Thứ Sáu, 04/10/2024

Chuột hại và các biện pháp phòng trừ

Thứ Hai, 01/08/2022

Chuột là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống con người.

1. Tác hại của chuột

- Chuột gây hại hầu hết các loại cây trồng (lúa, rau màu,…), gây hại ở các giai đoạn sinh trưởng của cây.

- Gây hại vật nuôi, trong kho nông sản, đê điều, các tác phẩm văn hoá nghệ thuật, các đồ dùng thông thường hàng ngày của con người…

- Là môi giới truyền bệnh nguy hiểm cho người và gia súc mà điển hình là bệnh dịch hạch đã làm chết hàng triệu người trên thế giới.

2. Đặc điểm sinh học

- Chuột là động vật có vú, đại não phát triển và có phản xạ có điều kiện.

- Chuột có răng cửa phát triển rất mạnh, có khuynh hướng mọc dài nên chuột phải cắn phá liên tục để mài răng.

- Cơ quan thị giác kém phát triển, không phân biệt được màu sắc (mù màu), sợ ánh sáng mạnh.

-  Chuột hoạt động nhiều lúc chạng vạng tối (7-9 giờ), trước khi trời sáng (5-6giờ). Ban ngày ẩn nấp trong  hang, tổ hay trong lùm cây bụi rậm.

- Cơ quan khướu giác (mũi)  rất phát triển có thể ngửi được mùi thức ăn cách 1,5 m.

- Cơ quan thính giác (tai) rất phát triển nghe tần số giống con người. Vì vậy khi nghe tiếng động là nó chạy rất nhanh.

- Râu của chuột như một ăng ten chỉ dẫn đường cho nó rất tốt

- Chuột có tính nhút nhát, đa nghi (không ăn hoặc gặm nhấm thức ăn lạ). Do vậy, trước khi đánh bả phải đặt mồi nhử trước, sau  mới đặt mồi có thuốc.

- Chuột đào hang và sống thành đàn. Hang của chuột thường trên các bờ ruộng, bờ mương, bãi hoang, gò...

Khi mang thai, chuột không ra ngoài kiếm ăn khoảng 10-15 ngày.

Ảnh: Các dạng hang của chuột

 

Cách xác định hang có chuột: Có phân mới, có dấu chân mới, đất vụn tơi rời có dạng hạt, vụn thức ăn còn tươi, không có mạng nhện và có đường đi trơn nhẵn, mới.

- Chuột có thể nhịn đói từ 3-5 ngày. Do vậy, trước khi đánh chuột nên vệ sinh đồng ruộng để cắt đứt nguồn thức ăn.

- Chuột di chuyển xa và phân bố mật độ rất nhanh.

- Nhảy tương đối cao vì vậy khi quây nilon cần quây cao 60-70cm.

- Chuột mang thai 21 ngày (3 tuần).

3. Khả năng sinh sản của chuột

- Rất nhanh, đẻ từ 4-5 lứa/năm, mỗi lứa từ 6-8 con, nếu thức ăn dồi dào, chuột có thể đẻ 6-8 lứa/năm, mỗi lứa 10-12 con.

Ảnh: Sơ đồ vòng đời của chuột

- Mùa sinh sản của chuột  vào giai đoạn lúa đòng già - trỗ bông.

- Thời gian thành thục của chuột rất sớm, chuột con sau khi sinh khoảng 2-3 tháng có thể sinh sản

- Khả năng sinh sản phụ thuộc vào 2 yếu tố:

+ Nguồn dinh dưỡng

+ Mật độ chuột trên đồng ruộng.

4. Các biện pháp diệt trừ chuột: Áp dụng đồng bộ các biện pháp, cần diệt sớm ngay từ đầu vụ, thường xuyên, liên tục, tập trung, đồng loạt và mang tính cộng đồng.

4.1 Biện pháp canh tác:

- Phải cấy tập trung, đồng giống, đồng trà trên cùng cánh đồng.

- Vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch, dọn sạch rơm rạ, cỏ dại, tàn dư cây trồng để hạn chế nơi ẩn náu và sinh sản của chuột.

- Quây ni lon (60-70cm) xung quanh để hạn chế khả năng gây hại của chuột.

4.2 Biện pháp thủ công:

- Đào hang

- Đổ nước

- Hun khói: Sử dụng nguyên liệu đơn giản như rơm rạ, trấu được đốt trong máy xông hơi

- Soi đèn diệt chuột lúc chạng vạng tối và tối.

- Đặt bẫy: Bẫy dính, bẫy bán nguyệt, lồng sập, bẫy kẹp, bẫy cây trồng,… đặt bẫy ở bờ ruộng, lối đi của chuột, dưới các bẫy bỏ mồi; hàng ngày kiểm tra, thu gom xác chuột và đặt lại bẫy

- Dùng đèn có ánh sáng mạnh

4.3. Biện pháp sinh học: Khuyến khích người dân nuôi mèo, nuôi chó săn chuột bảo vệ thiên địch của chuột như rắn, các loài chim…

4.4. Biện pháp hóa học

- Sử dụng các loại thuốc có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

- Thuốc diệt chuột gây chết chậm gồm các loại thuốc có hoạt chất: Bromadiolone như Antimice 3DP; Cat 0,25WP,…Hoạt chất Warfarin như: RatK 2%DP, Rat-kill 2%DP, Killmou 2.5DP,...

- Ưu điểm: Đây là nhóm thuốc chống đông máu. Rất độc với chuột, ít độc hơn với các động vật khác, không gây hiện tượng sợ mồi.

- Nhược điểm: Chuột có khả năng kháng thuốc.

Nguyễn Thế Hùng - Chi cục Trồng trọt và BVTV.