Thứ Sáu, 04/10/2024

Định hướng kế hoạch và thời vụ sản xuất Đông Xuân 2022-2023

Thứ Năm, 05/01/2023

Vụ Đông Xuân là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm, kết quả đạt được của vụ Đông xuân có ý nghĩa lớn trong việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao của năm 2023. Với vai trò quan trọng hàng đầu, vụ Đông xuân 2022-2023 được xác định mục tiêu chung đó là đẩy mạnh sản xuất đảm bảo đạt kế hoạch được giao cả về diện tích, năng suất, sản lượng lúa và các cây trồng; Tiếp tục mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, mở rộng diện tích lúa cấy, diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, mở rộng các chuỗi giá trị lúa gạo; Chủ động về thời vụ, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hoá trong sản xuất, nhất là tiến bộ về giống cây trồng, phân bón, kỹ thuật thâm canh và phòng trừ sinh vật hại để đạt giá trị kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích.

Ảnh: Công tác làm đất tại các địa phương

Trên cơ sở mục tiêu chung, toàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch vụ Đông xuân 2022-2023 với tổng diện tích gieo trồng trên 46.290 ha, trong đó cây lúa 39.500 ha; cây ngô 1.398 ha, cây lạc: 1.781 ha, cây khoai lang 269 ha, rau đậu các loại 1.970 ha, cây trồng khác trên 120 ha. Để hoàn thành được kế hoạch đề ra Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tổ chức hội nghị tổng kết vụ Đông xuân 2021-2022, đề ra giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất vụ Đông xuân 2022-2023, trong đó nhấn mạnh định hướng cụ thể về cơ cấu thời vụ, cơ cấu giống và một số biện pháp kỹ thuật để đảm bảo sản xuất vụ Đông xuân trong khung thời vụ tốt nhất, cụ thể:

1. Bố trí cơ cấu trà, cơ cấu giống và thời vụ

* Cây Lúa: Tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trà xuân sớm, tăng diện tích trà xuân muộn, tăng diện tích lúa thuần, lúa chất lượng cao, đặc biệt khuyến khích mở rộng diện tích cấy lúa và áp dụng biện pháp gieo mạ khay, cấy máy và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.

- Trà Xuân sớm: 5% diện tích, chỉ bố trí trên diện tích gieo cấy ngoài đê, chân ruộng trũng, đất thấp ven núi… gieo cấy sớm để thu hoạch trước 20/5 tránh lụt Tiểu mãn. Gieo mạ từ 5/12-15/12/2022 cấy tập trung từ 5/01-15/01/2023 sử dụng các giống lúa Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, C.ưu đa hệ số 1, KD18,… Chú ý thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật để chăm sóc mạ cho phù hợp, che phủ nilon khi xảy ra rét đậm, rét hại tuổi mạ cấy không quá 5 lá.

- Trà Xuân muộn: 95% diện tích gieo cấy; Gieo mạ từ 10/01-20/01/2023, gieo mạ nền, dầy xúc; 100% mạ gieo phải được che phủ bằng nilon trong; Cấy lúa tập trung từ 05/02-20/02/2023, chú ý cấy mạ non, cấy đảm bảo mật độ và đủ số dảnh/khóm, số khóm/m2. Toàn tỉnh phấn đấu chủ động gieo cấy xong trước 25/02/2023; Sử dụng các giống lúa thuần: Hương Bình, Nếp Hương, TBR 89, Bắc thơm số 7 có gen kháng bạc lá, LT2 có gen kháng bạc lá, TBR 225 có gen kháng bạc lá, VNR 20, Đài thơm 8, ADI 28, HANA số 7, ND 502,… Các giống lúa lai: Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, C.ưu đa hệ số 1, Hương ưu 98, Phúc thái 168, Quốc Tế 1, CT16,…

- Riêng đối với gieo sạ: Quy hoạch vùng gieo sạ trên những chân ruộng chủ động nước, dùng các giống ngắn ngày: Bắc thơm số 7, LT2, Hương Bình, DQ11, Thiên ưu 8, ND502,... Thời gian gieo sạ từ 05/02-15/02/2023.

* Cây Ngô: Vùng đất bãi ven sông, đất màu có điều kiện thâm canh sử dụng các giống ngô lai có năng suất cao: LVN10, CP888, NK66, CP989, CP333, CP 919, PSC 747,... trồng cuối tháng 01/2022 đến đầu tháng 02/2023. Vùng khô hạn, đồi cao, phải chờ mưa xuân tuỳ điều kiện có thể trồng kết thúc cuối tháng 2, sử dụng các giống Ngô lai hoặc Ngô nếp ngắn ngày, trồng càng sớm càng tốt. Đối với chân đất trồng Ngô nếp thu bắp sử dụng các giống HN 68, HN88, Honey 10,...

* Cây Lạc: Vùng đất tốt thâm canh mở rộng giống lạc L14, L15, MD7; Sán dầu 30, TQ1 tiếp tục mở rộng giống L16, L18,  L23, L27,... vùng đất xấu, đất hạn dùng giống V79, Sen lai,…Trên chân đất ẩm gieo lạc mộng, đất khô gieo lạc thóc, vùng đồng bằng trồng lạc xong trước 15/02/2023, vùng đồi có thể trồng đến cuối tháng 2.

Chú ý: Không gieo, cấy các cây trồng trong điều kiện nhiệt độ dưới 130C; chủ động bám sát diễn biến của thời tiết để có phương án xử lý kịp thời.

2. Biện pháp kỹ thuật

- Làm đất: lấy phương châm làm đất kỹ là biện pháp canh tác quan trọng trong việc phòng trừ lúa lẫn, cỏ dại, lúa cỏ và các đối tượng sâu bệnh hại. Diện tích làm ải phải tranh thủ cày sớm để ải nỏ; diện tích làm dầm cần giữ nước và cày bừa sớm ngâm cho dầm ngấu. Thực hiện phương châm “ải phải nỏ, dầm phải ngấu”; Phấn đấu, tận dụng mọi nguồn lực làm đất sớm: cày sâu, bừa kỹ, tơi nhuyễn, phẳng thực hiện phương châm: “ruộng chờ mạ”.

- Điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm cần phải được các cấp, các ngành quan tâm chú ý ngay từ đầu vụ. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cần chuẩn bị tốt các điều kiện: bảo dưỡng, tu sửa máy móc, nạo vét kênh mương… Quản lý chặt chẽ nguồn nước tưới, đặc biệt là các hồ chứa, theo dõi chặt chẽ lịch xả nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để điều tiết hợp lý, đảm bảo cung cấp kịp thời, đủ nước theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Tổ chức phát động phong trào toàn dân ra quân làm thuỷ lợi nội đồng để nạo vét kênh mương, củng cố bờ vùng. Các địa phương chủ động thực hiện có hiệu quả phương án phòng chống hạn, mặn, rét đậm, rét hại.

- Bón phân: Thực hiện phương châm “Bón đúng, bón đủ và bón cân đối” theo yêu cầu của từng chân đất, cây trồng, áp dụng kỹ thuật bón hợp lý; bón tập trung, tùy điều kiện thời tiết, chân đất, tình hình sinh trưởng phát triển của cây trồng để điều chỉnh lượng phân bón và thời điểm bón thích hợp; trong điều kiện thời tiết nắng ấm thuận lợi cho cây trồng phát triển thì bón thúc sớm, bón tập trung tránh bón lai rai. Kết hợp bón thúc với làm cỏ sục bùn, tỉa dặm chú ý giữ đủ nước đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi theo từng giai đoạn. Tăng cường sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh để từng bước giảm lượng phân bón hóa học, nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

- Công tác bảo vệ thực vật: Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sinh trưởng của cây trồng; Dự báo sát, đúng thời gian phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của các đối tượng sinh vật hại chính trong vụ, từ đó tham mưu các chủ trương, biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Thực hiện tốt Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 08/11/2022 của UBND tỉnh về tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2023.

- Tăng cường các hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu sản xuất như nâng cao tỷ lệ làm đất bằng cơ giới hoá, hình thành phát triển các HTX, tổ hợp tác dịch vụ gieo mạ khay, cấy máy, phun thuốc BVTV bằng máy bay… và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn, máy cuốn rơm rạ.

- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư: các cấp ngành tổ chức chỉ đạo hướng dẫn các xã, HTX và các hộ nông dân thực hiện các tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình mới, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn, cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền phổ biến hướng dẫn các chủ trương, biện pháp kỹ thuật, các tiến bộ mới… tới nông dân để áp dụng, mở rộng trong sản xuất.

- Công tác thanh tra, kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp: Tập trung thực hiện các biện pháp đồng bộ kiểm soát an toàn thực phẩm, nhất là kiểm soát nguồn vật tư đầu vào: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… xây dựng sớm kế hoạch thanh tra, kiểm tra tình hình cung ứng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất vụ Đông xuân, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật