Thứ Sáu, 04/10/2024

UBND tỉnh Ninh Bình ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2022

Thứ Hai, 01/08/2022

Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất đối với diện tích đất lúa kém hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng vùng hàng hoá tập trung; UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 01/6/2022 về Ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Ninh Bình năm 2022.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Trồng trọt, Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ và các quy định khác có liên quan. Theo đó việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu; hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi; bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương; không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại.

Ảnh: Mô hình chuyển đổi sang trồng cây hàng năm tại huyện Hoa Lư

Cụ thể, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa toàn tỉnh Ninh Bình năm 2022 là 534,26 ha. Trong đó chuyển đổi sang trồng cây hàng năm là 138,3 ha, sang trồng cây lâu năm là 65,9 ha, sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 264,16 ha. Toàn tỉnh có 8/8 huyện, thành phố thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trong năm 2022.

Trong đó huyện Gia Viễn được phân bổ diện tích chuyển đổi nhiều nhất với chuyển đổi sang trồng cây hàng năm 36,5 ha, sang trồng cây lâu năm là 17 ha, sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 102 ha. Diện tích được phân bổ lớn thứ hai là huyện Hoa Lư với 42 ha chuyển đổi sang cây hàng năm, 8,7 ha chuyển đổi sang cây lâu năm, 32 ha chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản. Đơn vị có diện tích chuyển đổi được phân bổ ít nhất là huyện Yên Mô với 3 ha chuyển đổi sang trồng cây hàng năm và 2 ha chuyển đổi sang trồng cây lâu năm.

Cũng tại Quyết định số 509/QĐ-UBND, UBND tỉnh đã giao công tác tổ chức thực hiện cho các cấp, các ngành theo đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản trên đất trồng lúa trên địa bàn toàn tỉnh năm 2022. Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại các địa phương theo quy định.

UBND cấp huyện căn cứ vào kế hoạch của tỉnh, ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của huyện, thành phố năm 2022. Hướng dẫn UBND cấp xã ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai chuyển đổi trên địa bàn. Kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa thuộc phạm vi do huyện quản lý; Tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện về UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

Nguyễn Ngọc Tuấn - Chi cục Trồng trọt và BVTV.