Đến nay trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn đòng già đến trỗ bông - phơi màu, trà lúa mùa trung đang ở giai đoạn phân hoá đòng đến ôm đòng, trà mùa muộn đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến phân hóa đòng. Nhìn chung trên phạm vi toàn tỉnh lúa sinh trưởng và phát triển tốt do được chăm sóc hợp lý và phòng chống dịch hại kịp thời. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng cho thấy một số đối tượng đang phát sinh và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa, cụ thể:
1. Sâu cuốn lá nhỏ: Lứa 6 đã gây hại rộng trên các trà lúa, hiện tại mật độ trung bình: 15 con/m2 T5-N ; nơi cao: 50-80 con/m2; cá biệt: > 100 con/m2 (huyện Yên Mô, Kim Sơn, Hoa Lư, Yên Khánh…). Bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 7 ra rải rác, mật độ nơi cao: 3-5 con/m2.
Trong thời gian tới, bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 7 ra rộ từ ngày 28/8 đến 07/9, sâu non sẽ nở rộ từ 03/9 đến 13/9 gây hại rộng trên các trà lúa trỗ sau 05/9 ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Mật độ sâu phổ biến: 50-70 con/m2; nơi cao: 100-150 con/m2; cá biệt > 200 con/m2. Quy mô mức độ hại cao hơn so với cùng lứa vụ Mùa 2022. Nếu không phát hiện và phòng chống kịp thời nhiều diện tích bị hại nặng sẽ làm sơ trắng bộ lá đòng ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.
2. Sâu đục thân lúa 2 chấm: Bướm sâu đục thân 2 chấm lứa 5 bắt đầu ra rộ, mật độ nơi cao: 0,03-0,05 con/m2; cá biệt: 0,1-0,3 con/m2 (huyện Yên Mô, Hoa Lư, Yên Khánh, Nho Quan…). Trứng xuất hiện rải rác, nơi cao: 0,3-0,5 ổ/m2.
Trong thời gian tới bướm sâu đục thân lúa hai chấm lứa 5 tiếp tục ra rộ đến ngày 12/9. Sâu non nở rộ từ 29/8 đến 19/9, gây hại trên trà lúa trỗ sau ngày 01/9 ở các huyện phía Bắc tỉnh và sau ngày 05/9 ở các huyện phía Nam tỉnh. Tỷ lệ hại nơi cao: 5-10%; cá biệt trên 20% đòng héo, bông bạc (huyện Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư, TP Tam Điệp...). Quy mô, mức độ hại cao hơn so với vụ Mùa 2022. Nếu không phòng chống kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa.
3. Rầy nâu, rầy lưng trắng: Lứa 6 gây hại rộng trên các trà lúa, mật độ rầy hiện tại phổ biến: 150 con/m2 T1-3; nơi cao: 500-800 con/m2; ổ > 3.000 con/m2 (huyện Yên Mô, Kim Sơn, Yên Khánh,...).
Lứa 7: Rầy cám nở rộ từ 13/9 đến 23/9, gây hại rộng trên các trà lúa, đặc biệt trên trà lúa mùa trung đang ở giai đoạn chắc xanh đến chín. Mật độ phổ biến: 200-300 con/m2; nơi cao: 1.000-2.000 con/m2; ổ vạn con/m2 (huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư,…). Nếu không phát hiện và phòng chống kịp thời, rầy có khả năng gây cháy ổ ở giai đoạn lúa chắc xanh đến chín. Quy mô, mức độ hại tương đương so với vụ Mùa 2022.
Ngoài ra, chuột, bệnh khô vằn tiếp tục hại tăng trên các trà lúa; lúa cỏ, bệnh lùn sọc đen gây hại cục bộ.
Trước tình hình sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân lúa 2 chấm và rầy nâu, rầy lưng trắng có khả năng gây hại rộng ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị:
- Điều tiết nước hợp lý, bón thúc kali cho trà lúa mùa muộn ở giai đoạn phân hoá đòng tạo điều kiện cho cây lúa khoẻ, tăng khả năng chống chịu với các đối tượng sinh vật gây hại.
- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa trỗ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng. Cụ thể:
* Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Phun trừ trên những diện tích có mật độ sâu ≥20 con/m2; khi sâu non tuổi 2 rộ thời gian phun trừ từ ngày 06/9 đến 11/9 bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Clever 150SC; 300WG; Directer 70EC; Fenrole 240 SC, Virtako®40WG; Voliam Targo®063SC; Silsau 3.5EC; Dylan 2EC... (Những ruộng có mật độ sâu cao ≥200 con/m2 phải tiến hành phun trừ 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 4-5 ngày.
* Đối với sâu đục thân lúa 2 chấm: Phun trừ trên những ruộng có mật độ ổ trứng ≥ 0,3 ổ/m2 khi sâu non tuổi 1 nở rộ. Thời gian phun trừ từ ngày 01/9 trở đi đối với các huyện phía Bắc tỉnh, từ ngày 05/9 đối với các huyện phía Nam tỉnh. Những ruộng có mật độ ổ trứng ≥ 1 ổ/m2 phải phun kép 2 lần, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu: Prevathon 5SC; Voliam Targo 063SC, Virtako 40WG...
* Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: Thời gian phun trừ từ ngày 16/9-21/9. Cụ thể:
+ Ở giai đoạn ôm đòng - trỗ bông: Phun trừ trên những ruộng có mật độ rầy ≥2.000 con/m2 khi rầy tuổi 2 rộ, bằng một trong các loại thuốc nội hấp như: Chess 50WG, Titan 600WG, Palano 600WP, Niten Super 500WP, Matoko 50WG…
+ Ở giai đoạn chắc xanh - đỏ đuôi: Phun trừ trên những ruộng có mật độ ≥1.500 con/m2 khi rầy tuổi 2 rộ, bằng một trong các loại thuốc tiếp xúc như: Nibas 50EC, Bassa 50EC, Vibasa 50EC… Chú ý khi sử dụng các loại thuốc trừ rầy tiếp xúc nhất thiết phải rẽ hàng để thuốc phun tiếp xúc trực tiếp với rầy và cần lựa chọn các loại thuốc đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch.
Ngoài ra kết hợp phòng trừ bệnh khô vằn, bệnh lép đen hạt; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đạo ôn cổ bông trên các giống nhiễm. Tiếp tục diệt trừ chuột.
(Chú ý: Tuỳ tình hình cụ thể ở các địa phương cần xác định sinh vật gây hại nào là chính để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; có thể kết hợp phun trừ các đối tượng trên nhưng phải đảm bảo đủ liều lượng, lượng nước thuốc đã pha từ 25-30 lít/sào).
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố căn cứ vào thông báo của Chi cục và tình hình cụ thể của địa phương tham mưu cho UBND các huyện, thành phố; hướng dẫn, chỉ đạo các HTX và bà con nông dân phun trừ kịp thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do các đối tượng sinh vật gây hại gây ra.
Trạm Kiểm dịch thực vật.
84/2019/NĐ-CP
Quy định về quản lý phân bón62/2019/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa31/2018/QH14
Luật Trồng trọt64/2014/NĐ-CP
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân41/2013/QH13
Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật42/2013/QH13
Luật Tiếp công dân