Trong trồng trọt, bệnh sương mai là một trong những bệnh gây hại trên nhiều loại cây trồng và có tốc độ lây lan nhanh chóng. Vào những ngày thời tiết ban ngày se lạnh, đêm lạnh, nhiệt độ giảm xuống còn 20 – 230C, là điều kiện thuận lợi cho bệnh sương mai trên cây họ bầu bí phát sinh, phát triển.
1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh do nấm hại Peronospora parasitica gây ra. Bệnh sương mai trên cây họ bầu bí gây hại trên tất cả các bộ phận của cây như lá, thân, quả, cành, nụ, hoa,... Trong đó, lá là bộ phận bị hại nhiều nhất.
Bào tử nấm Peronospora parasitica nảy mầm trong điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm > 80%. Nhiệt độ tốt nhất cho nấm phát triển là từ 24 – 30ºC, tối thiểu 10 – 13º C. Đây chính là nhiệt độ thích hợp nhất để động bào tử nang nảy mầm.
Vào ban đêm, nhiệt độ vừa phải, khoảng từ 15 -18ºC kèm độ ẩm không khí cao là điều kiện rất thuận lợi giúp nấm bệnh sương mai phát triển. Bệnh sương mai trên cây họ bầu bí thường xuất hiện trong mùa mưa, vào thời gian có nhiều sương như ban đêm. Áp dụng biện pháp tưới phun mưa cho cây trồng khi mật độ trồng quá dày cũng là điều kiện để nấm bệnh phát sinh, gây hại.
Các màn sương, màn nước mưa đọng trên tán lá cũng góp phần làm cho bào tử nấm nảy mầm, sản sinh rồi xâm nhập vào trong cây trồng.
Ảnh: Cây bí xanh bị bệnh sương mai
2. Dấu hiệu nhận biết
Bệnh hại các bộ phận lá, thân, quả nhưng hại lá là chủ yếu.
Khi cây bị nấm bệnh sương mai tấn công, ở mặt trên và mặt dưới của lá thường xuất hiện những chấm nhỏ màu vàng. Sau đó chúng chuyển sang màu nâu và lan rộng ra chạy dọc theo phần gân lá.
Vết bệnh có hình thù bất định, thường là hình đa giác.
Mặt dưới của lá, vết bệnh xuất hiện có những lớp phấn màu trắng xám.
Bệnh chuyển nặng sẽ khiến lá hoàn toàn bị biến dạng, trở nên khô và dễ rách. Sau đó lá bị uốn cong lên, rụng sớm khiến cây kém phát triển.
Giữa mô bệnh và mô khoẻ của lá không có ranh giới ở mặt dưới lớp bệnh. Vết bệnh thường có một lớp mốc xám phủ lên trên.
Ảnh: Biểu hiện cây bị bệnh sương mai
3. Biện pháp khắc phục
3.1. Biện pháp canh tác
- Chọn chân ruộng cao, thuận lợi tưới tiêu. Vệ sinh đồng ruộng, bón vôi khi cày bừa ngả ruộng trước khi trồng, không trồng liên tục nhiều vụ cây cùng họ trên một ruộng.
- Trồng cây khỏe, mật độ hợp lý.
- Thường xuyên tỉa nhánh, bấm ngọn, tỉa các lá già, lá che khuất, lá bị bệnh không còn khả năng quang hợp và tiêu hủy tạo độ thông thoáng và giảm sự lan truyền nấm bệnh.
- Điều tiết nước hợp lý: thực hiện tưới rãnh chủ yếu, nếu tưới nước mặt luống không nên tưới vào buổi chiều tối, không để nước đọng trong rãnh khi gặp mưa to, mưa kéo dài, sương mù nhiều, ẩm độ không khí cao.
- Tăng cường sử dụng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, bón cân đối đạm, lân, kali.
3.2. Biện pháp hóa học
- Dùng các loại thuốc được phép sử dụng, theo nồng độ khuyến cáo và theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách), đảm bảo thời gian cách ly của từng loại thuốc.
- Khi phát hiện bệnh trên đồng ruộng có thể sử dụng một số loại thuốc như: Diboxylin 2SL, Supercin 50WP, 40SL, Stifano 5.5SL,…..
Lưu ý: Khi thời tiết ẩm độ không khí cao, cây bị bệnh, không phun phân bón lá có chứa đạm và chất kích thích sinh trưởng.
Nguyễn Thị Hồng - Chi cục Trồng trọt và BVTV
84/2019/NĐ-CP
Quy định về quản lý phân bón62/2019/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa31/2018/QH14
Luật Trồng trọt64/2014/NĐ-CP
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân41/2013/QH13
Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật42/2013/QH13
Luật Tiếp công dân