Thứ Năm, 21/11/2024

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

Thứ Năm, 30/11/2023

Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, chú trọng đến chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao. Hàng năm UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Ninh Bình, thành lập Tổ công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Ninh Bình. Qua đó tạo động lực cho nhiều địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để đa dạng hóa sản phẩm, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân và tạo nền tảng vững chắc cho tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững.

Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được thực hiện từ năm 2016, giai đoạn 2017-2021 toàn tỉnh đã chuyển đổi được 4,87 nghìn ha. Năm 2022 tổng diện tích toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là 260,65 ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm là 56,71 ha, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm là 68,84 ha, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản là 135,13 ha. Năm 2023, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là 325,11 ha, trong đó, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm là 24,16 ha, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm là 21,51 ha, diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản là 257,92 ha. Qua đánh giá sơ bộ cho thấy, các hình thức chuyển đổi mang lại giá trị cao hơn gấp nhiều lần so với canh tác lúa đơn thuần.

Ảnh: Mô hình chuyển đổi sang trồng cây hàng năm

- Hình thức chuyển đổi từ trồng lúa sang các trồng cây hàng năm (bí xanh, mướp, dưa chuột, lạc lày, cà chua, dưa lê, dưa bở, các loại rau ăn lá, ngó khoai môn ngọt, cây sen, cây dược liệu hàng năm…) đã mang lại hiệu quả kinh tế trung bình khoảng 300-400 triệu đồng/ha/năm, điển hình có thể kể đến đó là mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngó khoai môn ngọt Thái Lan ở huyện Yên Mô, Yên Khánh, sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa; Mô hình chuyển đổi sang trồng cây sen ở xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp.

- Hình thức chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm tập trung chủ yếu trên chân đất khô hạn, không chủ động nước tưới tại huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Khánh, Hoa Lư, các mô hình điển hình như mô hình trồng cây ăn quả tại các xã Đồng Phong, Quỳnh Lưu, trồng cây dược liệu lâu năm tại xã Yên Quang, huyện Nho Quan.

- Hình thức chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản tập trung chủ yếu trên chân đất 2 vụ lúa và đất 1 vụ lúa sâu trũng tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư. Con nuôi thủy sản là các loại cá truyền thống như cá trắm, chép, chạch sụn… Giá trị sản xuất đạt 200-450 triệu đồng/ha/năm. Điển hình tại các xã Xích Thổ, Gia Thủy, Gia Sơn, Thanh Lạc…huyện Nho Quan; xã Gia Minh, Gia Phong, Gia Hòa, Gia Lạc…huyện Gia Viễn; phường Tân Bình thành phố Tam Điệp chuyển từ đất trồng 2 vụ lúa sang sản xuất lúa kết hợp nuôi thủy sản (tôm càng xanh) cho giá thu nhập cao.

Bên cạnh hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa mang lại, trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại, đó là:

- Một số địa phương chưa thực sự mạnh dạn trong triển khai thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa sang các hình thức sản xuất nông nghiệp khác cho giá trị kinh tế cao hơn do sợ trách nhiệm với những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

- Một số quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra như quy định về diện tích và độ sâu mặt bằng hạ thấp trong trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản; chưa có quy định về dựng lán trại tạm để trông coi và tập kết vật tư… do đó gây khó khăn cho việc tổ chức sản xuất.

Tuy vậy chúng ta vẫn có thể nhìn thấy rõ việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa, thể hiện sự linh hoạt trong việc bố trí cơ cấu cây trồng, khắc phục được những nhược điểm và khó khăn trên diện tích trồng lúa như điều kiện tưới tiêu, địa hình không bằng phẳng, giúp đa dạng các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đinh Thị Trang - Phòng Nghiệp vụ kỹ thuật