Thứ Năm, 21/11/2024

Chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa vụ Đông xuân 2022-2023

Thứ Năm, 20/04/2023

Hiện tại trà lúa xuân sớm đang ở giai đoạn ôm đòng đến trỗ bông; trà xuân muộn đang ở giai cuối đẻ nhánh đến ôm đòng. Do điều tiết nước thuận lợi, người dân tập trung chăm sóc nên trên phạm vi toàn tỉnh lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, thời tiết từ đầu tháng 4 đến nay có nhiều ngày trời âm u, mưa nhỏ, mưa phùn, ẩm độ không khí cao là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông phát sinh và gây hại. Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa.

Ảnh: Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện bệnh và phòng trừ sớm

Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay bệnh đạo ôn lá đã gây hại cục bộ trên trà lúa xuân muộn diện xanh tốt, bón thừa đạm, giống nhiễm như: Nếp, LT2, Bắc thơm số 7, Đài thơm 8, TBR 225,... Tỷ lệ bệnh nơi cao: 10-15%; cá biệt: 30-50% C3,5 (ở huyện Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư, Kim Sơn, TPTĐ, Nho Quan…). Đến nay, tổng diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá trên toàn tỉnh là 353 ha, diện tích nhiễm nặng là 1,5 ha (xã Khánh Nhạc, Khánh Thành, huyện Yên Khánh; xã Yên Lâm, huyện Yên mô), diện tích phòng trừ là 260 ha.

Trong thời gian tới với nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng kết hợp với điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, ẩm độ không khí cao bệnh đạo ôn lá tiếp tục lây lan và gây hại rộng trên trà lúa xuân muộn đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến phân hóa đòng; Bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng sẽ gây hại trên những ruộng lúa đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, giống nhiễm, diện tích xanh tốt, bón thừa đạm, gần nguồn bệnh, trỗ từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5.

Để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng gây hại của bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông trên lúa; thực hiện các nội dung theo văn bản số 1057/SNN-TTBVTV ngày 17/4/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT, các cấp ngành và người dân cần chú ý:

- Đảm bảo đủ nước trong ruộng, hướng dẫn nông bón thúc hết lượng kali còn lại cho lúa xuân muộn ở giai đoạn lúa phân hóa đòng, tạo điều kiện cho cây khoẻ, tăng khả năng chống chịu các đốitượng dịch hại.

- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân kiểm tra, phát hiện và phòng chống kịp thời bệnh đạo ôn lá theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Đồng thời phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên trà lúa sớm ở những ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá, giống nhiễm, gần nguồn bệnh, khi lúa trỗ 3-5% số bông.

Bên cạnh đó các cơ quan chuyên môn cũng cần cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, không để xảy ra tình trạng tăng giá, bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật