Thứ Sáu, 04/10/2024

Bệnh đạo ôn trên lúa và biện pháp phòng trừ

Thứ Tư, 08/03/2023

Hiện nay trà lúa xuân sớm đang đòng đến trỗ, trà lúa xuân muộn đang giai đoạn đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ nhánh. Những ngày qua thời tiết mưa nhỏ, mưa phùn, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh và gây hại. Qua công tác kiểm tra đồng của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho thấy bệnh đạo ôn lá xuất hiện rải rác trên các trà lúa. Đặc biệt trên trà xuân muộn, bệnh đã gây hại cục bộ ở những diện tích lúa xanh tốt, giống nhiễm như: LT2, Bắc thơm số 7, Đài thơm 8, TBR 225, Nếp... Tỷ lệ bệnh nơi cao: 3-5%; cá biệt: 20-30% số lá C1-3  (xã Yên Nhân, Yên Lâm, Khánh Thịnh, huyện Yên Mô; xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh; xã Phú Sơn, huyện Nho Quan…)

Ảnh:  Cán bộ kỹ thuật kiểm tra đồng ruộng

Tên khoa học: do nấm Pirycularia oryzae gây ra.

1. Triệu chứng, tác hại

- Trên lá: Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ màu xanh lục sau chuyển sang màu xám nhạt tùy theo mức độ phản ứng của các giống lúa mà vết bệnh điển hình có hình thoi to, nhỏ khác nhau và có màu nâu nhạt, quầng vàng nhạt hoặc hình không đặc trưng (đối với giống kháng). Nếu ruộng bị nặng có thể gây lùn lụi (giai đoạn đẻ nhánh).

Ảnh: Hình ảnh bệnh đạo ôn lá

- Trên cổ bông: Lúc đầu là một chấm nhỏ màu xám đen sau lan dần quanh cổ bông làm cho bông lúa bị lép lửng, gây hiện tượng bông bạc (ở giai đoạn trỗ - chắc). bệnh có thể gây hại trên cổ gié và trên hạt. Nếu bị hại ngay giai đoạn lúa trỗ bông sẽ gây ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Ảnh: Hình ảnh bệnh đạo ôn cổ bông

2. Điều kiện phát sinh và phát triển

Bệnh phụ thuộc nhiều vào yếu tố ngoại cảnh do đó bệnh phát triển thất thường.

- Điều kiện thời tiết: bệnh hại nặng vào lúc trời mát, gió nhẹ, ẩm độ không khí cao, có mưa thường xuyên và kéo dài, trời âm u ít nắng cũng thuận lợi cho bệnh phát triển và gây hại nặng.

- Điều kiện dinh dưỡng (phân bón): Bón nhiều phân đạm, thiếu lân và kali thường làm cho bệnh phát triển. Ở những ruộng đã bón nhiều đạm, nếu bón thêm phân lân sẽ làm bệnh nặng hơn. Còn nếu đất thiếu lân thì bón thêm lân hạn chế được bệnh (ở những vùng đất phèn). Bón kali nhiều hay ít cần phải cân đối lượng đạm bón vào ruộng.

- Giống lúa: Ở nước ta đã xác định được nhiều giống chống bệnh trong điều kiện ngoại cảnh ở các địa phương. Phản ứng với bệnh của các giống biến đổi theo từng nước, thậm chí từng vụ ở ngay trong một địa phương. Mức độ chống bệnh của các giống liên quan đến điều kiện thời tiết, đất đai và kỹ thuật canh tác.

Tính chống bệnh của giống lúa có liên quan đến các đặc điểm hình thái và thành phần hoá học trong cây lúa.

- Điều kiện khô hạn: ở những vùng lúa bị hạn, những vùng trồng lúa rẫy, nhiệt độ ngày đêm có chênh lệch, sương mù bệnh phát triển nặng.

- Nguồn bệnh: nấm bệnh lưu tồn trong rơm rạ, cỏ dại, hạt giống… là nguồn bệnh lây lan qua vụ sau.

3. Biện pháp phòng trừ

* Đối với bệnh đạo ôn lá

- Khi bón thúc đẻ nhánh xong lúa kín đất. Cuối tháng 3 và tháng 4 nhiều ngày có mưa phùn, chênh lệch ngày và đêm cao, độ ẩm cao rất thuận tiện cho bào tử nấm đạo ôn phát sinh, phát triển và gây hại.

- Ruộng bị bệnh cần dừng ngay việc bón các loại phân, đặc biệt là phân đạm. Không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá. Giữ mực nước trong ruộng từ 1-3 cm. Đối với những ruộng bị bệnh nặng phải phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày, trước khi phun thuốc cần loại bỏ các lá bị bệnh nặng tiêu huỷ rồi mới tiến hành phun thuốc (Chú ý: Tranh thủ thời tiết thuận lợi để phòng trừ kịp thời và đảm bảo lượng nước thuốc đã pha từ 25-30 lít/sào).

Phun trừ trên những ruộng có tỷ lệ bệnh ≥3 % số lá bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Bump 650WP, Kasoto 200SC, FuJione 40WP, Beam 75WP, Kabim 30WP, Bamy 75WP, Fu-army 30WP,...

* Đối với bệnh đạo ôn cổ bông:

Phun phòng theo tốc độ lúa trỗ trên những ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá, giống nhiễm, ruộng xanh tốt gần nguồn bệnh khi lúa thấp tho trỗ từ 3-5%. Những ruộng bị đạo ôn lá nặng, cần phun kép hai lần, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Kasoto 200SC, Bump 650WP, Katana 20SC, Kabim 30WP, Filia® 525SE, Bamy 75WP,...

Phạm Thị Xuyến – Trạm Kiểm dịch thực vật.