Thứ Sáu, 04/10/2024

Sẵn sàng điều kiện để sản xuất thắng lợi Vụ Đông năm 2023

Thứ Tư, 06/09/2023

Những năm gần đây thực hiện chủ trương chung của Tỉnh về phát triển vụ Đông theo hướng thực chất, hiệu quả với quy mô hợp lý, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực sản xuất cây vụ Đông trên địa bàn toàn tỉnh từng bước chuyển dịch sản xuất theo hướng hàng hóa, chú trọng đầu tư thâm canh cây trồng có giá trị kinh kế cao, hình thành các vùng trồng tập trung, có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó hiệu quả sản xuất cây trồng vụ Đông được khẳng định. Đặc biệt vài năm gần đây, nhiều mô hình như trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ như: cây rau, cây khoai sọ, cây dược liệu cúc hoa, trạch tả,… được mở rộng ở một số địa phương, giá trị thu được cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại cây rau màu thông thường.

Ảnh: Cây trạch tả trong vụ Đông

Vụ Đông 2023, theo kế hoạch tỉnh Ninh Bình gieo trồng 7.800 ha ha, trong đó cây ngô 1.438,4 ha, cây lạc: 199,0 ha, cây khoai tây: 277,0 ha, cây khoai lang: 334,0 ha, cây bí xanh + đỏ: 306,0 ha, cây cà chua: 149,0 ha, rau đậu các loại: 4.106,5 ha. Tuy nhiên trong những năm gần đây do xu hướng chuyển đổi lao động nông thôn sang các lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn và đặc biệt ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã gây khó khăn cho việc bố trí thời vụ gieo trồng cây vụ Đông. Trước tình hình đó Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất vụ Đông, đề ra giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất vụ Đông 2023, trong đó nhấn mạnh định hướng cụ thể về cơ cấu thời vụ và cơ cấu giống để hoàn thành mục tiêu kế hoạch

1. Cơ cấu cây trồng, thời vụ

* Đối với Nhóm cây trồng ưa ấm: Ngô, lạc, bí xanh, ớt, cà chua, dưa chuột,... thời vụ gieo trồng xong trước ngày 05/10 cần lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp… (Các cây trồng như ngô, bí xanh, ớt, dưa chuột có thể làm bầu, cần làm bầu to, sớm trước khi có đất trồng 7-10 ngày để kịp thời vụ).

- Cây Ngô: + Các giống ngô lai có TGST 125-130 ngày như LVN99, CP888, CP501,... gieo trồng xong trước ngày 10/9.

+ Các giống ngô có TGST từ 110-120 ngày như CP333, CP989, CP999, 3Q, NK66... gieo trồng xong trước ngày 20/9.

+ Các giống ngô nếp ngắn ngày như HN88, HN68,TBM18, TA898,... gieo trồng xong trước ngày 05/10.

+ Các giống ngô rau, ngô ngọt có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cần căn cứ vào thời điểm thu mua và thời gian sinh trưởng của từng giống để bố trí thời vụ gieo trồng phù hợp.

- Cây Khoai lang: Thời vụ trồng kết thúc trước ngày 05/10. Sử dụng nguồn giống sẵn có tại địa phương như KL2, KLC5, KLC3,… chú trọng mở rộng diện tích khoai lang bản địa như khoai lang Hoàng Long,…

- Cây Lạc: Chủ động trồng sớm, kết thúc trước ngày 20/9, sử dụng các giống có năng suất chất lượng tốt như L14, L19, L23, L26, L27,…; tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

- Cây Bí xanh, Bí ngô, Dưa chuột, Ớt, Cà chua,…: áp dụng các biện pháp kỹ thuật như làm bầu, trồng gối trên ruộng lúa trước khi thu hoạch lúa, sử dụng giàn bằng lưới,…

* Đối với Nhóm các cây trồng ưa lạnh: Trồng tập trung từ ngày 15/10-25/11, riêng cây Khoai tây trồng tập trung từ 15/10-15/11.

- Cây Khoai tây: Sử dụng các giống Diamant, Sinora, Solara, Atlantic, Aladin,... mở rộng diện tích Khoai tây phục vụ chế biến có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

- Rau đậu các loại: Tận dụng điều kiện đất đai, nhân lực để mở rộng diện tích; bố trí gieo trồng rải vụ, đa dạng về chủng loại để đảm bảo nguồn cung cho thị trường tránh hiện tượng khủng hoảng thừa lúc chính vụ, giá thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

- Cây hoa: Chú trọng mở rộng diện tích trồng các loại hoa phục vụ Tết tại một số vùng hoa trọng điểm của TP Ninh Bình và TP Tam Điệp... Sử dụng đa dạng những giống hoa có chất lượng: Hoa Lily, Cúc, Đồng Tiền, Lan, Hồng, Đào cành, Đào cây,... phục vụ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

2. Các giải pháp kỹ thuật

- Lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật phù hợp với thực tế sản xuất tại địa phương để khuyến cáo người dân áp dụng: Canh tác trong nhà lưới, vòm che thấp, sử dụng màng phủ nông nghiệp, quy trình sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt. Tăng cường sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hữu cơ, sinh học; Áp dụng các biện pháp kỹ thuật gieo trồng bằng phương pháp che phủ rơm rạ, nilon để hạn chế sâu bệnh, cỏ dại, giữ ẩm đất; Sử dụng các giống cây trồng mới có chất lượng tốt thay thế dần những giống cây trồng cũ nhằm nâng cao năng suất, giá trị và hiệu quả sản xuất.

- Đẩy mạnh công tác thuỷ lợi nội đồng, tổ chức kiểm tra, tu bổ, nạo vét các kênh mương, khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu thoát nước tốt, nhằm khắc phục tình trạng cây vụ Đông bị ngập úng khi gặp mưa lớn xảy ra.      

- Thực hiện tốt công tác bảo vệ thực vật: theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng, dự tính dự báo chính xác các đối tượng sinh vật hại như: Dòi đục thân, sâu khoang, sâu cuốn lá trên cây lạc, đậu tương; sâu đục thân, đục bắp, sâu keo mùa thu, bệnh lùn sọc đen trên cây ngô, sâu xanh, sâu tơ, bọ nhảy trên cây rau,… đặc biệt là chuột hại trên các cây trồng để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

- Công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật bằng nhiều hình thức như Trên Đài phát thanh truyền hình, tờ rơi, hội nghị tập huấn...; Triển khai xây dựng các chương trình thử nghiệm, trình diễn các tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây trồng, phân bón, kỹ thuật canh tác,...

- Thúc đẩy xúc tiến thương mại nông nghiệp: tăng cường kêu gọi, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm từ cấp tỉnh, huyện, xã, ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, áp dụng quy trình quản lý chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc (VietGap, QR, GlobalGap, ISO,…)

Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật