Sáng 1/10, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Viễn tổ chức hội nghị đánh giá kết quả mô hình, dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện; đại diện UBND xã, Ban quản trị các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện; đại diện doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất: Công ty TNHH Vật tư Nông nghiệp Hồng Quang và Công ty cổ phần GAP Việt Nam.
Ảnh: Đại biểu tham quan thực tế mô hình
Các đại biểu về dự hội nghị đã được tham quan và trực tiếp xem xét, đánh giá kết quả đạt được của mô hình tại đồng ruộng của HTX nông nghiệp Đô Lương với quy mô 35 ha.
Hội nghị đã được nghe đại diện phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Viễn báo cáo kết quả triển khai mô hình với các nội dung về: chọn ruộng, kỹ thuật gieo cấy, các số liệu về giống, phân bón lót, phân bón thúc, cách bón thúc các đợt và phương pháp phòng trừ sâu bệnh… Đánh giá chung kết quả mô hình sản xuất lúa Hương Bình theo hướng hữu cơ, theo chuỗi giá trị trong vụ mùa năm 2022 cho thấy: Giống lúa thích ứng tốt với chân đất vàn, khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, độ thuần đồng ruộng khá cao. Giống có thời gian sinh trưởng trung bình (106 ngày), đẻ nhánh khá, trỗ bông tập trung, hạt thon dài, xếp xít, cứng cây, khả năng chống đổ tốt. Giống có khả năng chống chịu sâu bệnh khá, do đó hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Đối với sản phẩm phân bón GAP sử dụng trong mô hình đã thể hiện được một số ưu điểm như khả năng hấp thu tốt, lượng dùng vừa phải, hàm lượng dinh dưỡng cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cây trồng. Theo đánh giá của phòng Nông nghiệp và người dân dự kiến năng suất ước đạt 60,3 tạ/ha.
Ảnh: Đại biểu tham dự hội nghị phát biểu ý kiến
Tại hội nghị các đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã phát biểu tham luận, đề xuất các ý kiến về chính sách ưu đãi về giống, vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm… và việc mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hữu cơ, theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị lúa, gạo trên địa bàn huyện Gia Viễn.
Ảnh: Đồng chí Đinh Văn Khiêm - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu chỉ đạo
Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí Đinh Văn Khiêm – Phó giám đốc sở đánh giá cao kết quả đạt được của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, theo chuỗi giá trị vụ mùa năm 2022 tại HTX nông nghiệp Đô Lương. Đây là mô hình điểm, là hướng đi mới trong sản xuất lúa gạo trên địa bàn huyện, phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ của tỉnh Ninh Bình; Đây cũng là xu hướng tất yếu nhằm sản xuất ra những sản phẩm an toàn phục vụ ngành du lịch của tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, đồng chí Phó giám đốc sở cũng chỉ rõ đối với huyện Gia Viễn nơi có tập quán canh tác phù hợp cho sản xuất theo hướng hữu cơ thì đây mới chỉ là mô hình điểm, cần tiếp tục nhân rộng thành nhiều mô hình trên địa bàn nhiều xã. Để làm được điều này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống từ Sở Nông nghiệp và PTNT đến các đơn vị chuyên môn của huyện Gia Viễn, sự hợp tác của các đơn vị, doanh nghiệp liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm và sự đồng lòng nhất trí, hăng say lao động của người dân.
Nhân rộng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ và theo chuỗi giá trị sẽ từng bước tạo vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất cho người nông dân, góp phần đẩy mạnh phát triển bền vững thương hiệu nông nghiệp Ninh Bình.
Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
84/2019/NĐ-CP
Quy định về quản lý phân bón62/2019/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa31/2018/QH14
Luật Trồng trọt64/2014/NĐ-CP
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân41/2013/QH13
Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật42/2013/QH13
Luật Tiếp công dân