Thứ Sáu, 04/10/2024

Dự kiến tình hình phát sinh gây hại của một số sinh vật hại chủ yếu trên các cây trồng chính vụ Mùa năm 2023

Thứ Ba, 01/08/2023

I. NHỮNG CƠ SỞ, CĂN CỨ

 - Căn cứ vào tình hình thời tiết từ đầu vụ Mùa 2023 đến nay và nhận định xu thế thời tiết vụ Mùa 2023 của Trung tâm khí tượng thuỷ văn: Nền nhiệt độ trung bình vụ cao hơn TBNN, tổng lượng mưa thấp hơn TBNN.

- Căn cứ vào kế hoạch sản xuất vụ Mùa năm 2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình: Trà mùa sớm chiếm 30% diện tích gieo cấy; trà mùa trung chiếm 58% diện tích gieo cấy; trà mùa muộn chiếm 12% diện tích. Các giống lúa gieo cấy trong vụ chủ yếu là Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, LT2 kháng bạc lá, Đài thơm 8, Khang dân 18, Nếp hương, Hương Bình, Nếp hương,  Thiên ưu 8,… Hầu hết giống gieo cấy trong vụ là những giống lúa có tiềm năng, năng suất, chất lượng cao nhưng lại nhiễm các đối tượng sâu bệnh như: Bệnh bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại,…

- Căn cứ vào tình hình sinh trưởng của cây trồng, diễn biến dịch hại hiện tại cũng nh­ư quy luật phát sinh, phát triển của chúng trong những năm gần đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự kiến tình hình phát sinh và gây hại của một số đối t­ượng dịch hại chủ yếu trong vụ Mùa năm 2023.

II. DỰ KIẾN TÌNH HÌNH PHÁT SINH VÀ GÂY HẠI MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG SINH VẬT HẠI CHÍNH VỤ MÙA NĂM 2023

1. Trên cây lúa

1.1. Chuột: Gây hại trên các trà lúa, hại nặng những diện tích lúa gieo, cấy không tập trung, ven làng ven thổ, ven đê gần các khu công nghiệp, đất trống,… Cao điểm gây hại từ thượng tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 9. Nếu không tổ chức diệt chuột sớm, thường xuyên, liên tục, nhiều diện tích sẽ bị hại nặng, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Tỷ lệ hại nơi cao: 5-10%; cá biệt trên 20% số dảnh. Quy mô, mức độ hại tương đương so với vụ Mùa 2022.

1.2. Sâu cuốn lá nhỏ

- Lứa 5: Trưởng thành ra rộ từ ngày 10/7-20/7, sâu non nở rộ từ ngày 16/7-26/7 gây hại rải rác trên các trà lúa, mật độ sâu trung bình: 5,2 con/m2; nơi cao: 10-15 con/m2; cá biệt 20-30 con/m2 (huyện Kim Sơn, Yên Mô, Hoa Lư, Yên Khánh,...). Quy mô, mức độ gây hại cao hơn vụ Mùa 2022.

- Lứa 6: Trưởng thành ra rộ từ thượng tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 8, sâu non nở rộ từ trung tuần tháng 8 đến hạ tuần tháng 8, gây hại rộng trên các trà lúa, đặc biệt hại nặng trên trà lúa mùa sớm và mùa trung xanh tốt ở các huyện: Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư, TP Ninh Bình... Mật độ sâu phổ biến: 80-100 con/m2; nơi cao: 200-300 con/m2; cá biệt trên 300 con/m2 (huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư,...). Quy mô, mức độ hại cao hơn so với vụ Mùa 2022.

- Lứa 7: Trưởng thành ra rộ từ thượng tuần tháng 9, sâu non nở rộ từ thượng tuần đến trung tuần tháng 9, gây hại trên trà lúa mùa muộn và mùa trung trỗ sau ngày 10/9. Mật độ sâu nơi cao: 50-70 con/m2, cá biệt trên 100 con/m2 (huyện Kim Sơn, Nho Quan,...) Quy mô, mức độ gây hại cao hơn vụ Mùa 2022.

1.3. Rầy nâu, rầy lưng trắng

- Lứa 5: Rầy cám nở rộ từ ngày 28/7-07/8. Mật độ rầy phổ biến: 80-100 con/m2; nơi cao: 150-200 con/m2; ổ 300-500 con/m2 (huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh,...). Quy mô, mức độ hại tương đương so với vụ Mùa 2022. Ngoài ra rầy lưng trắng mang virus là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen trên đồng ruộng.

