Thứ Sáu, 04/10/2024

Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến trạch tả mang nhãn hiệu chứng nhận “Trạch tả Ninh Bình”

Thứ Hai, 10/10/2022

Tên thường gọi: Trạch tả còn gọi Thủy tả (Mã đề nước)

Tên khoa học của trạch tả: Alisma plantago aquatica L

Họ khoa học: Họ Trạch tả (Alismaceae).

1. Đặc điểm thực vật

Trạch tả là một cây thuốc nam quý. Cây loại thảo mọc ở ao và ruộng, cao 0,2-1m. Thân rễ trắng hình cầu hay hình con quay, thành cụm, lá mọc ở gốc, hình trứng thuôn hay lưỡi mác, phía cuống hơi hẹp lại. Cán hoa mang ở đỉnh nhiều vòng hoa có cuống dài. Hoa họp thành tán, đều, lưỡng tính, 3 lá đài màu lục, 3 cánh hoa trắng hay hơi hồng, 6 nhị, nhiều tâm bì rời nhau, xếp xoắn ốc. Quả bế.

2. Điều kiện sinh thái và phân bố

Cây Trạch tả có tính thích nghi rộng rãi ở điều kiện khí hậu, đất đai nhiều vùng. Từ miền núi, trung du, đến đồng bằng đều trồng được Trạch tả. Tuy nhiên, về thời vụ và chất lượng dược liệu có khác nhau. Trạch tả là cây trồng dưới nước, ưa thích ruộng có bùn sâu, nhiều mầu như chân ruộng chiêm, ven hồ, đầm, ao, mương máng. Nhiệt độ trung bình thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển từ 22 - 270C. Lượng mưa trung bình trên dưới 2200 mm/năm. Cây Trạch tả có vùng phân bố rộng, có mặt ở các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Nga, Việt Nam. Ở Việt Nam, cây mọc hoang ở nơi ẩm ướt ở Ninh Bình, Sapa, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Những năm gần đây, Trạch tả đã được trồng nhiều ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng điển hình là tỉnh Ninh Bình. Tại Ninh Bình, Trạch tả được trồng vào vụ Đông trên đất 2 lúa và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác được ví như vụ lúa thứ ba ở Ninh Bình. Một số địa phương tại Ninh Bình trồng nhiều trạch tả như huyện Yên Khánh (xã Khánh Thành, Khánh Thủy, Khánh Công, Khánh Cường), và huyện Kim Sơn (xã Xuân Chính, Chất Bình)

3. Giá trị làm thuốc

Phần dùng làm thuốc trạch tả: Rễ củ cây trạch tả (Rhizoma Alismatis). Mô tả dược liệu trạch tả: hình cầu tròn, hình bầu dục hoặc hình tròn trứng, dài 3,3cm-6,6 cm, đường kính 3-5cm. Vỏ thô, mặt ngoài mầu trắng vàng, có vằn rãnh nông quanh ngang củ, rải rác có nhiều vết tơ lồi nhỏ hoặc có lồi sẹo bướu. Chất cứng, mặt gẫy mầu trắng vàng, có bột, nhiều lỗ nhỏ. Mùi hơi nhẹ, vị hơi đắng.

- Thành phần hóa học: Alisol A, B, Epialisol A; Alisol A Monoacetate, Alisol B; Alismol, Alismoxide; Choline

- Tác dụng dược lý

+ Thuốc có tác dụng lợi tiểu và làm cho Natri, Kali, Chlor và Urê thải ra nhiều hơn (Chinese Herbal Medicine).

+ Phấn Trạch tả hòa tan trong mỡ. Trạch tả cồn chiết xuất và cồn Trạch tả đều có tác dụng hạ Lipid trong máu rõ.

+ Trạch tả còn có tác dụng cải thiện chức năng chuyển hóalipid của gan và chống gan nhiễm mỡ (Chinese Herbal Medicine). 

+ Cao cồn chiết xuất Trạch tả có tác dụng hạ áp nhẹ: cồn chiết xuất Trạch tả hòa tan vào nước có tác dụng gĩan mạch vành. Thuốc còn có tác dụng chống đông máu (Chinese Herbal Medicine).

+ Nước sắc Trạch tả có tác dụng hạ đường huyết (Chinese Herbal Medicine).

4. Kỹ thuật trồng

4.1. Chọn vùng trồng

Cây trạch tả là loại cây dược liệu có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, ưa chân đất trũng, ưa thích ruộng có bùn dày, ven hồ, đầm, ao, mương máng,...nơi có điều kiện tưới, tiêu chủ động. Trạch tả cho năng suất cao trên đất 2 vụ lúa, thích hợp với thời tiết vụ Đông và mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Tại Ninh Bình Trạch tả được trồng vào vụ Đông trên đất 2 vụ lúa, tập trung chủ yếu tại các huyện Yên Khánh, Kim Sơn và mở rộng ra các huyện/thành phố như Gia Viễn, Yên Mô và thành phố Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình.

