngày.

+ Xử lý hạt giống (nếu không che phủ lưới) trước khi gieo bằng thuốc BVTV ở những vùng đã bị bệnh và vùng có nguy cơ bị bệnh cao; kiên quyết không đưa vào sản xuất những giống lúa đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen nặng.

+ Bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa phân đạm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI), kỹ thuật phòng trừ tổng hợp IPM; không phun thuốc kích thích sinh trưởng khi cây lúa đã bị bệnh.  

- Phòng trừ rầy môi giới, bảo vệ mạ và lúa gieo sạ:

+ Không gieo mạ ven đường giao thông, nơi gần nguồn sáng mạnh sẽ thu hút rầy lưng trắng đến truyền bệnh. Che phủ lưới (mắt lưới dầy) để phòng chống rầy lưng trắng xâm nhập lây truyền bệnh. Ở những vùng đã từng bị bệnh và vùng có nguy cơ bị bệnh cao tiến hành phun tiễn chân mạ trước khi cấy từ 3 - 4 ngày và trên lúa gieo sạ khi cây lúa được 4-5 lá.  

+ Khi phát hiện trưởng thành rầy lưng trắng trên mạ và lúa gieo sạ cần giám định mẫu rầy, nếu phát hiện rầy mang virus gây bệnh lùn sọc đen cần phải phun thuốc trừ rầy ngay để tiêu diệt nguồn rầy mang virus, hạn chế lan truyền bệnh.

+ Khi bệnh xuất hiện trên mạ, tuỳ theo mức độ nhiễm bệnh tiến hành tiêu hủy cả luống hoặc cả ruộng sau khi đã phun bằng thuốc trừ rầy tiếp xúc; gieo bổ sung mạ nếu thời vụ cho phép.

3.2. Các biện pháp trừ bệnh

* Trừ bệnh khi lúa xuất hiện bệnh:

- Giai đoạn lúa đẻ nhánh: Nhổ vùi cây lúa bị bệnh, phun thuốc trừ rầy để ngăn chặn nguồn bệnh phát tán sang ruộng khác; Ở giai đoạn trước đứng cái nếu ruộng có trên 30% số dảnh lúa bị bệnh thì tiến hành tiêu hủy ngay cả ruộng bằng cách cày vùi diệt mầm bệnh; trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ rầy lưng trắng (nếu có) để ngăn chặn nguồn bệnh phát tán sang ruộng khác. Chỉ cấy, sạ lại nếu còn thời vụ cho phép. 

- Giai đoạn lúa đứng cái trở đi: Những ruộng, khu đồng đã phát hiện rầy lưng trắng mang virus cần phun trừ thì phải phun thuốc khi rầy cám lứa kế tiếp nở rộ; những ruộng, khu vực còn lại thường xuyên điều tra, khoanh vùng, chỉ đạo phun thuốc trừ rầy lưng trắng những nơi có mật độ từ 1.000 con/m2 trở lên (đối với lúa trước trỗ) hoặc có mật độ từ 2.000 con/m2 trở lên (đối với lúa sau trỗ). Bằng các loại thuốc trừ rầy phù hợp với tuổi rầy, thời kỳ sinh trưởng của cây lúa.   

Tiêu hủy cây lúa bị bệnh: Trường hợp ruộng lúa nhiễm bệnh nhẹ tiến hành nhổ vùi các dảnh lúa, khóm bị bệnh và phun thuốc trừ rầy lưng trắng (nếu có); trường hợp ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất thì phải tiêu hủy bằng cách cày vùi cả ruộng, trước khi cày phải phun thuốc trừ rầy lưng trắng (nếu có) để hạn chế lây lan nguồn bệnh sang ruộng khác.

Các loại thuốc trừ rầy

* Giai đoạn mạ - ôm đòng: Sử dụng các loại thuốc nội hấp như: Penaltyl 40WP, Chess 50WG, Palano 600WP, Matoko 500 WG, Applaudbas 27 WP, Sutin 5 EC; 50SC…   

* Giai đoạn ôm đòng - trỗ bông: Sử dụng các loại thuốc nội hấp như: Chess 50WG, Palano 600WP, Matoko 500 WG, Applaudbas 27 WP,  Supercheck 720 WP …

* Giai đoạn chắc xanh- đỏ đuôi: Sử dụng các loại thuốc tiếp xúc như: Nibas 50 EC, Bassa 50 EC…  Chú ý khi sử dụng các loại thuốc trừ rầy tiếp xúc nhất thiết phải rẽ hàng để thuốc phun tiếp xúc trực tiếp với rầy và cần lựa chọn các loại thuốc đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch.

Ảnh: Một số thuốc trừ rầy

Phạm Thị Xuyến - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.