Thứ Sáu, 04/04/2025

Kế hoạch và khung thời vụ sản xuất vụ Mùa 2023

Thứ Sáu, 05/05/2023

Vụ Mùa 2023 theo nhận định của Đài khí tượng thuỷ văn Ninh Bình khả năng có những diễn biến rất phức tạp, khó lường; có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp cũng như một số hiện tượng thời tiết nguy hiểm như tố, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Bên cạnh đó tình hình các đối tượng sinh vật hại cây trồng trong vụ Mùa thường diễn biến phức tạp, do thời gian chuyển từ vụ Đông xuân sang vụ mùa ngắn dẫn đến nguồn sâu, bệnh tích luỹ chuyển sang mùa như: Sâu đục thân hai chấm, rầy các loại, chuột, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Với nhận định trên, vụ Mùa 2023 được xác định mục tiêu chung đó là đẩy mạnh sản xuất đảm bảo đạt kế hoạch đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hàng hoá; Tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là các giống cây trồng mới, cơ giới hoá đồng bộ các khâu làm đất, máy cấy, máy gặt, máy bay phun thuốc,… Tập trung thâm canh để đảm bảo năng suất và sản lượng lương thực trên địa bàn; Phấn đấu diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp, lúa đặc sản đạt 80%, diện tích lúa cấy đạt trên 50%; Chú trọng chuyển đổi diện tích vùng sản xuất lúa hiệu quả thấp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hoặc cấy lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản; Bố trí cơ cấu trà Mùa sớm hợp lý để giải phóng đất sớm, chủ động gieo trồng các cây màu vụ Đông năm 2023 đảm bảo kế hoạch.

Ảnh: Người dân các địa phương triển khai sản xuất vụ Mùa

Trên cơ sở mục tiêu chung, toàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch vụ Mùa 2023 với tổng diện tích gieo trồng trên 35.600 ha, trong đó cây lúa 31.200 ha; cây ngô 1.242 ha, cây lạc: 271 ha, cây khoai lang 120 ha, đậu các loại 242 ha, rau các loại 2.848 ha, cây trồng khác trên 40 ha. Để hoàn thành được kế hoạch đề ra Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tổ chức hội nghị tổng kết vụ Mùa 2022, đề ra giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất vụ Mùa 2023, trong đó nhấn mạnh định hướng cụ thể về cơ cấu thời vụ, cơ cấu giống và một số biện pháp kỹ thuật mà các cấp, các địa phương cần chú ý

1. Bố trí cơ cấu trà, cơ cấu giống và thời vụ

* Cây Lúa: Bố trí trà Mùa sớm hợp lý để thu hoạch sớm, hạn chế thiệt hại do mưa bão, giải phóng đất làm vụ Đông; Quy hoạch các vùng sản xuất trà mùa muộn để phát triển các giống lúa đặc sản, chất lượng cao cho hiệu quả kinh tế cao.

- Cơ cấu trà lúa: Trà Mùa sớm: 30%; Mùa trung: 58%; Mùa muộn: 12%.

- Cơ cấu giống: Lúa thuần chiếm 95%, chủ yếu gieo cấy các giống: TBR 225 (có gen kháng bạc lá), BC15 (có gen kháng đạo ôn), DQ11, QR1, Hương Bình, ND502, Nếp 97, Nếp Hương, Thiên Ưu 8, Đài thơm 8, TBR 279, TBR 89, TBR 97, JO3,... (trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm chủ yếu); Lúa lai chiếm 5%, chủ yếu gieo cấy các giống: Thục hưng 6, Quốc Tế 1, Thái Xuyên 111, C.ưu đa hệ số 1,…; Lúa đặc sản gồm Nếp hạt cau, Tám, Dự, Nếp cái Hoa vàng,...

- Thời vụ gieo trồng: Bố trí trà lúa theo vùng sinh thái để tăng năng suất, thời vụ hợp lý để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Vùng đất thâm canh vàn, vàn cao: Bố trí trà mùa sớm, mùa trung, sử dụng giống ngắn ngày để thu hoạch sớm lấy quỹ đất trồng cây vụ đông.

+ Trà Mùa sớm gieo mạ từ ngày 01/6-10/6, gieo mạ nền hoặc dày xúc; Cấy tập trung từ ngày 15/6-25/6, xong trước ngày 05/7; Thu hoạch trước ngày 30/9 để có đất trồng các cây vụ Đông. Sử dụng các giống lúa: QR1, ND502, DQ11, TBR 279, Nếp 97, Thiên ưu 8, Hương thơm số 1, Khang dân 18, Q5...