Ảnh: Vùng trồng trạch tả tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình

4.2. Giống

- Lượng giống: lượng hạt giống: 24 – 25 g/sào Bắc bộ;  Số lượng cây con: 1.800-2.000 cây/sào Bắc bộ

4.3. Kỹ thuật gieo trồng

* Gieo hạt: Hạt được gieo trên vườn ươm như gieo mạ cấy lúa.

- Giống: Hạt Trạch tả rất nhỏ, mảnh, trước khi gieo có thể xử lý hạt 2 sôi 3 lạnh ngâm trong 4-6 giờ vớt ra đãi sạch nước, sau đó đem ủ đến khi nứt nanh thì đem gieo.

- Nền gieo: Có thể gieo trên nền sân, nền vườn, nền gieo phải bằng phẳng, thoát nước, có thể che phủ lưới đen phía trên để tránh nắng.

- Bùn: Lấy ở ao hồ, mương máng, sông ngòi, đồng ruộng... nơi có nước ra vào, không lấy ở nơi ao tù, nước đọng hoặc dưới bóng cây to có lá rụng.

Cách gieo:

- Đánh bùn nhuyễn và đều, chia thành các luống như luống mạ, gạt phẳng lớp bùn dầy khoảng 1,5cm, không làm bùn quá dầy, quá lỏng. Có thể trộn với cát hay đất bột hoặc tro bếp để gieo cho đều. Khi gieo, cần gieo đi gieo lại nhiều lần cho đều, nên gieo vào buổi sáng để tranh thủ tận dụng nhiệt độ ấm vào ban trưa.

- Sau khi gieo xong, dùng gậy gạt nhẹ cho hạt trạch tả chìm xuống dưới.

- Khi cây đạt chiều cao 4 - 5 cm (khoảng 30 - 35 ngày sau gieo hạt có 3 - 4 lá thật) bốc bùn san phẳng chia luống như lúc gieo hạt sau đó ươm thưa cây con để cây sinh trưởng phát triển tốt.

- Khi cây đạt chiều cao 9 - 10cm (khoảng 40 - 55 ngày sau gieo có 5-6 lá thật) thì cấy cây ra ruộng.

Ảnh: Ruộng gieo cây trạch tả

* Trồng cây con

 Khi cây con được 40 - 55 ngày cao 9-10 cm, có 5 - 6 lá thật nhổ cây đem đi cấy ở ruộng sản xuất. Khi đánh cây đi trồng phải chọn ngày không bị nắng gắt. Nhổ cây con lên, chọn cây khỏe, không bị sâu bệnh đem đi trồng.

 Khoảng cách trồng 40 cm x 50 cm (khoảng 50.000 – 60.000 cây/1ha)

 Trồng cây ở độ sâu vừa phải, cấy thẳng, chắc gốc, khi cấy tháo cạn nước, sau khi cấy xong bơm nước vào ruộng.

Ảnh: Trạch tả sau khi trồng ra ruộng

4.4. Thời vụ gieo trồng tại Ninh Bình

Do Trạch tả đã được ươm cây con trong vườn ươm từ trước nên đối với trồng Trạch tả trên đất 2 lúa hay 1 vụ lúa xuân -1 vụ cá thì đều có thời vụ trồng như nhau.

+ Thời vụ gieo hạt: Gieo hạt từ 15/8- 30/8

+ Cấy vào 30/9-5/10.

+ Thu hoạch: Tháng 1 - 2 năm sau.

Nếu gặp điều kiện thời tiết bất thuận như mưa bão kéo dài vào tháng 9-10, sâu bệnh … làm cho thời vụ bị kéo dài ảnh hưởng đến thời gian gieo cấy của vụ Xuân năm sau.

4.5. Kỹ thuật làm đất

Đất trồng Trạch tả cần chọn những chân ruộng nước, chân thấp, nhiều bùn, chủ động được tưới tiêu, đủ nước suốt vụ trồng, đất sâu bùn, mầu mỡ. Ngoài ra có thể tận dụng đất ven ao hồ, đầm, kênh mương có độ sâu vừa phải, đất tốt.

Ruộng trồng Trạch tả được cày bừa nhuyễn, kỹ như cấy lúa, vơ sạch cỏ phạt bờ cuốc góc sạch

4.6. Phân bón và kỹ thuật bón phân

a ) Lượng phân bón ( cho 1 ha)

- Phân chuồng 27 tấn + Đạm urê 460 kg + Lân super 700 – 800 kg +  Kaliclorua 100 – 110 kg (có thể thay thế phân chuồng bằng phân vi sinh với lượng quy đổi: 10 tấn phân chuồng tương đương 1 tấn phân vi sinh).

- Quy đổi ra phân bón nguyên chất: 27 tấn phân chuồng + 210 kg N  + 160 kg P2O5 + 75 - 85 kg K2O

b) Cách bón

• Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân và 15 – 20 kg phân Kaliclorua.

• Bón thúc: bón 3 lần

- Lần 1: Sau khi trồng (cấy) 20-25 ngày bón 140kg ure/ha.

- Lần 2: Sau khi trồng (cấy) 45-50 ngày bón 160kg ure/ha.

- Lần 3: Sau khi trồng 70-75 ngày bón 160 kg ure/ha + 60 - 65kg Kaliclorua. Ở giai đoạn này, có thể bón bổ sung phân bón qua lá bổ sung lân và kali cho cây để nuôi củ.

4.7. Chăm sóc và quản lý đồng ruộng

Trạch tả cần được giữ nước từ khi cấy đến lúc cây được 3 - 4 tháng, luôn duy trì mức nước để 5 - 7 cm trên ruộng. Ruộng phải luôn được sục bùn, số lần làm cỏ sục bùn thường kết hợp với các lần bón thúc và ngắt bỏ mầm nhánh. Lần làm cỏ thứ 3 kết hợp với việc ngắt bỏ ngồng để tập trung nuôi củ (7 – 10 ngày/lần).

4.8. Phòng trừ sâu bệnh

Trạch tả là cây sinh trưởng phát triển mạnh, sức sống khỏe, ít bị sâu bệnh hại nhưng vẫn phải thường xuyên kiểm tra ruộng trồng để phòng trừ các đối tượng dịch hại kịp thời khi tới ngưỡng. Một số đối tượng dịch hại thường gặp trên cây trạch tả:

- Bệnh hại do nấm gây ra như: Bệnh đốm lá, bệnh thán thư, bệnh khô vằn,…có thể dùng một trong các loại thuốc sau để phun trừ: Anvil 5SC, Moren 25WP, Amistar Top 325SC,…

- Sâu hại: Rệp, sâu xám, sâu ăn lá, sâu đục thân, củ,…có thể dùng một trong các loại thuốc sau: Dupont Prevathon 5SC, Silsau 3.6EC, Dylan 5WG,…

Ngoài ra, cần lưu ý chuột và ốc bươu vàng.

5. Thu hoạch, chế biến và bảo quản

5.1. Thu hoạch

Sau khi trồng được 4 tháng củ Trạch tả đã già, lá vàng cần thu hoạch. Khi thu dùng loại dụng cụ chuyên đào Trạch tả để thu hoạch cho nhanh. Trước khi đào, ngắt hết lá chỉ để lại một vài la ngọn để cầm khi đào, thu xong rửa sạch đất cát, cắt hết rễ, nhánh phụ.

5.2. Chế biến

Sơ chế bằng cách đào lò quay cót, phơi sấy khoảng 2 – 3 ngày đến khi củ trạch tả gần khô, sau đó cho vào lồng quay chạy điện đốt củi ở dưới để rụng hết rễ, nhẵn vỏ trắng củ. Sau đó đem sấy hoặc phơi đến khi khô củ tránh nấm mốc (khi tất cả phần thịt củ đều có màu trắng đều màu là đã thấu). Độ ẩm của củ đạt tiêu chuẩn là dưới 12% thủy phần.

Ảnh: Củ trạch tả sau khi chế biến

Bào chế:

+ Trạch tả phiến: Trạch tả sau khi thu hoạch, rửa sạch, cắt bỏ rễ con. Thái thành phiến dày 1 – 3 mm. Phơi hay sấy khô. Nếu là củ Trạch tả đã khô, có thể ngâm, ủ mềm cho dễ thái.

+ Trạch tả sao vàng: Đem trạch tả phiến sao nhỏ lửa đến khi toàn bộ bề mặt hơi vàng.

+ Trạch tả trích muối: Hòa tan muối với một lượng nước vừa đủ để tẩm Trạch tả phiến (300 g muối cho 10 kg Trạch tả phiến); ủ 30 phút cho ngấm đều. Sao nhỏ lửa đến khi bề mặt phiến vàng. Có thể sao vàng Trạch tả phiến trước, rồi vừa phun nước muối vừa sao đến khi hết nước muối và khô.

Tiêu chuẩn, chất lượng dược liệu

- Củ Trạch tả phải khô không mốc, mọt.

- Hình thái củ phải như quả trứng.

- Phần ngoài vỏ và trong lõi phải trắng.

- Củ nhẵn, bóng không sần sùi

5.3. Bảo quản, vận chuyển: Bảo quản nơi khô ráo, tránh ẩm mốc, không có nhánh; Dược liệu được đóng vào bao tải, ngoài có túi nilon chống ẩm, hoặc đóng vào cót quây, chum vại, thùng có nắp đậy, để nơi cao ráo thoáng mát.

Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.