Đồng chí Đinh Văn Khiêm – Phó giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT Ninh Bình tham dự và chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Sở; Lãnh đạo công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi; Lãnh đạo đài khí tượng thủy văn Ninh Bình; Lãnh đạo các phòng Nông nghiệp huyện, phòng kinh tế thành phố trong toàn tỉnh; Lãnh đạo Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố và đại diện một số công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư, tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh.
Ảnh: Đại biểu về dự Hội nghị
Vụ Đông xuân 2021-2022 ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn tỉnh bùng phát mạnh, bên cạnh đó do chịu tác động của nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài làm chậm thời vụ gieo cấy, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của các cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng. Tuy nhiên, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của người dân trong tỉnh, sản xuất trồng trọt đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ảnh: Đại diện Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình báo cáo kết quả vụ Đông xuân 2021-2022
Tổng diện tích gieo trồng được 47.098,9 ha cây trồng các loại, một số cây trồng chính: Cây lúa gieo cấy được 39.782,3 ha, đạt 101,4% so với KH, năng suất 66,66 tạ/ha (giảm 0,15 tạ/ha), sản lượng 266.773 tấn; Cây ngô diện tích 1.506,9 ha (đạt 109,9% KH), năng suất đạt 38,13 tạ/ha, sản lượng 5.746,0 tấn; Cây lạc diện tích 1.942,3 ha, năng suất đạt 30,39 tạ/ha, sản lượng 5.902,0 tấn; Cây khoai lang diện tích 353,5 ha, năng suất 97,38 tạ/ha, sản lượng 3.442,5 tấn; Rau các loại diện tích 2.332,3 ha, sản lượng đạt 42.222,1 tấn; Cây sen lấy hạt trồng được hơn 127,5 ha, năng suất đạt 31,10 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 396,5 tấn. Ngoài ra còn đánh giá hiệu quả về cây ăn quả và các cây trồng khác.
Ảnh: Đại biểu phòng Nông nghiệp và PTNT phát biểu tham luận tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào thảo luận các nhóm vấn đề như: đánh giá những kết quả đạt được, nguyên nhân khó khăn gặp phải và những tồn tại trong sản xuất vụ Đông Xuân năm 2021-2022 về thời tiết, sâu bệnh hại; công tác tuyên truyền, công tác quản lý vật tư; giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng đột biến; những bài học kinh nghiệm về việc xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất lúa và các cây trồng khác để nâng cao thu nhập nông nghiệp; những giải pháp để sản xuất vụ Đông Xuân năm 2022-2023 thắng lợi gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 32, ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Ảnh: Đồng chí Đinh Văn Khiêm - Phó giám đốc Sở phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Văn Khiêm - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các cấp, các đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích vụ Đông trong đó chú trọng những cây trồng có liên kết, cây rau, cây hoa đảm bảo nguồn cung cho thị trường nhất là dịp Tết nguyên Đán và vụ giáp hạt; Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để giúp người sản xuất tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông số lượng lớn.
Các huyện, thành phố bám sát kế hoạch vụ Đông Xuân của Sở Nông nghiệp và PTNT để xây dựng kế hoạch và khung thời vụ phù hợp với thực tiễn của từng địa phương; Đối với những địa phương có diện tích lúa ngoài đê cần bố trí thời vụ để đảm bảo thu hoạch trước 20/5/2023 tránh lũ tiểu mãn; Toàn tỉnh phấn đấu kết thúc gieo cấy lúa xong trước ngày 25/02/2023;
Các địa phương chú trọng công tác làm đất nhất là đối với những vùng cày ải cần tiến hành làm đất sớm để đảm bảo đủ thời gian để ải; điều tiết nước hợp lý để cây lúa phát triển tốt trong thời gian đầu vụ; Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 08/11/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình về Tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2023.
Tham mưu chỉ đạo khuyến khích các địa phương mở rộng các chuỗi giá trị về lúa gạo, xây dựng kế hoạch và đề xuất nhiệm vụ thực hiện theo chương trình tại các biên bản ghi nhớ với các công ty, doanh nghiệp, các biên bản ghi nhớ tại Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp, thanh tra kiểm tra giống và vật tư nông nghiệp nhất là các loại giống, phân bón lưu thông trên thị trường đảm bảo phục vụ sản xuất;
Tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách được quy định tại Nghị quyết số 32, ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025;
Tăng cường tuyên truyền phổ biến hướng dẫn các chủ trương, biện pháp kỹ thuật, các tiến bộ mới…; xây dựng Danh mục giống lúa mới, tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm để khuyến cáo người dân áp dụng, mở rộng trong sản xuất.
Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác diệt chuột, phòng trừ sâu bệnh hại, ứng phó với diễn biến bất thuận của thời tiết để sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023 giành được thắng lợi toàn diện./.
Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình.
84/2019/NĐ-CP
Quy định về quản lý phân bón62/2019/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa31/2018/QH14
Luật Trồng trọt64/2014/NĐ-CP
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân41/2013/QH13
Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật42/2013/QH13
Luật Tiếp công dân