Thứ Sáu, 04/10/2024

Hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ bệnh sương mai hại cây cà chua

Thứ Hai, 01/08/2022

Bệnh sương mai do nấm Phytophthora infestans gây ra. Là bệnh rất phổ biến trên cây cà chua. Bệnh sương mai trên cà chua xuất hiện khi trời lạnh, đêm và sáng sớm có nhiều sương mù. Hoặc có mưa nhỏ, ban ngày trời âm u, ít nắng. Bệnh gây hại trên tất cả các bộ phận của cây cà chua, bệnh sương mai có thể kéo dài trong toàn bộ quá trình phát triển từ cây con cho tới khi cây ra hoa ra quả đến thu hoạch.

1. Triệu chứng bệnh sương mai trên cà chua:

Trên lá: Ban đầu vết bệnh có hình tròn hoặc bán nguyệt, màu xanh tối. Những vết này lan rộng nhưng không có hình dạng cụ thể và dần chuyển sang màu nâu đen. Nếu bị nặng, nhiều vết bệnh liên kết lại với nhau làm cho lá bị chết khô hoặc bị thối, mặt dưới sẽ lá mọc ra một lớp nấm mầu trắng.

Ảnh: Bệnh sương mai gây hại trên lá

Trên thân, cành: Ban đầu vết bệnh có hình bầu dục nhỏ, nếu thời tiết thuận lợi, nấm bệnh sẽ lan rộng dần bao quanh và kéo dài dọc theo thân cành, chỗ bị bệnh nâu sẫm lại hơi lõm xuống và úng nước.

Trên hoa: Bệnh sương mai xuất hiện dưới hình dạng các đốm nâu hoặc nâu đen tại khu vực đài hoa ngay sau khi nụ hình thành. Từ đài, bệnh lan dần sang cánh hoa, cuống hoa và làm cho cả chùm hoa bị rụng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh sản, thụ phấn và đậu quả của cây, dẫn đến suy giảm năng suất.

Trên quả: Ban đầu vết bệnh chỉ là một điểm nhỏ trên vỏ trái hoặc trên núm mầu nâu nhạt, sau chuyển dần sang mầu nâu đen rồi lan ra khắp bề mặt trái. Thịt trái trở nên khô cứng, vỏ trái xù xì lồi lõm. Nếu ẩm độ không khí cao, trên vết bệnh cũng mọc lên một lớp nấm trắng xốp. Những quả cà chua đã nhiễm bệnh nặng sẽ dần thối nhũn, là cơ hội cho nhiều loại nấm phụ sinh khác như Fusarium xâm nhập.

Ảnh: Bệnh sương mai trên quả

2. Nguyên nhân gây nên bệnh sương mai trên cà chua

Bệnh do nấm ký sinh chuyên tính Phytopthora infestans (Mont.) gây ra.

Bệnh phát sinh và gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết mưa nhiều độ ẩm cao, mưa nắng thất thường, trời âm u có sương mù, ở các vùng đất trũng, ít thoát nước, bón phân không cân đối, bón thừa đạm.

3. Biện pháp hạn chế

3.1 Giống: Trồng giống kháng bệnh.

3.2 Biện pháp canh tác:

- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom và tiêu hủy tàn dư cây bệnh. Bón vôi, phân hữu cơ trước khi gieo trồng. Bón phân cân đối, tăng lượng bón phân kali và lân. Luống đánh cao, rãnh rộng để dễ thoát nước.

- Vườn ươm phải là nơi đất cao ráo, sạch sẽ. Không nên trồng cà chua gần ruộng khoai tây và không luân canh kế cận với khoai tây.

- Thường xuyên  kiểm tra phát hiện bệnh kịp thời ngoài đồng ruộng, khi thấy phát sinh các ổ bệnh đầu tiên cần phải phân loại ruộng để có kế hoạch phun thuốc ngăn chặn ngay.

3.3 Biện pháp sinh học: Sử dụng chế phẩm Trichoderma ủ với phân chuồng hoai mục 7 – 10 ngày để bón lót.

3.4 Biện pháp hóa học:

- Dùng các loại thuốc được phép sử dụng, theo nồng độ khuyến cáo và theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách).

- Khi phát hiện bệnh trên đồng ruộng có thể sử dụng một số loại thuốc như:  Amtech 100EW, Amistar® 250 SC, Ortiva® 600SC, Map hero 340WP, Daconil 500SC, Revus Opti® 440SC…

Nguyễn Thế Hùng - Chi cục Trồng trọt và BVTV