Cải bắp có tên tiếng Anh là Brassica oleracea, đây là loại rau chủ lực trồng trong vụ đông xuân ở các tỉnh phía bắc, miền trung và Tây nguyên.
Cải bắp thuộc nhóm rau có nguồn gốc ôn đới, nhiệt độ phù hợp khoảng 1-10 độ C trong khoảng 15-30 ngày tuỳ thời gian sinh trưởng của giống. Do vậy, trong quá trình sinh trưởng, khi gặp điều kiện này, cây sẽ ra hoa, kết quả ngay ở năm đầu. Cải bắp có bộ rễ chùm phát triển nên chịu hạn khá tốt.
Hạt cải bắp nảy mầm tốt nhất ở nhiệt độ 18-20 độ C. Cây phát triển thuận lợi nhất ở 15-18 độ C.
Độ ẩm thích hợp là từ 75-85%, ẩm độ không khí khoảng 80-90%. Cải bắp ưa đất thịt nhẹ, cát pha, tốt nhất là đất phù sa bồi, có độ PH= 5,6-6,0.
1. Thời vụ
Cây bắp cải ưa ánh sáng ngày dài nhưng có cường độ yếu nên thích hợp trồng trong vụ Đông Xuân ở miền Bắc và có 3 vụ trồng chủ yếu :
- Vụ sớm: Gieo cuối tháng 7 đầu tháng 8, trồng cuối tháng 8 và tháng 9
- Vụ chính: Gieo tháng 9 - 10, trồng giữa tháng 10 đến hết tháng 11
- Vụ muộn: Gieo tháng 11, trồng vào giữa tháng 12
2. Gieo ươm cây con
Hạt giống trước khi gieo phải ngâm vào nước ấm 50oC trong 20 phút, sau đó ngâm nước lạnh từ 8-10 giờ. Lượng hạt gieo 1,5-2,0 g/m2.
Gieo xong phủ lên một lớp rạ dày 1-2 cm, sau đó dùng ô doa tưới đẫm nước. Trong 3-5 ngày sau gieo tưới 1-2 lần/ngày, khi hạt nảy mầm nhô lên khỏi mặt đất ngừng tưới 1-2 ngày, sau đó cứ 2 ngày tưới 1 lần.
Nhổ tỉa cây bệnh, cây không đúng giống, để mật độ 3-4 cm. Sau mỗi lần nhổ tỉa kết hợp tưới thúc bằng phân chuồng ngâm ngấu pha loãng. Không được tưới phân đạm.
Tiêu chuẩn cây giống tốt: Phiến lá tròn, đốt sít, mập, lùn. Cây có 5-6 là thật thì nhổ trồng.
3. Làm đất
Đất phù hợp cho cải bắp là đất thịt nhẹ, cát pha, phù sa có thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp, giầu mùn và dinh dưỡng. Nơi trồng Bắp cải an toàn là phải xa nguồn nước thải và các khu công nghiệp. Đất trồng phải đảm bảo tưới tiêu chủ động.
Đất trồng tốt nhất nên xử lý bằng chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma bằng cách trộn đều vào phân chuồng bón lót với lượng như khuyến cáo của nhà sản xuất. Nếu không có nấm đối kháng thì có thể dùng vôi bột với lượng 20 kg/sào hoặc thuốc gốc đồng để xử lý đất trước khi trồng.
Sau đó làm đất kỹ, tơi nhỏ, dọn sạch cỏ và tàn dư thực vật rồi mới lên luống cao 20 - 25 cm, rãnh luống rộng 20 - 30 cm, mặt luống rộng từ 1,0 - 1,2 m, bằng phẳng, dễ thoát nước để tránh ngập úng khi gặp mưa.
4. Kỹ thuật trồng cây ra ruộng
Chọn những cây khoẻ, cứng cáp, đồng đều, cây có phiến lá tròn, đốt sít, mập, lùn. Khi cây có 5 - 6 là thật (sau gieo 20 – 25 ngày) đem trồng là tốt nhất. Không nên trồng cây con non quá sẽ dễ bị chột, chết.
Trồng hai hàng nanh sấu trên luống. Phụ thuộc vào giống và thời vụ, trồng với mật độ 30.000 - 35.000 cây/ha. Cây cách cây 40 – 50 cm, hàng cách hàng 60 – 70 cm. Nên trồng cây vào buổi chiều (nếu trời nắng hanh).
5. Bón phân
Lượng phân bón cho 1 sào (360 m2): 9 -10 tạ phân chuồng hoai mục + 9 – 11 kg Đạm ure + 10 – 15 kg Lân + 12 - 14 kg Kaly. Hoặc có thể dùng các dạng phân NPK để bón với liều nguyên chất tương ứng là 4 – 5 kg N2O + 1,5 – 2 kg P2O5 + 7 – 8 kg K2O.
Cách bón:
Bón lót: Toàn bộ lượng phân chuồng và phân lân + 20% Đạm + 20% Kali. Bón trải đều trên mặt ruộng trước khi lên luống hoặc bón vào hốc sau khi lên luống. Nếu bón theo cách thứ 2 phải trộn, đảo đều và lấp đất trước khi trồng.
Lưu ý: Chỉ sử dụng phân chuồng ủ mục, tuyệt đối không dùng phân tươi, nếu không có phân chuồng hoai mục có thể dùng phân hữu cơ vi sinh để thay thế.