- Lứa 6: Rầy cám nở rộ từ hạ tuần tháng 8 đến thượng tuần tháng 9, gây hại rộng trên các trà lúa ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Mật độ phổ biến: 800-900 con/m2; nơi cao: 1.500-2.000 con/m2; ổ trên 3.000 con/m2 (huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư,...). Nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời, nhiều diện tích bị hại nặng sẽ làm đỏ lúa hoặc gây cháy ổ trên trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn chắc xanh. Quy mô, mức độ hại tương đương vụ Mùa 2022.

- Lứa 7: Rầy cám nở rộ từ trung tuần đến hạ tuần tháng 9, gây hại rộng trên các trà lúa, đặc biệt trên trà lúa mùa trung đang ở giai đoạn chắc xanh đến chín, trà mùa muộn đang ở giai đoạn ôm đòng - trỗ bông. Mật độ phổ biến: 200-300 con/m2; nơi cao: 500-700 con/m2; ổ trên 2.000 con/m2 (huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư,…). Nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời, rầy có khả năng gây cháy ổ ở giai đoạn lúa chắc xanh đến chín. Quy mô, mức độ hại tương đương so với vụ Mùa 2022.

1.4. Sâu đục thân 2 chấm

- Lứa 4: Trưởng thành tiếp tục ra rộ đến ngày 08/8. Sâu non tiếp tục nở rộ đến ngày 15/8, gây hại rải rác trên các trà lúa, đặc biệt trên những diện tích gần nguồn lúa chét, ven làng, ven thổ… Tỷ lệ hại nơi cao: 1-2%; cá biệt 3-5% dảnh héo. Quy mô, mức độ hại cao hơn so với cùng lứa vụ Mùa 2022.

- Lứa 5: Trưởng thành ra rộ từ hạ tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 9. Sâu non nở rộ từ hạ tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 9, gây hại trên các trà lúa trỗ sau ngày 01/9 ở các huyện phía Bắc tỉnh và sau ngày 10/9 ở các huyện phía Nam tỉnh. Tỷ lệ hại nơi cao: 3-5%; cá biệt 7-10% đòng héo, bông bạc (huyện Nho Quan, Yên Mô, Gia Viễn, Hoa Lư, TP Tam Điệp...). Quy mô, mức độ hại cao hơn so với vụ Mùa 2022.

- Lứa 6: Trưởng thành ra rộ từ hạ tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 10. Sâu non nở rộ từ thượng tuần đến hạ tuần tháng 10, gây hại trên trà lúa mùa muộn. Tỷ lệ hại nơi cao: 1-3%; cá biệt 5-7%  (huyện Kim Sơn, Nho Quan,...). Quy mô, mức độ hại cao hơn so với vụ Mùa 2022.

1.5. Bệnh lùn sọc đen: Gây hại cục bộ trên các trà lúa từ giai đoạn cuối đẻ nhánh đến trỗ bông. Cao điểm gây hại của bệnh từ thượng tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 9. Tỷ lệ bệnh nơi cao: 3-5%; cá biệt 7-10% số dảnh (huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh,...). Quy mô, mức độ gây hại cao hơn so với vụ Mùa 2022.

1.6. Bệnh đốm sọc vi khuẩn: Bệnh phát sinh gây hại cục bộ trên các trà lúa, giống lúa, hại nặng trên những diện tích bón phân không cân đối, bón thừa đạm, bón muộn, giống nhiễm như: Đài thơm 8, LT2 KBL, Bắc thơm số 7KBL, BC 15,... Cao điểm gây hại của bệnh từ thượng tuần tháng 8 đến hạ tuần tháng 8. Tỷ lệ bệnh nơi cao: 10-20%; cá biệt: 30-80% số lá. Quy mô, mức độ hại tương đương so với vụ Mùa 2022.

1.7. Bệnh bạc lá: Bệnh phát sinh và gây hại trên các trà lúa, giống lúa, hại nặng trên những diện tích bón phân không cân đối, bón thừa đạm, bón muộn, giống nhiễm như: LT2KBL, Bắc thơm số 7KBL, BC15, Đài thơm 8, Thiên ưu 8,... Bệnh tăng nhanh và gây hại rộng sau những trận mưa giông, cao điểm gây hại của bệnh từ trung tuần tháng 8 đến hạ tuần tháng 9. Tỷ lệ bệnh nơi cao: 20-30%; cá biệt: 50-80% số lá. Quy mô, mức độ hại cao so với vụ Mùa 2022.

1.8. Bệnh khô vằn: Gây hại rộng trên tất cả các trà lúa, giống lúa. Cao điểm gây hại của bệnh từ trung tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 9, gây hại nặng ở giai đoạn lúa phân hoá đòng đến trỗ bông trên những ruộng cấy dày, bón thừa đạm, bón phân không cân đối, ruộng cạn n­ước. Tỷ lệ bệnh phổ biến: 5-7%; nơi cao: 20-30%; cá biệt: 50-70% số dảnh. Quy mô, mức độ hại tương đương với vụ Mùa 2022.

