Thứ Sáu, 04/10/2024

Quy trình kỹ thuật thâm canh giống lúa nếp hạt cau

Thứ Hai, 10/10/2022

I. Nguồn gốc:

Giống lúa nếp Hạt cau (còn gọi là giống nếp Vàng ong, nếp tiến vua, nếp đen) là giống lúa Nếp đặc sản, đã được nhân dân gieo trồng từ lâu. Được phân bố rải rác ở các tỉnh phía Bắc và Bắc trung bộ, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tập trung sản xuất nhiều tại huyện Nho Quan, huyện Kim Sơn và huyện Hoa Lư

II. Những đặc tính chủ yếu:

- Nếp Hạt cau là giống phản ứng với điều kiện ánh sáng ngày ngắn, chỉ gieo cấy được trong vụ Mùa. Là giống có thời gian sinh trưởng dài (145-155 ngày). Chiều cao cây: 140-150cm, dài bông 25-30cm, số hạt chắc trung bình 120-150 hạt/bông, hạt tròn, P1000 hạt 25-27g, hạt dễ rụng, phân gié cấp 2 nhiều, cứng cây, dạng cây gọn, đẻ nhánh khá. Hạt tròn, màu vàng khía nâu, có râu ngắn từng phần, mỏ hạt mầu tím, có lông trên sống vỏ trấu. Hạt gạo tròn, trắng đục, xôi dẻo, thơm, ngon. Năng suất trung bình: 40 - 45 tạ/ha. Thâm canh tốt có thể đạt cao hơn.

- Khả năng chống chịu: Chịu thâm canh và chống đổ trung bình. Chống chịu bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, rầy nâu trung bình, dễ bị sâu đục thân.

Ảnh: Cánh đồng lúa Nếp hạt cau tại bản Thường Xung, huyện Nho Quan

III. Kỹ thuật canh tác:

1. Thời vụ:

- Gieo mạ: gieo mạ từ 15/6- 30/6 ( tùy từng địa phương bố trí thời gian gieo cho hợp lý)

- Cấy:  cấy từ 5/7 - 25/7 (dương lịch).

2. Kỹ thuật làm mạ:

2.1. Ngâm, ủ hạt giống:

- Lượng hạt giống: tùy theo trình độ thâm canh và tập quán canh tác của các địa phương lượng giống dùng cho 1 ha từ 50kg (tương đương 1,8 kg cho một sào)

Ngâm hạt giống từ 24 - 36 giờ, cứ 8 giờ thay nước một lần, sau đó mang ủ tại nơi thoáng mát, khi lúa nứt nanh (gai dứa) thì mang đi gieo.

2.2. Phương thức làm đất gieo mạ:

- Đất gieo mạ: Chọn ruộng có thành phần cơ giới nhẹ, đất cát pha, chân đất cao dễ tiêu thoát nước, tránh úng ngập khi mưa lớn.

- Làm đất: Đất cày, bừa ngả sớm, bừa nhuyễn, bằng phẳng, nhặt sạch cỏ, lên luống rộng 1,0 - 1,2m, cao 20 - 25cm, rãnh rộng 20 - 30cm, mặt luống hơi vồng để dễ thoát nước. Phân bón: 360 kg phân chuồng hoai mục + 20 kg supe lân/sào mạ.

- Mạ được gieo tập trung thành vùng để thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ

3. Kỹ thuật cấy lúa:

3.1. Làm đất: Ruộng cấy cần phải cày lật sớm, ruộng làm dầm phải giữ nước, cày sâu, bừa kỹ làm đất nhuyễn, sạch cỏ dại, mặt ruộng bằng phẳng để thuận lợi cho việc điều tiết nước.

3.2. Kỹ thuật cấy:

- Tuổi mạ khi cấy: 30-40 ngày

- Mật độ cấy:

+ Đối với vùng Nho Quan, Gia Viễn: mật độ cấy từ 50-55 khóm/m2, cấy 1-2 dảnh/khóm.

+ Đối với vùng thâm canh tốt (Kim Sơn, Hoa Lư): mật độ cấy từ 25-30 khóm/m2, cấy 1-2 dảnh/khóm.

Sau khi cấy cần giữ mực nước trên ruộng từ 3 - 5cm để lúa nhanh bén rễ hồi xanh.

4. Phân bón và phương pháp bón phân:

Bảo đảm nguyên tắc bón cân đối, hợp lý, bón tập trung, bón sớm và bón sâu. Cách bón và liều lượng bón căn cứ vào độ phì của đất và diễn biến thời tiết cụ thể.

- Lượng phân bón tính cho 1 sào (360m2) như sau: Phân vi sinh 25 kg; đạm urê 9 kg, supe lân 25 kg, kaliclorua 6 kg.

- Phương pháp bón phân:

+ Bón lót: Toàn bộ vi sinh, phân lân, 3 kg đạm, 1kg kali trước khi bừa cấy.

+ Bón thúc lần 1:   4 kg đạm, 2 kg Kali  (khi lúa bắt đầu đẻ nhánh).

+ Bón thúc lần 2:   2 kg đạm (sau thúc 1 từ 7-10 ngày).

+ Bón thúc lần 3:   3 kali (nuôi đòng).

5. Điều tiết nước:

Chú ý điều tiết nước để phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa, để đảm bảo cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt đạt được năng suất cao.

6. Phòng trừ sâu bệnh

6.1 Sâu đục thân 2 chấm:

Biện pháp phòng trừ: Khi mật độ trứng 0,3 - 0,5 ổ/m2 (giai đoạn đẻ nhánh), 0,2 - 0,3 ổ/m2 (giai đoạn làm đòng - trỗ bông), phun một trong các loại thuốc sau: Dupon Prevathon 5SC. Virtako 40 WG, Regent 800WG, Tango 800WG.

6.2. Sâu cuốn lá nhỏ:

 Biện pháp phòng trừ: Khi mật độ sâu non 50 con/m2 (giai đoạn đẻ nhánh), 20 con/m2 (giai đoạn làm đòng - trỗ bông), phun một trong các loại thuốc sau: Virtako 40 WG, Regent 800WG.

6.3. Rầy nâu:

 Biện pháp phòng trừ: Khi mật độ rầy > 3.000 con/m2, phun một trong các loại thuốc sau: Panalty Gold 50EC, Chess 50WG, Superista 25EC, HiChes 50WG.

IV. Thu hoạch, bảo quản:

Khi lúa chín 85 - 90%, có thể tiến hành thu hoạch, thu hoạch vào ngày thời tiết khô ráo. Sau khi thu hoạch phơi khô và đưa vào bảo quản.

Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.