Thứ Sáu, 04/10/2024

Tài liệu hướng dẫn sản xuất rau theo hướng hữu cơ áp dụng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ Tư, 24/08/2022

PHẦN I : MỤC ĐÍCH, PHẠM VI ÁP DỤNG, YÊU CẦU CHUNG

1. Mục đích: Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh sản xuất nông nghiệp từng bước giảm sử dụng hóa chất trong sản xuất, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp theo hướng hữu cơ là bước chuyển tiếp giữa nông nghiệp thâm canh, sử dụng nhiều hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ.

2. Phạm vi áp dụng: Áp dụng đối với tổ chức và cá nhân tổ chức sản xuất rau theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

3. Yêu cầu về điều kiện sản xuất:

- Địa điểm tổ chức sản xuất phải nằm trong quy hoạch.

- Có đăng ký cấp mã số vùng trồng theo quy định và được cấp mã vùng trồng sau khi kết thúc vụ sản xuất thứ nhất.

4. Yêu cầu về vật tư đầu vào:

- Giống: sử dụng các giống có nguồn gốc rõ ràng, được các cơ quan chức năng cho phép sản xuất, không sử dụng giống biến đổi gen.

- Phân bón: sử dụng các loại phân được phép lưu hành sản xuất kinh doanh: Phân hữu cơ truyền thống (đã ủ hoai mục); phân hữu cơ, hữu cơ khoáng. Được phép sử dụng phân vô cơ kết hợp với phân hữu cơ (nhưng tỷ lệ mỗi loại phân vô cơ không vượt quá 10% lượng phân bón vô cơ theo sản xuất đại trà).

- Thuốc Bảo vệ thực vật: Sử dụng thuốc BVTV trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thảo mộc, thuốc có độ độc thấp, đảm bảo thời gian cách ly ngắn (≤ 7 ngày), đảm bảo an toàn cho nông sản.

5. Yêu cầu về quá trình sản xuất:

- Không sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học, diệt chuột hóa học.

- Không sử dụng chất điều hòa sinh trưởng, chế phẩm hóa học.

- Không bón trực tiếp phân đơn vô cơ, phân vô cơ tổng hợp.

- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng.

- Trong quá trình thu hoạch, sơ chế không được sử dụng hóa chất, phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

6. Yêu cầu về hệ thống giám sát và chứng nhận sản phẩm:

- Mỗi điểm sản xuất phải có hồ sơ, tài liệu, sổ nhật ký theo dõi sản xuất theo GAP cơ bản cho rau, quả tươi (có ghi chép cụ thể các dữ liệu về điều kiện sản xuất, vật tư đầu vào, quá trình sản xuất…).

- Hồ sơ sản xuất: phải được lưu giữ cẩn thận, đảm bảo truy xuất được tính toàn vẹn trong quá trình sản xuất.

- Hồ sơ, tài liệu đảm bảo được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ do Sở Nông nghiệp & PTNT quy định và hướng dẫn; đảm bảo cho phép truy xuất nguồn gốc.

PHẦN II: QUY TRÌNH SẢN XUẤT

1. Giống:

- Giống phải có nguồn gốc rõ ràng, với giống là cây con cần phải biết rõ lý lịch nơi sản xuất giống. Giống nhập nội phải qua kiểm dịch.

- Chỉ gieo trồng các loại giống tốt và trồng cây con khỏe mạnh, không mang nguồn sâu bệnh, nên sử dụng những giống có khả năng chống chịu tốt với đối tượng dịch hại và thích ứng với điều kiện khí hậu tại địa phương.

- Tăng cường sử dụng giống bằng cây con, giống ghép, giống sạch bệnh đối với các loại rau phù hợp để chủ động kiểm soát chất lượng của cây giống cũng như lựa chọn được những cây tốt nhất đưa vào sản xuất.

- Hạt giống trước khi gieo cần được xử lý nhiệt để diệt nguồn sâu bệnh trước khi gieo trồng.