+ Trà Mùa trung gieo mạ từ ngày 15/6-20/6, gieo mạ nền hoặc dày xúc; cấy càng sớm càng tốt, phấn đấu xong trước ngày 25/7. Tuỳ theo chân đất để bố trí giống lúa cho phù hợp. Chủ yếu bằng các giống lúa thuần như: TBR 225 (có gen kháng bạc lá), BC15 (có gen kháng đạo ôn), DQ11, QR1, Hương Bình, ND502, Nếp 97, Nếp Hương, Thiên Ưu 8, Đài thơm 8, TBR 279, TBR 89, TBR 97, JO3, Khang dân 18, Hương thơm số 1, Q5… Lúa lai: Thục hưng 6, Quốc Tế 1, Thái  Xuyên 111, C.ưu đa hệ số 1,…

+ Trà Mùa muộn gieo mạ từ ngày 01/6-10/6, cấy xong trước ngày 25/7, các giống chủ yếu Nếp hạt cau, Nếp cái hoa vàng, Tám, Dự.

+ Đối với gieo thẳng: Chỉ bố trí trên những diện tích chủ động tưới tiêu, gọn vùng, liền khoảnh để hạn chế ảnh hưởng cực đoan của thời tiết. Thời vụ gieo thẳng: Trà mùa sớm xong trước 05/7; Trà mùa trung xong trước 10/7.

+ Chú ý: Gieo tăng 10% lượng mạ dự phòng và chủ động dự phòng các giống ngắn ngày để đề phòng do những diễn biến bất thường của thời tiết gây ra.

* Cây Ngô: Gieo trồng tốt nhất kết thúc trong tháng 6. Sử dụng các giống ngô lai LVN99, CP333, CP888, CP111, CP3Q, CP898,…; các giống Ngô nếp HN88, HN68, TBM 18,… Đối với Ngô ngọt cần bố trí các trà và thời vụ hợp lý gắn với hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm.

* Cây Lạc, Đậu xanh, Đậu tương: Gieo trồng kết thúc trước ngày 25/6. Sử dụng các giống lạc mới có tiềm năng năng suất, chất lượng như L14, L18; L27, L28, MD7, Sán dầu… Giống đậu xanh ĐXVN07, ĐX11, ĐX14,…; Các giống đậu tương ĐT84, ĐT51, ĐT 2010,…

- Rau các loại: Bố trí gieo trồng các vùng rau an toàn tập trung, gieo trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao, trồng rải vụ đảm bảo nguồn cung cấp phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

2. Biện pháp kỹ thuật

* Công tác thủy lợi và ứng phó thiên tai:

- Công tác khắc phục nắng hạn đầu vụ: Các địa phương theo dõi sát diễn biến của thời tiết, rà soát các diện tích khó khăn về nước đặc biệt là những diện tích vùng đồi, vùng cao của huyện Nho Quan, TP Tam Điệp thường xảy ra khô hạn đầu vụ. Sớm xây dựng phương án khắc phục khi xảy ra nắng hạn kéo dài như: Lùi thời vụ gieo trồng, chuyển đổi sang trồng các cây trồng chịu hạn như ngô sinh khối, cỏ làm thức ăn gia súc,…

- Chủ động phòng chống lụt, bão, úng theo phương án của ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh: Chi cục Thủy lợi tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, tổng hợp báo cáo hiện trạng các công trình thủy lợi trước và sau mùa mưa bão. Chủ động xây dựng phương án đảm bảo tưới tiêu, phương án phòng chống úng, hạn, phương án đảm bảo an toàn hồ chứa nước và các công trình thủy lợi, kịp thời ứng phó với các diễn biến của thời tiết. Kiểm tra đôn đốc các huyện, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện làm thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương. Duy tu, bảo dưỡng máy móc, trạm bơm, đường điện đảm bảo 100% máy và trạm bơm hoạt động bình thường; cần chủ động đối phó với mọi tình huống xảy ra để tránh và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất.

- Dự phòng mạ: Các hộ cần chủ động gieo mạ tăng 10% so với diện tích gieo cấy và dự phòng giống lúa ngắn ngày cho 20% diện tích gieo, cấy; Các doanh nghiệp cung ứng giống chủ động tìm nguồn, có kế hoạch dự phòng giống ngắn ngày để đáp ứng nhu cầu sản xuất khi gặp thiên tai đầu vụ.

* Các giải pháp kỹ thuật thâm canh và bảo vệ thực vật:

- Đảm bảo đủ nước và làm đất nhanh gọn, chất lượng phục vụ cho gieo cấy lúa mùa; Huy động lực lượng để thu hoạch nhanh gọn lúa Đông xuân, thực hiện phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”. Tăng cường cơ giới hoá khâu làm đất, thu hoạch đến đâu làm đất vùi sâu gốc rạ đến đó để phân huỷ gốc rạ, tránh tình trạng lúa mới cấy bị ngộ độc hữu cơ trong điều kiện thời tiết nắng nóng, hạn chế nơi cư trú của rầy và tiêu diệt nguồn bệnh lùn sọc đen hại lúa; Tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm hữu cơ vi sinh phân huỷ gốc rạ để hạn chế ngộ độc cho lúa.

- Kỹ thuật gieo cấy: Gieo mạ đúng lịch, đúng giống, đồng trà theo kế hoạch. Đề phòng mạ mới gieo gặp mưa lớn phải che chắn, tránh trôi dạt mộng mạ. Trà mùa sớm và mùa trung gieo mạ nền hoặc dày xúc, nên cấy mạ non, tuổi mạ không quá 15 ngày (2,5-3 lá đối với mạ nền, 3-4 lá đối với mạ dày xúc); Đối với những diện tích nhiễm Lúa cỏ (lúa dại, lúa ma) cần có kế hoạch và các biện pháp canh tác, quản lý chặt chẽ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, tránh để lây lan làm ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ Mùa.

- Phân bón và cách bón: Thực hiện bón đúng, đủ và cân đối các loại phân phù hợp với từng chân đất, từng giống. Dùng phân bón đơn hoặc phân NPK chuyên dùng, tùy điều kiện cụ thể, giai đoạn sinh trưởng, phát triển, có thể dùng bổ sung phân vi lượng, phân bón qua lá và các chế phẩm sinh học để cung cấp đầy đủ, kịp thời dinh dưỡng cho cây trồng. Lấy bón phân cân đối và bón đúng cách làm biện pháp quan trọng trong thâm canh và hạn chế sâu bệnh; Thực hiện tốt Chỉ thị số 653/CT-BNN-BVTV ngày 25/01/2022 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả; Quyết định số 4324/QĐ-BNN-BVTV ngày 09/11/2022 về việc thực hiện tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả giai đoạn 2022-2025.

- Phòng trừ sinh vật hại: Thực hiện tốt Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 08/11/2022 của UBND tỉnh về tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2023. Chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ Mùa năm 2023. Theo dõi chặt chẽ, dự báo chính xác các đối tượng sinh vật hại như: Chuột, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy các loại, sâu đục thân bướm 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ, lúa cỏ, rầy các loại, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn,… để có biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả. Việc sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, không phun thuốc tràn lan ảnh hưởng đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng.

- Công tác khuyến nông, thông tin, tuyên truyền: Các đơn vị chuyên môn, các địa phương tổng kết các mô hình, đề tài, dự án, những tiến bộ về khoa học kỹ thuật để nhân ra diện rộng. Tuyên truyền các mô hình, điển hình tiên tiến trên các phương tiện thông tin đại chúng và tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nông dân

- Công tác liên kết tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại: Tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh, đặc sản của tỉnh, phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Quan tâm chú trọng đến việc tăng cường xây dựng các mối liên kết bền vững từ cung cấp vật tư nông nghiệp - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở các chuỗi liên kết có sẵn, đồng thời tiếp tục phát triển, mở rộng thêm các chuỗi liên kết khác góp phần hình thành nên các chuỗi giá trị nông sản, ổn định đầu ra cho nông sản, người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp đặc biệt là các nông sản chất lượng cao.

- Công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện: Trên cơ sở kế hoạch định hướng của tỉnh, các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, phục vụ sản xuất ở đơn vị mình, đồng thời hướng dẫn cơ sở xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể thực sự dân chủ tới hộ nông dân; Tiếp tục rà soát, đăng ký đề xuất vùng trồng và các chương trình chính sách đối với sản xuất lúa theo Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp: Giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

Danh sách liên quan