Vụ Đông xuân năm 2021-2022, toàn tỉnh gieo cấy được 39.894,4 ha. Hiện tại trà lúa xuân sớm đang ở giai đoạn chín - thu hoạch; trà xuân muộn ở giai đoạn ôm đòng - trỗ bông. Nhìn chung trên phạm vi toàn tỉnh đến nay lúa sinh trưởng và phát triển tốt, do đảm bảo đủ nước và phòng trừ dịch hại kịp thời. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra tình hình dịch hại trên đồng ruộng cho thấy một số đối tượng dịch hại có khả năng phát sinh và gây hại rộng trên trà lúa xuân muộn trong thời gian tới. Cụ thể:
1. Rầy nâu, rầy lưng trắng: Lứa 2 đã gây hại rộng trên các trà lúa, mật độ rầy hiện tại trên đồng ruộng trung bình: 250 con/m2; nơi cao: 800-1.000 con/m2; cá biệt trên diện tích không phòng trừ rầy lứa 2 mật độ ≥ 3.000 con/m2 T3-5 (huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn, Hoa Lư...).
Trong thời gian tới rầy cám lứa 3 sẽ nở rộ từ ngày 27/5-07/6, gây hại rộng trên trà lúa xuân muộn đang ở giai đoạn chắc xanh đến chín. Mật độ phổ biến: 400-600 con/m2, nơi cao: 1.000-2.000 con/m2, ổ trên 3.000 con/m2 (huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn, Hoa Lư…). Nếu không phát hiện và phòng chống kịp thời sẽ gây cháy sau ngày 05/6 trở đi làm ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa, đồng thời rầy còn là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen trên đồng ruộng.
2. Bệnh đạo ôn cổ bông, gié: Gây hại cục bộ trên lúa sớm diện đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, bón thừa đạm, giống nhiễm như: J02, Quốc tế, C.Ưu đa hệ, TBR 225, Nếp,… Tỷ lệ bệnh nơi cao: 0,5-1%; cá biệt: 5-10% số bông (huyện Nho Quan). Trong thời gian tới, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi (ẩm độ không khí cao, thời tiết có mưa) bệnh sẽ tiếp tục phát sinh và gây hại trên trà lúa xuân muộn (giống nhiễm, những diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá). Nếu không phun phòng kịp thời, bệnh sẽ gây hại và ảnh hưởng đến năng suất.
Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 nở rộ từ ngày 24/5-30/5 gây hại trên trà lúa xuân muộn trỗ sau ngày 25/5; sâu đục thân lúa 2 chấm lứa 2 gây hại cục bộ trên trà lúa trỗ sau ngày 20/5 đối với các huyện phía Bắc tỉnh, sau 25/5 đối với các huyện phía Nam tỉnh. Bệnh khô vằn tiếp tục hại tăng; lúa cỏ, chuột hại, bệnh bạc lá, nhện gié hại cục bộ; bệnh lùn sọc đen hại rải rác.
Để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng gây hại của rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn cổ bông. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị:
1. Đảm bảo đủ nước để lúa trỗ bông - làm hạt thuận lợi.
2. Phát động toàn dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời không phun thuốc tràn lan để bảo vệ thiên địch và bảo vệ môi trường. Cụ thể:
- Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: Thời gian phun trừ từ ngày 01/6-10/6. Cụ thể:
+ Ở giai đoạn ôm đòng - trỗ bông: Phun trừ trên những ruộng có mật độ rầy ≥ 2.000 con/m2 khi rầy tuổi 2 rộ, bằng một trong các loại thuốc nội hấp như: Chess 50WG, Palano 600WP, Niten Super 500WP, Matoko 50WG…
+ Ở giai đoạn chắc xanh - đỏ đuôi: Phun trừ trên những ruộng có mật độ ≥ 1.500 con/m2 khi rầy tuổi 2 rộ, bằng một trong các loại thuốc tiếp xúc như: Nibas 50EC, Bassa 50EC, Vibasa 50EC… Chú ý khi sử dụng các loại thuốc trừ rầy tiếp xúc nhất thiết phải rẽ hàng để thuốc phun tiếp xúc trực tiếp với rầy và cần lựa chọn các loại thuốc đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch.
- Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, gié: Phun phòng trên những diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá, giống nhiễm. Thời gian phòng trừ khi lúa thấp tho trỗ từ 3-5% hoặc khi lúa vừa trỗ xong, bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Kasoto 200SC, Bump 650WP, Katana 20SC, Kabim 30WP, Filia 525EC, FuJione 40WP, Beam 75WP, Bamy 75WP, Fu-army 30WP,...
- Đối với diện tích lúa cỏ
+ Những ruộng lúa đang bị lúa cỏ gây hại cần phải nhổ bỏ bằng tay; thường xuyên cắt các bông lúa cỏ lẫn tạp ngay khi mới trỗ hạt chưa kịp vào chắc đem tiêu hủy để tiêu diệt nguồn lây lan.
+ Những diện tích lúa bị nhiễm lúa cỏ trên 70% cần thu hoạch riêng, tận thu, cắt sát gốc; sau khi thu hoạch, phơi khô rơm, rạ và vun gọn tiến hành tiêu huỷ để tiêu diệt tàn dư.
+ Vệ sinh sạch máy gặt trước và sau khi gặt để hạn chế lúa cỏ lây nhiễm sang các ruộng, các vùng, các địa phương khác.
- Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Phun trừ trên những diện tích lúa xuân muộn trỗ sau ngày 25/5, mật độ sâu ³ 20 con/m2 khi sâu non tuổi 2 nở rộ. Thời gian phun trừ từ 25/5-30/5 bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Clever 150SC, 300WG; Directer 70EC; Fenrole 240SC, Virtako 40WG; Voliam Targo 063SC; Silsau 4.5EC; Dylan 5WP,...
Đối với sâu đục thân lúa 2 chấm phun trừ theo Thông báo số 09/TB-TTBVTV ngày 22/4/2022 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình.
Ngoài ra, kết hợp phun trừ bệnh khô vằn, lem lép hạt. Nhổ vùi các dảnh lúa, khóm bị bệnh lùn sọc đen.
(Chú ý:Tuỳ tình hình cụ thể các địa phương cần xác định đối tượng dịch hại nào là chính để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; có thể kết hợp phun trừ các đối tượng trên nhưng phải đảm bảo đủ liều lượng, lượng nước thuốc đã pha từ 25-30 lít/sào).
3. Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tăng cường kiểm tra đồng ruộng, tham mưu kịp thời cho UBND các huyện, thành phố; Chỉ đạo, hướng dẫn các xã, HTX và bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật để phòng trừ kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch hại gây ra./.
Vũ Khắc Hiếu - Chi cục Trồng trọt và BVTV
84/2019/NĐ-CP
Quy định về quản lý phân bón62/2019/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa31/2018/QH14
Luật Trồng trọt64/2014/NĐ-CP
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân41/2013/QH13
Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật42/2013/QH13
Luật Tiếp công dân