
Cây hoa cúc (Chrysanthemum sp.) có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản, là một trong 5 loại hoa cắt cành phổ biến nhất trên thế giới, được trồng lâu đời và tiêu dùng phổ biến ở Việt Nam. Loài hoa này thu hút người tiêu dùng đặc biệt ở màu sắc phong phú: trắng, vàng, xanh, đỏ, tím, hồng, da cam… Hình dáng và kích cỡ hoa rất đa dạng cùng với khả năng có thể điều khiển cho ra hoa, tạo nguồn hàng hóa quanh năm đã khiến cho hoa cúc trở thành loài hoa được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Cây hoa cúc rất dễ trồng và đa dạng, có thể trồng trong vườn hoa công viên, trồng hoa bồn, hoa thảm, hoa chậu, hoa cắt cành làm hoa bó, hoa bát hay lẵng hoa tuy nhiên sản xuất chuyên canh hoa cúc cần chú ý một số đối tượng dịch hại chính
1. Sâu chính hại hoa cúc
a) Rệp
Rệp sống tụ tập trên bề mặt lá, đặc biệt là lá non, trên đài hoa, nụ hoa và ngọn cây hoa. Giai đoạn cây con chúng thường bám vào ngọn cây, lá non, búp non, sau đó chuyển sang đài hoa, nụ hoa, cánh hoa. Rệp chích hút dịch cây tạo thành những vết nhỏ, màu vàng nâu hoặc thâm đen và làm cho cây bị mất dinh dưỡng do đó trở nên còi cọc, ngọn quăn queo, lá biến dạng, mầm cúc không vươn lên được. Nếu rệp hại nụ sẽ làm thui nụ hoặc hoa không nở, cánh hoa úa hoặc nhạt màu.
Biện pháp phòng trừ:
- Luôn quan sát, phát hiện kịp thời, nếu thấy rệp bắt đầu xuất hiện một vài cây cần tiêu diệt rệp ngay bằng tay hoặc dùng hồ gạo nếp, keo dính tẩm vào que bông bắt rệp.
- Dùng các loại thuốc hoá học để diệt trừ rệp. Khi rệp phát sinh nhiều, không thể áp dụng các biện pháp trên thì phải dùng thuốc hoá học để phun cho cây cúc, nên thường xuyên thay đổi các loại thuốc trên để tránh hiện tượng rệp quen thuốc.
b) Sâu xanh, sâu khoang
Sâu xanh, sâu khoang là loài đa thực phá hoại trên nhiều loại cây trồng, trong đó có hoa cúc. Sâu non ăn lá non, ăn nụ hoa, trên lá non chúng ăn khuyết, trên nụ chúng đục nụ, ăn vào bên trong. Sâu non tuổi lớn, đẫy sức di chuyển xuống đất hoá nhộng. Sâu trưởng thành hoạt động về đêm thích mùi chua ngọt, ban ngày ít hoạt động, ẩn nấp vào lá cây, chúng đẻ trứng rải rác trên lá non hoặc nụ hoa, sau khi đẻ từ 3 - 4 ngày thì trứng nở.
Biện pháp phòng trừ:
- Luân canh với cây trồng khác, tốt nhất là luân canh với lúa nước để tiêu diệt các mầm mống sâu hại như trứng, sâu non, nhộng có trong đất, cỏ dại.
- Dùng các biện pháp thủ công như dẫn dụ sâu trưởng thành bằng bả chua ngọt, dùng tay ngắt bỏ ổ trứng, tiêu huỷ các bộ phận bị sâu phá hoại như lá, cành, nụ hoa. Bắt và diệt trừ sâu bằng tay vào lúc sáng sớm.
- Biện pháp sinh học: Sử dụng chế phẩm virus nhân đa diện N.P.V, phun vào thời kỳ sâu non, rất hiệu quả mà không gây ô nhiễm môi trường.
- Biện pháp hoá học: Khi mật độ sâu lên cao, quá ngưỡng kinh tế có thể dùng một trong các loại thuốc BVTV đặc trị theo khuyến cáo.
c) Bọ trĩ
Bọ trĩ còn non có màu vàng, trưởng thành có màu đen, kích thước bọ trĩ rất nhỏ (mắt thường nhìn kỹ mới thấy). Bọ trĩ có vòng đời ngắn, khả năng sinh sản rất cao. Khi còn non chúng chạy trốn ở dới mặt lá, gốc cây hay nhảy lên các cánh hoa. Chúng hút mật hoa và nhựa cây, làm cho lá, hoa bị mất sắc tố dẫn đến hiện tượng lá vàng, cánh hoa quăn queo, màu nhạt, hoa bị lỗi
Phòng trừ: Sử dụng một trong các loại thuốc BVTV đặc trị theo khuyến cáo.
d) Sâu vẽ bùa
Sâu non nằm dưới biểu bì lá, ăn phần diệp lục màu xanh, để lại lớp biểu bì trên tạo thành đường ngoằn ngoèo màu trắng, làm hỏng lá. Sâu thường phát sinh vào vụ Xuân Hè.
Phòng trừ: Dùng bẫy màu vàng dẫn dụ con trưởng thành. Sử dụng thuốc có chất bám dính mạnh diệt sâu non và trứng trong lá.
2. Bệnh chính hại hoa cúc
a) Bệnh đốm đen
Lúc đầu trên bề mặt lá xuất hiện những chấm nâu đen, sau chuyển thành màu đen, từ mép lá lan vào trong phiến lá, vết có hình tròn, hình bán nguyệt, hoặc hình bất định không đều làm lá rụng dần. Bệnh gây hại trên lá già, lá bánh tẻ.
Phòng trừ: Làm vệ sinh xung quanh vườn, tránh đọng nước lại trên lá, nên tưới nước vào buổi sáng có ánh nắng, vặt bỏ lá già, lá bị bệnh.
b) Bệnh gỉ sắt
Bệnh gỉ sắt Mặt trên lá xuất hiện những chấm nhỏ, nổi màu vàng da cam hoặc màu gỉ sắt, về sau các vết này có màu vàng nâu, hơi đỏ, bệnh hại mặt dưới lá, chồi non, cuống lá đôi khi hại cả thân cây làm cho thân teo tóp lại. Nếu không chữa kịp thời bệnh lan rộng cả mặt lá làm cho cháy lá, lá vàng rụng sớm.
Phòng trừ: Thu dọn tàn dư lá bệnh đem đốt, làm vệ sinh vườn cây, tạo độ thông thoáng, bón phân cân đối cho cây cứng, khoẻ mạnh. Thuốc có chứa gốc lưu huỳnh, phun khi bệnh xuất hiện, bệnh nặng phun 5- 7 ngày/lần, luân chuyển thuốc.
c) Bệnh phấn trắng
Vết bệnh xuất hiện trên lá non, lá bánh tẻ, trên những phần non của cây đang tăng trưởng, dạng bột màu trắng xám như bột phấn, hình bất định. Mặt dưới lá mô bệnh chuyển sang màu vàng nhạt. Bệnh này làm cho lá khô héo rụng sớm, nụ thối, hoa nhỏ không nở được hoặc nở lệch về một bên.
Phòng trừ: Cắt huỷ cành lá bị bệnh. Bón bổ sung kali để tăng sức chống chịu cho cây. Thay đổi thời gian trồng cúc (tránh thời điểm bệnh phát triển mạnh).
d) Bệnh lở cổ rễ
Phần cổ rễ sát mặt đất có vết bệnh màu xám nâu, lở loét, rễ bị thối, thân lá tự nhiên bị héo dần và héo khô, khi nhổ cây lên thấy gốc dễ bị đứt, chỗ vết đứt bị thối nham nhở, có lớp nấm khô màu trắng Phòng trừ: Đất trồng cúc phải tơi xốp, thoát nước, hạn chế việc xới xáo làm đứt gốc, rễ tạo điều kiện cho nấm xâm nhập.
e) Bệnh héo xanh vi khuẩn
Đây là bệnh hại cúc rất phổ biến ở vùng nhiệt đới ẩm. Bệnh thường xảy ra vào lúc cây đang tăng trưởng đến xuất hiện nụ, làm lá non bị héo trước vào buổi trưa nắng. Triệu chứng héo cả cây diễn ra rất nhanh sau 1 - 2 ngày, khi điều kiện khí hậu thuận lợi và cây héo hoàn toàn nhưng lá vẫn còn xanh. Nếu bệnh diễn biến chậm, rễ bất định xuất hiện nhiều trên thân, chẻ dọc thân, mô mạch phần thân dưới và rễ hoá nâu.
Phòng trừ: Với loại bệnh này hiện nay chưa có thuốc hoá học đặc hiệu, chỉ dùng các biện pháp hạn chế, phòng là chính. Chọn đất trồng sạch, mới, đất tơi xốp, không trồng cây họ cúc trước đó hoặc luân phiên với cây lúa nước; làm thuỷ lợi tốt, bón nhiều phân hữu cơ, tủ đất cho cây và tránh làm rễ bị tổn thương khi chăm sóc cây; nhổ bỏ ngay cây bị bệnh, diệt trừ cỏ dại và phòng trừ môi giới truyền bệnh như rệp, bọ rầy; chọn cây giống sạch bệnh, tránh sát thương cơ giới.
Dương Thị Hằng - Chi cục Trồng trọt và BVTV
84/2019/NĐ-CP
Quy định về quản lý phân bón62/2019/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa31/2018/QH14
Luật Trồng trọt64/2014/NĐ-CP
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân41/2013/QH13
Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật42/2013/QH13
Luật Tiếp công dân