Thứ Năm, 21/11/2024

Thành tựu lĩnh vực trồng trọt giai đoạn 2015-2021

Thứ Ba, 01/11/2022

Trong giai đoạn 2016-2021 Tỉnh uỷ, HĐND, UBND đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp như: Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh; Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 06/7/2017 quy định chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2017- 2020; Nghị quyết số 39/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2019-2020; Nghị quyết số 113/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách quy định tại khoản1, điều 1 Nghị quyết số 39/2018/NQ-HĐND đến  hết năm 2021. Bên cạnh đó, với sự nỗ lực của cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành nông nghiệp, các sở ngành liên quan, các địa phương, sự vào cuộc của doanh nghiệp, HTX và người dân trong tỉnh, đến nay ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó có nhiều mô hình, dự án đạt hiệu quả cao được nhân rộng khắp trong tỉnh, trở thành chương trình mang tính lan tỏa, góp phần tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 của ngành nông nghiệp đạt 2,02%/năm, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác năm 2021 đạt 144,9 triệu đồng. Một số chương trình trở thành thành tựu điển hình:

Ảnh: Cánh đồng lúa đặc sản theo hướng hữu cơ

Một là, chương trình liên kết sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ, theo chuỗi giá trị: Đây là chương trình bắt đầu triển khai từ năm 2018, với quy mô 15,7 ha, đến nay đã nhân rộng được trên 1.000 ha trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh, góp phần thúc đẩy mở rộng diện tích sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao từ tỷ lệ 43% năm 2015, tăng 75% năm 2022. Sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đã áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến, sử dụng phân bón hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa (mạ khay, máy cấy), đã tiết giảm được công lao động, sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc trừ cỏ, trừ ốc bươu vàng, tạo dòng sản phẩm sạch, hiệu quả cao hơn lúa sản xuất thường từ 10-15%. Thành công chương trình là điều kiện để cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, thúc đẩy liên kết 4 nhà, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX NN, từng bước chuyển đổi nhận thức sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành cách thức hợp tác tự nguyện, cùng mục tiêu, tăng tinh thần đoàn kết cộng đồng; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống sức khỏe, vật chất và tinh thần, tạo động lực để nông dân tiếp tục mở rộng diện tích, là tiền đề để thực hiện các chương trình sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ vào những năm tiếp theo.

Ảnh: Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

Hai là, chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa: Được thực hiện năm 2016 đến nay đã chuyển đổi khoảng 6 ngàn ha, riêng giai đoạn 2017-2021 toàn tỉnh chuyển đổi được 4.713,23 4,87 nghìn ha. Giai đoạn 2016-2021 toàn tỉnh đã thực hiện 09 mô hình, dự án. Các hình thức chuyển đổi bao gồm: Chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm gồm rau các loại như: bí xanh, mướp, dưa chuột, lạc lày, cà chua, dưa lê, dưa bở, các loại rau ăn lá...; Giá trị sản xuất khoảng 300-400 triệu đồng/ha/năm. Chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm trên chân đất khô hạn, không chủ động nước tưới trồng 1 vụ tại huyện Nho Quan; đất 2 vụ lúa tại các huyện Hoa Lư, Yên Khánh; Giá trị sản xuất đạt từ 230-800 triệu đồng/ha/năm. Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản tập trung chủ yếu trên chân đất 2 vụ lúa và đất 1 vụ lúa sâu trũng tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Tam Điệp, Hoa Lư; Giá trị sản xuất đạt 200-450 triệu đồng/ha/năm. Chuyển đổi từ trồng lúa sang các hình thức khác như trồng cây hàng năm kết hợp nuôi thủy sản; cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản; trồng sen phục vụ du lịch kết hợp nuôi thủy sản; nuôi thủy sản ao nổi giai đoạn 2017-2020 là 359,0 ha; Diện tích này chủ yếu trên đất 2 vụ lúa tại các huyện Yên Mô, Kim Sơn, Hoa Lư, TP Tam Điệp. Các hình thức này cho lợi nhuận đạt 450-500 triệu đồng/ha/năm.

Ảnh: Mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao

Ba là, chương trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (khoa học công nghệ): Bắt đầu triển khai thực hiện khi có Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 37/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, tiêu biểu có chương trình công nghệ cao sản xuất rau, quả an toàn: được triển khai, đầu tiên kể đến là mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, khép kín, với quy mô 3.000 m2 ở huyện Yên Mô, sử dụng hệ thống phun nước tự động, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, chế phẩm sinh học, phân bón thế hệ mới ... ở nhiều địa phương trong tỉnh như Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn, Thành phố Ninh Bình, Tam Điệp… và tiếp tục được nhân ra diện rộng trong thời gian tới. Các mô hình, dự án trồng cây ăn quả cũng rất phát triển ở giai đoạn này như mô hình “phát triển vùng cây ăn quả (Na rải vụ) an toàn”, đến nay đã hình thành vùng sản xuất na trái vụ với diện tích 200 ha tại huyện Nho Quan, hằng năm cho thu nhập ổn định từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được xem là giải pháp then chốt để tăng năng suất, giá trị, thu nhập. Theo đó, diện tích sản xuất nông nghiệp được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đạt trên 34%. Đã hình thành 17 vùng rau củ quả an toàn; 06 vùng cây ăn quả (dứa, chuối, ổi, na và cây có múi ...). Đến nay các mô hình ứng dụng công nghệ cao đã phát triển nhân rộng ra khắp các địa phương trong tỉnh, ở trên tất cả các lĩnh vực.

Ảnh: Mô hình máy cấy

Bốn là, chương trình cơ giới hóa trong sản xuất: Các mô hình hỗ trợ cơ giới hóa thực hiện năm 2017 đến nay đã hỗ trợ được 159 máy các loại, bao gồm 12 máy cấy KUBUTA, 03 máy bay phun thuốc BVTV, 38 máy gieo sạ và bón phân, 69 máy cấy các loại, 14 máy sấy lúa, sấy dược liệu, 05 máy làm đất mini, 02 máy làm đất cỡ lớn, 06 máy cuộn rơm, 01 giàn gieo mạ khay tự động…Hiện nay toàn tỉnh đã nhận rộng thêm được gần 286 máy các loại... Góp phần nâng tỷ lệ mức độ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 98,58%; chăm sóc, tưới 95,71%; phun thuốc bảo vệ thực vật 79,97%; khâu thu hoạch 93,33%; tuốt đập 95,32%; vận chuyển 94,72%. Khâu gieo cấy đã được tăng lên đáng kể, đạt 28,65%; bảo quản sau thu hoạch đạt 19,98%; 80% diện tích lúa thu hoạch bằng máy. Cùng với các mô hình cơ giới hóa trong các khâu làm đất và thu hoạch, cơ giới hóa các khâu sản xuất khác và chế biến nông sản cũng đang được tập trung đẩy mạnh, tiến tới cơ giới hóa đồng bộ... góp phần xây dựng, phát triển chuỗi chế biến, để nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho người dân.

Với những thành tựu nổi bật nói trên, lĩnh vực trồng trọt đã góp phần không nhỏ vào những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp tỉnh nhà nói chung và Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình nói riêng.

Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và BVTV.