Thứ Sáu, 04/10/2024

Bệnh lở cổ rễ hại cây lạc và biện pháp phòng trừ

Thứ Hai, 06/03/2023

Bệnh lở cỗ rễ là một trong những căn bệnh gây hại lớn đến cây lạc. Bệnh có thể tấn công suốt giai đoạn sinh trưởng của cây, thường gây thiệt hại nặng và xảy ra ở những nơi đã phát bệnh và ẩm độ cao.

Ảnh: Bệnh lở cổ rễ trên cây lạc

1. Nguyên nhân

Bệnh lỡ cổ rễ do nấm Rhizoctonia solani Kuhn gây ra. Sợi nấm màu trắng, hạch nấm màu trắng lúc mới, sau đó có màu nâu vàng hoặc nâu đen, hạch nấm hình cầu có bề mặt trơn láng, kích thước 1-2 mm.

Bệnh có thể tấn công suốt giai đoạn sinh trưởng của cây, thường gây thiệt hại nặng cho cây con, thường xảy ra trong khu đất cũ đã phát bệnh và ẩm độ cao.

Nấm bệnh trong tàn dư cây bị bệnh, đất và lây lan qua gió, nước. Nhiệt độ nóng ẩm là điều kiện thích hợp để nấm phát triển, từ 25-300C.

2. Triệu chứng

Triệu chứng của bệnh trên cây con được biểu hiện là cổ thân bị úng và teo tóp lại, cây bị ngã ngang nhưng lá vẫn còn xanh tươi, sau đó mới héo lại.

Bệnh xâm nhiễm ở thân, nhất là ở phần gốc thân sát cổ rễ, làm cho mô vỏ bị thối nâu hoặc nâu đen, viền vùng thối không đều đặn và có màu nâu đỏ, phần bệnh hơi lõm vào, sau đó thân bị nứt ra, lá héo khô rồi rụng dần.

Cây bị nhiễm bệnh chậm phát triển và thường bị chết. Ngoài gây lỡ cổ rễ nấm còn gây bệnh thối khô quả.

Ảnh: Các biểu hiện bện lở cổ rễ trên cây lạc

3. Biện pháp phòng trừ

- Luân canh với cây trồng khác.

- Sử dụng giống sạch bệnh, xử lý hạt giống bằng thuốc trừ nấm.

- Bón phân cân đối, hợp lý, bón lót bằng phân chuồng hoai mục.

- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhổ bỏ cây bị bệnh, bón vôi vào gốc để tránh bệnh lây lan.

- Dùng thuốc hóa học để phun trừ như: Trobin top 325SC, Heroga 64SL, Niclosat 4SL, Moren 25 WP, Fubarin 20WP,……….

Trạm Kiểm dịch thực vật.