2. Thời vụ :

- Tùy theo từng loại rau cụ thể mà áp dụng thời vụ phù hợp với cây trồng và điều kiện địa phương, nên gieo trồng tập trung trong khung thời vụ tốt nhất để cây rau sinh trưởng phát triển tốt, tăng cường chống chịu với dịch hại.

- Bố trí thời vụ các cây trồng hợp lý, khoa học, không trồng liên tiếp các loại rau cùng họ để tránh lây lan các đối tượng dịch hại từ cây trồng vụ trước sang vụ sau.

3. Làm đất:

- Đất phải được xử lý kỹ trước khi trồng để diệt trừ các mầm dịch hại trong đất, có thể sử dụng vôi bột, nấm đối kháng Trichoderma và một số chế phẩm xử lý đất có nguồn gốc sinh học, không sử dụng hóa chất để xử lý đất.

- Đất phải được cày bừa kỹ, tơi xốp, thông thoáng, nhặt sạch cỏ dại và tàn dư của cây trồng từ vụ trước. Phơi đất từ 10 – 15 ngày trước khi tiến hành gieo trồng vụ mới để hạn chế nguồn sâu bệnh trong đất.

- Có thể sử dụng các biện pháp che phủ đất để hạn chế cỏ dại và giữ ấm, giữ ẩm cho đất, khuyến khích sử dụng các biện pháp thân thiện với môi trường.

4. Phân bón:

- Chỉ được sử dụng các loại phân được phép lưu hành sản xuất kinh doanh: Phân hữu cơ truyền thống (đã ủ hoai mục); phân hữu cơ, hữu cơ khoáng; lượng bón và kỹ thuật theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Có thể sử dụng phân vô cơ kết hợp với phân bón hữu cơ, tỷ lệ mỗi loại phân bón vô cơ không vượt quá 10% lượng phân bón vô cơ theo sản xuất đại trà. Lượng bón và cách bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Tăng cường sử dụng phân hữu cơ đã được ủ hoai mục bón cho cây rau.

- Tuyệt đối không bón các loại phân chuồng chưa ủ hoai, không dùng phân tươi pha loãng nước để tưới.

- Cần kết thúc bón phân trước khi thu hoạch ít nhất 10 ngày.

5. Chăm sóc tưới nước:

- Sử dụng nguồn nước đạt tiêu chuẩn để tưới (theo TCVN về nước tưới);

- Tưới nước hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây;

- Áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm như tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, không sử dụng nước tưới tràn lan vì đây cũng là nguồn để lây lan bệnh cho cây rau nhất là đối với bệnh do vi khuẩn;

- Thường xuyên nhổ cỏ, tỉa bỏ lá già, bấm ngọn tỉa cành tạo sự thông thoáng trên đồng ruộng, hạn chế các điều kiện phát sinh gây hại của sâu, bệnh;

- Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng để xử lý thành phân hữu cơ tạo môi trường đồng ruộng sạch bệnh.

6.  Sử dụng một số biện pháp khác:

- Sử dụng  nhà lưới để che chắn: nhà lưới có tác dụng hạn chế sâu, bệnh, cỏ dại, sương giá, rút ngắn thời gian sinh trưởng của rau.

- Sử dụng màng nilon để phủ đất sẽ hạn chế sâu, bệnh, cỏ dại, tiết kiệm nước tưới, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

- Thu hoạch rau đúng theo yêu cầu của từng loại rau để đảm bảo năng suất và chất lượng tốt nhất, loại bỏ lá già héo, trái bị sâu bệnh và dị dạng.

7. Phòng trừ sâu bệnh:

7.1. Nguyên tắc chung: Nên áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên rau như:

- Luân canh cây trồng hợp lý.

- Sử dụng giống tốt, chống chịu sâu bệnh và sạch bệnh.

- Chăm sóc theo yêu cầu sinh lý của cây để tạo cây khỏe.

- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng.

- Sử dụng biện pháp thủ công để bắt diệt sâu, nhất là thu bắt sâu trưởng thành của các đối tượng sâu hại.

- Sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh.

- Kiểm tra đồng ruộng phát hiện và kịp thời có biện pháp quản lý thích hợp đối với sâu, bệnh. Khi có dịch hại phát sinh phải xử lý triệt để sau đó mới tiếp tục gieo trồng lứa mới.

- Hạn chế sử dụng loại thuốc BVTV hóa học cho rau, chỉ sử dụng trong điều kiện bắt buộc và theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV.

- Thực hiện theo hướng dẫn về sử dụng và thời gian cách ly của từng loại thuốc.

7.2. Phòng trừ một số đối tượng dịch hại chính

7.2.1. Sâu tơ

a. Triệu chứng và tác hại: Là một trong những đối tượng sâu hại nguy hiểm trên cây rau họ hoa thập tự. Sâu non gây hại trên lá và bắp, ăn phần thịt lá để lại màng xơ trắng, gây tổn thất nặng nề về năng suất và làm giảm phẩm chất rau. Sâu tơ phát sinh và gây hại mạnh vào vụ Đông xuân và vụ thu. Hàng năm có từ 16-17 lứa (tùy thuộc vào điều kiện nhiệt độ). Sâu tơ có khả năng kháng thuốc cao vì vậy cần chú  ý trong biện pháp phòng trừ.

b. Biện pháp phòng trừ

- Luân canh với cây trồng khác (không phải họ hoa thập tự).

- Sử dụng bẫy Pheromon giới tính: Là một nhóm chế phẩm sinh học có tác dụng dẫn dụ giới tính, với đặc điểm chuyên tính cao với từng loại sâu hại nên rất an toàn và hiệu quả.

- Khi xuất hiện sâu tơ với mật độ  ≥ 20 con/m2 phun trừ bằng một trong các loại thuốc trừ sâu sinh học (V.K 16WP, 32WP; Vi-BT16000WP, 32000WP, Soka 25EC); thảo mộc (Sokupi 0,5SL; Sokonec 0.36SL; Sakumec 0.36EC, 0.5EC); …

7.2.2. Sâu khoang

a. Triệu chứng và tác hại: Là loại sâu đa thực, ngoài phá hại trên cây rau còn hại trên nhiều cây trồng khác, cùng với sâu tơ đây cũng là đối tượng nguy hiểm nhất thường  xuyên gây hại trên rau. Sâu non tuổi nhỏ ăn khuyết lá làm giảm phẩm chất và năng suất rau.

b. Biện pháp phòng trừ

- Biện pháp thủ công: Ngắt bỏ trứng, ngắt các lá già có sâu non sống tập trung ở đó để giảm số lần phun thuốc.

- Biện pháp sinh học: Sử dụng bẫy Pheromon giới tính hoặc bẫy bả chua ngọt, khi mật độ sâu cao phun trừ bằng thuốc trừ sâu sinh học V.K 16, 32WP; thuốc thảo mộc Sokupi 0,5SL;... Chú ý nên phun trừ vào những lúc trời mát trong ngày.

7.2.3. Sâu xanh bướm trắng

a.Triệu chứng và tác hại: Sâu non gặm chất xanh và để lại màng lá trắng mỏng, sống thành từng cụm. Sâu tuổi lớn phân tán, ăn khuyết lá để lại gân làm cây xơ xác. Sâu xanh bướm trắng phát sinh mạnh trong những tháng ít mưa.

b. Biện pháp phòng trừ

- Luân canh với cây trồng khác (không phải họ hoa thập tự).

- Dùng vợt bắt bướm, ngắt nhộng trên lá;

- Thu dọn và huỷ bỏ tàn dư cây trồng;

- Sử dụng thuốc sinh học (VK 16, 32WP;  Soka 25EC), thuốc thảo mộc Sokupi 0,5SL, …

7.2.4. Bọ nhảy

a. Triệu chứng, tác hại: Bọ nhảy trưởng thành ăn lá, làm lá thủng lỗ chỗ. Bọ non thì hại rễ và củ, làm cây cằn cỗi kém phát triển. Bọ nhảy hại các loại rau họ hoa thập tự, thường hại quanh năm nhưng nặng nhất vào vụ xuân và vụ thu.

b. Biện pháp phòng trừ

- Luân canh với cây trồng nước để diệt nguồn sâu trong đất.

- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, không sử dụng nguồn nước tưới bẩn, không nên sử dụng phân chuồng chưa hoai mục.

- Ở các vụ tiếp theo, cần chú ý các biện pháp canh tác sau để phòng bọ nhảy hại cây:

+ Trước khi trồng rau cần dọn sạch tàn dư vụ trước, cuốc đất, phơi đất khô tối thiểu từ 10-15 ngày. Trước khi gieo trồng lứa rau mới nên bón từ 25-30 kg vôi bột/sào.

- Phun trừ bọ nhảy vào lúc chiều tối bằng một trong các loại thuốc thảo mộc như: Sokupi 0,5SL, Sakumec 0.36EC...

7.2.5. Bệnh sương mai hại rau trên xu hào, bắp cải, dưa chuột,…

a. Triệu chứng

- Trên lá: Lúc đầu xuất hiện đốm nhỏ, màu xám sau chuyển dần sang màu nâu đen trên phiến lá hoặc mép lá, sau phát triển to dần; khi bị nặng, các vết bệnh liên kết với nhau gây hiện tượng cháy lá, làm cho cây kém phát triển và còi cọc, làm giảm năng suất và chất lượng rau.

b. Biện pháp phòng trừ

- Luân canh với cây trồng khác như: Lúa, ngô, khoai...;

- Vệ sinh đồng ruộng sau mỗi kỳ thu hoạch, cắt tỉa loại bỏ các lá già, lá bị bệnh;

- Phun phòng trừ bệnh bằng thuốc trừ bệnh sinh học như: Somec 2SL, Lilacter 0,3SL...

7.2.6. Bệnh mốc sương trên cà chua, khoai tây,...

a. Triệu chứng, tác hại

- Trên lá: Lúc đầu là một đốm nhỏ màu xanh tái hơi ướt không có ranh giới rõ rệt ở mép lá, sau đó lan vào phía trong phiến lá thành vết lớn màu nâu đen có ranh giới rõ rệt, mặt dưới lá có lớp trắng xốp. Bệnh hại nặng làm toàn bộ phiến lá bị khô.

- Trên thân cành: Vết bệnh lúc đầu có hình bầu dục nhỏ, sau lan rộng bao quanh thân làm thân thối mềm, úng nước và dễ gãy.

- Trên hoa: Vết bệnh màu nâu hoặc nâu đen ở đài hoa, sau đó lan rộng làm cho hoa bị rụng.

- Trên quả: Vị trí bị nhiễm bệnh có màu nâu đậm, cứng và nhăn. Khi trời ẩm ướt làm cho quả bị thối.

b. Biện pháp phòng trừ

- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy quả bị bệnh, cắt tỉa loại bỏ các lá già, lá bị bệnh;

- Trồng cây giống sạch bệnh;

- Dùng một trong các loại thuốc trừ bệnh sinh học: Somec 2SL, Lilacter 0,3SL,..

7.2.7. Ruồi đục quả họ bầu bí

a. Quy luật phát sinh gây hại

- Gây hại trên dưa leo, bầu bí, mướp, khổ qua (mướp đắng); ruồi đục quả thường đẻ trứng và gây hại từ khi quả già đến chín.

- Ấu trùng là dòi đục vào trong quả, chỗ vết đục bên ngoài lúc đầu là một chấm đen, sau lớn dần có màu vàng rồi chuyển sang nâu. Bên trong quả, dòi đục thành đường hầm vòng vèo làm quả bị thối mềm, dễ rụng.

b. Biện pháp phòng trừ

- Thường xuyên thu gom tiêu huỷ các quả bị rụng có dòi hại;

- Nếu có điều kiện thì sử dụng biện pháp bao quả sau khi đậu 3-4 ngày;

- Dùng bẫy chuyên dùng để tiêu diệt trưởng thành: Vizubon D, Vizubon-P,...

* Lưu ý: Các đối tượng sâu, bệnh hại trên khi phòng trừ bằng các loại thuốc thảo mộc, sinh học hiệu quả không cao thì có thể sử dụng thuốc hóa học theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV./.

Nguyễn Thị Nhung - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.