1.9. Bệnh đạo ôn cổ bông: Bệnh gây hại cục bộ trên các giống lúa nhiễm như: BC15, TBR 225, Nếp, Đài thơm 8, KD18,... Cao điểm gây hại của bệnh từ hạ tuần tháng 8 đến trung tuần tháng 9. Tỷ lệ bệnh nơi cao: 1-3%; cá biệt: 5-7% số bông. Quy mô, mức độ gây hại tương đương vụ Mùa 2022.

Ngoài ra, lúa cỏ gây hại rộng trên trà lúa gieo sạ, bệnh lép đen hạt, nhện gié, sâu cắn gié hại cục bộ.

2. Trên cây trồng khác

2.1. Trên cây ngô

* Sâu keo mùa thu: Gây hại cục bộ trên các trà ngô, đặc biệt trên trà ngô đang ở giai đoạn 3-6 lá. Mật độ phổ biến: 1-2 con/m2, nơi cao: 3-5 con/m2, cá biệt: 10-15 con/m2 (Nho Quan, TP Tam Điệp, Yên Khánh, Yên Mô,…). Nếu không phát hiện và phòng chống kịp thời, nhiều ruộng sẽ bị hại nặng, ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất ngô.

* Sâu đục thân, đục bắp: Gây hại rải rác trên các trà ngô. Tỷ lệ hại phổ biến: 0,5-1 %, nơi cao: 2-3 %, cá biệt: 5-10 % số bắp (Nho Quan, Yên Khánh, Yên Mô,…). Quy mô, mức độ hại tương đương với vụ Mùa 2022.

* Bệnh đốm lá, gỉ sắt: Gây hại rộng trên tất cả các trà ngô. Cao điểm gây hại của bệnh từ trung tuần tháng 8 đến hạ tuần tháng 9. Tỷ lệ bệnh phổ biến: 2-3 %; nơi cao: 7-10%; cá biệt: 15-30 % số lá. Quy mô, mức độ hại cao hơn so với vụ Mùa 2022.

2.2. Trên cây lạc

- Sâu cuốn lá: Sâu non nở rộ từ trung tuần đến hạ tuần tháng 8, gây hại trên các trà lạc ở giai đoạn đâm tia, quả non. Mật độ phổ biến: 1-3 con/m2; nơi cao: 5-7 con/m2; cá biệt 10-15 con/m2 (Yên Mô, Yên Khánh, Nho Quan,…). Quy mô, mức độ hại cao hơn so với vụ Mùa 2022.

- Sâu khoang: Sâu non nở rộ từ trung tuần đến hạ tuần tháng 8. Mật độ phổ biến: 3-5 con/m2; nơi cao: 10-20 con/m2, cá biệt ổ trên 30 con/m2 (Yên Mô, Yên Khánh, Nho Quan…). Quy mô, mức độ hại tương đương so với vụ Mùa 2022.

- Bệnh đốm lá: Hại rộng trên tất cả các giống lạc ở các vùng trồng lạc trong tỉnh. Cao điểm gây hại từ giai đoạn quả non đến chín. Tỷ lệ bệnh phổ biến: 3-5%; nơi cao: 10-20%; cá biệt 30-50% số lá (Yên Mô, Yên Khánh, Nho Quan,...). Quy mô, mức độ gây hại cao hơn so với vụ Mùa 2022.

2.3. Trên cây dứa

- Rệp sáp: Gây hại cục bộ, tỷ lệ hại nơi cao: 1-3% số cây. Quy mô, mức độ hại thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.

- Bệnh thối nõn: Gây hại cục bộ, tỷ lệ hại nơi cao: 5-7% số cây (TP Tam Điệp). Quy mô, mức độ hại cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.

III. ĐỀ NGHỊ

- Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật: Kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI); kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM; bón phân cân đối, đúng kỹ thuật giúp cây trồng khoẻ, tăng khả năng chống chịu các đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh lùn sọc đen…

- Tăng cư­ờng kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, diễn biến các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp phòng trừ sinh vật hại kịp thời khi tới ngưỡng (Chú ý: Chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân lúa hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ,... trên cây lúa; sâu keo mùa thu trên cây ngô).

- Triển khai tốt Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 08/11/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2023.

- Thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen theo Kế hoạch số 1604/KH-SNN ngày 08/6/2023 Kế hoạch phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa Mùa năm 2023.

- Tiếp tục thực hiện văn bản số 1902/SNN-TTBVTV ngày 11/7/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung gieo cấy, chăm sóc và phòng chống dịch hại vụ Mùa năm 2023.

- Tăng cường công tác thanh tra, quản lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón./.

Dự kiến tình hình đối tượng sinh vật gây hại vụ mùa 2023

Trạm Kiểm dịch thực vật