Bón thúc làm 3 đợt:
Lần 1: Sau trồng 15 ngày, 20% Đạm + 20% Kali
Lần 2: Sau trồng 30 - 35 ngày (thời kỳ trải lá bàng) bón 30% Đạm + 30% Kali
Lần 3: Sau trồng 45 - 50 ngày (khi bắt đầu vào cuốn) bón hết lượng phân còn lại
Bón phân xung quanh gốc cây kết hợp vun xới.
6. Chăm sóc
- Tưới nước: Sau khi trồng, tưới đẫm nước cho liền thổ, rễ nhanh bám đất. Sau đó ngày tưới 1 - 2 lần cho tới khi cây hồi xanh. Giai đoạn tiếp theo 3 - 5 ngày tưới 1 lần tùy thuộc vào độ ẩm đất. Sau khi vun và bón thúc đợt 1, có thể tưới rãnh cho cây với lượng nước đưa vào từ 1/3 - 1/2 chiều cao rãnh luống để nước tự ngấm rồi tháo hết nước. Tránh đưa nước vào quá nhiều dễ dẫn đến hiện tượng cháy lá, thối bẹ,...
Lưu ý: Phải sử dụng nước sạch để tưới cho rau như nước ở sông không bị ô nhiễm hoặc nước đã qua xử lý. Tuyệt đối, không dùng nước phân tươi, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý để tưới cho rau.
- Các đợt bón thúc đều phải kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun gốc.
Ảnh: áp dụng hệ thống tưới phun mưa
* Chú ý:
Không bón đạm urê quá muộn hoặc lạm dụng đạm cho cải bắp sẽ làm cây giảm chất lượng, sâu bệnh nhiều và nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Nếu trong vụ có nhiều mưa nên giảm lượng đạm bón, đồng thời tăng cường kali và vi lượng cho rau.
Khi gặp mưa lớn cần tháo cạn nước trong ruộng càng sớm càng tốt. Khi nước rút cần xới xáo nhẹ mặt luống và vun gốc. Đồng thời kích thích bộ rễ, bộ lá phát triển bằng cách: Hòa loãng lân supe với lượng 0,2 kg pha cho 10 lít nước để tưới gốc đồng thời phun các chế phẩm sinh học như KH, PennacP, Siêu lân... giúp cây nhanh phục hồi, kích thích ra rễ và lá mới. Kết hợp phun thuốc Validacin, Rhidomin… nhằm hạn chế bệnh hại cây.
7. Phòng trừ sâu bệnh
+ Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp như: Vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ trước khi trồng để diệt nguồn trứng, nhộng, sâu non của một số loại sâu hại và hạn chế mầm bệnh; Luân canh với cây trồng khác họ, luân canh với lúa nước để hạn chế sự phát triển của sâu bệnh và cỏ dại…
+ Sâu xám: Thường xuyên quan sát đồng ruộng, phát hiện, bắt giết sâu xám đầu vụ, ngắt ổ trứng và ổ sâu non tuổi 1 - 2 của sâu khoang; dùng bả chua ngọt, bẫy dính để bắt bướm; nhổ bỏ kịp thời cây bị héo, nhũn đem đi tiêu hủy.
+ Đối với sâu tơ chỉ phun thuốc khi mật độ sâu non trung bình 2 con/cây ở giai đoạn 2 - 3 tuần sau trồng, 3 con trở lên ở giai đoạn 4 - 7 tuần sau trồng. Không phun thuốc đặc hiệu trị sâu tơ khi sâu chưa xuất hiện ở các ngưỡng trên.
+ Rệp: Cả rệp non và trưởng thành đều chích hút nhựa cây, làm búp và lá bị xoăn lại, lá nhạt màu hoặc vàng, héo rũ. Ngoài gây hại trực tiếp cho cây trồng, rệp còn là môi giới truyền bệnh virus. Thời tiết nóng khô thuận lợi cho rệp phát triển.
Biện pháp phòng trừ: Tưới nước, giữ ẩm cho cây trồng trong điều kiện thời tiết mùa khô. Kiểm tra, theo dõi vườn trồng sớm để phát hiện các ổ rệp mới xuất hiện đem thu gom tiêu huỷ. Sử dụng các loại thuốc đặc trị rầy, rệp để phun.
+ Bệnh hại:
Bệnh thối do nấm gây ra, khi có bệnh xuất hiện cần tiêu hủy sớm cây bệnh. Sử dụng một số loại thuốc sau: Score, Rhidomil,… phun trực tiếp vào vết bệnh.
Bệnh lở cổ rễ: Cây bị bệnh yếu, bắp nhỏ, đôi khi héo và chết. Sử dụng thuốc như validacin, anvil,…
Chú ý: Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc) để phun cho rau theo đúng hưỡng dẫn trên bao bì và lưu ý phải đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch.
7. Thu hoạch
Thu hoạch khi bắp cải cuộn chặt, mặt bắp mịn, lá xếp phẳng và căng, gốc chuyển sang màu trắng đục hay trắng sữa, ngà vàng. Loại bỏ lá gốc, lá bị bệnh, không ngâm nước, không làm giập nát.
Đinh Thị Trang - Phòng Nghiệp vụ kỹ thuật
84/2019/NĐ-CP
Quy định về quản lý phân bón62/2019/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa31/2018/QH14
Luật Trồng trọt64/2014/NĐ-CP
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân41/2013/QH13
Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật42/2013/QH13
Luật Tiếp công dân