Thứ Năm, 21/11/2024

Định hướng cơ cấu giống, thời vụ sản xuất Vụ Đông năm 2022

Thứ Ba, 20/09/2022

Những năm gần đây thực hiện chủ trương chung của tỉnh Ninh Bình về phát triển vụ Đông theo hướng thực chất, hiệu quả với quy mô hợp lý, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo đà mở rộng sản xuất vụ Đông như Nghị quyết số 37/NQ-HĐND, Nghị quyết số 39/2018/NQ-HĐND, Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND Quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025, Quy định phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất bề vững, tiên tiến, ... Từ những chủ trương đó sản xuất cây vụ Đông trên địa bàn toàn tỉnh từng bước chuyển dịch sản xuất theo hướng hàng hóa, chú trọng đầu tư thâm canh cây trồng có giá trị kinh kế cao, hình thành các vùng trồng tập trung, có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó hiệu quả sản xuất cây trồng vụ Đông được khẳng định. Đặc biệt vài năm gần đây, nhiều mô hình như trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ như: cây rau, cây khoai sọ, cây dược liệu cúc hoa, trạch tả,… được mở rộng ở một số địa phương, giá trị thu được cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại cây rau màu thông thường.

Ảnh: Sản xuất vụ Đông 2022

Vụ Đông 2022, theo kế hoạch tỉnh Ninh Bình gieo trồng 7.793,2 ha, trong đó cây ngô 1.530,5 ha, cây lạc: 203,3 ha, cây khoai tây: 309,7 ha, cây khoai lang: 371,5 ha, cây bí xanh + đỏ: 466,8 ha, cây cà chua: 161,2 ha, rau đậu các loại: 3.790,1 ha. Tuy nhiên trong những năm gần đây do xu hướng chuyển đổi lao động nông thôn sang các lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn và đặc biệt ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã làm thay đổi thời vụ gieo cấy lúa vụ Mùa gây khó khăn cho việc bố trí thời vụ gieo trồng cây vụ Đông, nhất là nhóm cây ưa ấm. Trước tình hình đó Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất vụ Đông, đề ra giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất vụ Đông 2022, trong đó nhấn mạnh định hướng cụ thể về cơ cấu thời vụ và cơ cấu giống để đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất, cụ thể:

* Đối với Nhóm cây trồng ưa ấm: Ngô, lạc, bí xanh, ớt, cà chua, dưa chuột,... thời vụ gieo trồng xong trước ngày 05/10 cần lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp… (Các cây trồng như ngô, bí xanh, ớt, dưa chuột có thể làm bầu, cần làm bầu to, sớm trước khi có đất trồng 7-10 ngày để kịp thời vụ).

- Cây Ngô: Các giống ngô lai có TGST 125-130 ngày như LVN99, CP888, CP501,... gieo trồng xong trước ngày 10/9; Các giống ngô có TGST từ 110-120 ngày như CP333, CP989, CP999, 3Q, NK66... gieo trồng xong trước ngày 20/9; Các giống ngô nếp ngắn ngày như HN88, HN68,TBM18, TA898,... gieo trồng xong trước ngày 05/10; Các giống ngô rau, ngô ngọt có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cần căn cứ vào thời điểm thu mua và thời gian sinh trưởng của từng giống để bố trí thời vụ gieo trồng phù hợp.

- Cây Khoai lang: Thời vụ trồng kết thúc trước ngày 05/10. Sử dụng nguồn giống sẵn có tại địa phương như KL2, KLC5, KLC3,… chú trọng mở rộng diện tích khoai lang bản địa như khoai lang Hoàng Long,…

- Cây Lạc: Chủ động trồng sớm, kết thúc trước ngày 20/9, sử dụng các giống có năng suất chất lượng tốt như L14, L19, L23, L26, L27,…; tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.

- Cây Bí xanh, Bí ngô, Dưa chuột, Ớt, Cà chua,…: áp dụng các biện pháp kỹ thuật như làm bầu, trồng gối trên ruộng lúa trước khi thu hoạch lúa, sử dụng giàn bằng lưới,…

* Đối với Nhóm các cây trồng ưa lạnh: Thời vụ gieo trồng tập trung từ ngày 10/10-20/11, riêng cây Khoai tây tập trung trồng từ 15/10-15/11.

- Cây Khoai tây: Sử dụng các giống Diamant, Sinora, Solara, Atlantic, Aladin,... mở rộng diện tích Khoai tây phục vụ chế biến có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

- Rau đậu các loại: Tận dụng điều kiện đất đai, nhân lực để mở rộng diện tích; bố trí gieo trồng rải vụ, đa dạng về chủng loại để đảm bảo nguồn cung cho thị trường tránh hiện tượng khủng hoảng thừa lúc chính vụ, giá thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

- Cây hoa: Chú trọng mở rộng diện tích trồng các loại hoa phục vụ Tết tại một số vùng hoa trọng điểm của TP Ninh Bình và TP Tam Điệp... Sử dụng đa dạng những giống hoa có chất lượng: Hoa Lily, Cúc, Đồng Tiền, Lan, Hồng, Đào cành, Đào cây,... phục vụ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Vũ Thị Thu Hiền - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.