Cây Cà chua là có giá trị kinh tế và gía trị dinh dưỡng cao. Về thành phần dinh dưỡng, quả cà chua chứa rất nhiều các Vitamin như: C, B1, B2, PP, Ca, Fe…, Glucid, Protid, ngoài ra trong quả còn chứa Lipit, các axit hữu cơ, các nguyên tố vi lượng và một số đường như: Gluco, fructo, sacaro. Cà chua là loại trái cây có khả năng chống lão hóa mạnh nhất, vì trong quả có chứa nhiều hàm lượng Licopen là chất không bị mất đi khi nấu chín. Quả cà chua là loại rau có giá trị sử dụng cao, từ quả cà chua người ta có thể ăn sống, nấu chín, chế biến thành các dạng sản phẩm khác nhau như: nước quả, bột cà chua, cà chua muối, tương cà chua….Những năm gần đây với những tiến bộ khoa học mới về giống, khả năng kháng sâu bệnh đã làm cho diện tích cà chua tăng lên đáng kể, đặc biệt là các giống cà chua chịu nóng được lai tạo đã giúp cho việc trồng cà chua vào các vụ Xuân- Hè- Thu được thuận lợi, do đó sản phẩm cà chua có thể cung cấp cho thị trường quanh năm cũng như cho các nhà máy chế biến.
1. Thời vụ
Hiện nay với những tiến bộ khoa học mới về các giống cà chua kháng sâu bệnh, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh tốt, do vậy thời vụ cà chua có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên để đạt năng suất chất lượng cao, cây cà chua có 4 thời vụ phổ biến sau:
- Vụ sớm: Gieo tháng 7-8, thu hoạch vào cuối tháng 10 đến tháng 12. Đối với một số giống cà chua chịu nhiệt, có thể gieo từ 15/6 và cho thu hoạch đầu tháng 10
- Vụ chính: Gieo từ giữa tháng 9 đến tháng 10, thu hoạch từ cuối tháng 12 đến cuối tháng 3 năm sau.
- Vụ muộn: Gieo từ tháng 11-12, thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 4 năm sau
- Vụ xuân hè: Gieo từ tháng 1-2, thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 6
2. Chuẩn bị đất trồng
2.1. Chọn đất
Cây cà chua là cây ưa thâm canh và rất mẫn cảm với bệnh, do đó để đảm bảo cây cà chua sinh trưởng phát triển tốt, đạt năng suất cao cần phải chọn đất phù hợp. Cà chua có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, tuy nhiên thích hợp nhất là đất thịt pha cát chứa nhiều mùn, đất phù sa, đất bồi ven sông, giữ ẩm và thoát nước tốt, có độ PH = 5,8 - 6,5. Tránh trồng trên chân ruộng đã trồng các cây họ cà như: Cà tím, cà pháo, ớt, thuốc lá…và khoai tây trong nhiều vụ liên tiếp, tốt nhất là nên trồng trên đất sau vụ lúa, ngô, đậu tương và một số loại cây rau ăn lá. Không nên trồng cà chua trên đất quá chua, nếu đất chua cần phải bón vôi khi bón lót (khoảng 0,5 tấn/ha) và bón kèm theo vôi mỗi khi bón thúc (1-2 lần trong cả vụ).
2.2. Làm đất
Trước khi đánh cây con đem trồng 1 -2 ngày cần phải hoàn chỉnh xong các luống trồng. Đất trồng cà chua cần phải được cày bừa kỹ, đất phải tơi nhỏ, xốp, nếu đất chua nên bón vôi kết hợp với cày bừa (khoảng 0,5 tấn vôi/ha). Sau đó lên luống:
- Luống đôi với các giống chín muộn luống rộng 1,4-1,5m, cao 20-30cm. Với các giống chín sớm có thể làm luống nhỏ hơn, rộng khoảng 1,2m và trồng dầy hơn.
- Luống đơn với các giống chín muộn luống rộng 1m, cao 20-30cm. Với các giống chín sớm có thể làm luống nhỏ hơn, rộng khoảng 0,8m và trồng dầy hơn.
Chú ý: Tất cả các vụ trồng cà chua kể cả mùa mưa hay mùa kho hanh cần phải đảm bảo thoát nước tốt. Đặc biệt đối với vụ chính trồng trên đất 2 lúa rãnh thoát nước cần phải làm rộng và luống phải cao.
3. Kỹ thuật gieo trồng
3.1. Ươm cây con
Vườn ươm cây cà chua cũng yêu cầu như một số loại rau khác. Đất để làm vườn ươm hoặc trong bầu phải là đất sạch bệnh, đã lâu không được trồng cây họ cà, đất được phơi khô dưới nắng nhiều ngày để khử khuẩn, sau đó được đập nhỏ, loại bỏ rác, gốc cỏ dại và đất cục to chỉ để lại đất nhỏ mịn. Lượng giống gieo cần 1,5 - 2g/m2, để trồng 1ha ruộng sản xuất cần gieo khoảng 200 – 300g giống với diện tích khoảng 150 - 180m2. Trước khi đem gieo cần ngâm ủ hạt giống bằng nước 540C (3 sôi-2 lạnh) trong 3-4 giờ và ủ để hạt nứt nanh rồi mới đem gieo để hạt giống được mọc đều. Thông thường có 2 cách làm vườn ươm phổ biến đó là làm trên luống và làm trên bầu như sau:
- Đối với vườn ươm trên luống, lên luống rộng 1 - 1,2m, cao 20-30cm, thoát nước tốt, đất phải được làm kỹ nhỏ mịn, mặt luống phẳng. Trước khi lên luống cần trộn 4 – 5kg phân chuồng hoai mục + 20g Đạm + 50g Lân + 30g Kali + Basudin để trừ dế và kiến cho 1 m2, đảo đều trước khi lên luống mục đích chủ yếu là cung cấp dinh dưỡng cho cây con sau khi mọc ở giai đoạn vườn ươm. Sau khi lên luống có thể dùng 2 cách gieo: gieo vãi hoặc gieo theo hàng
Sau khi gieo xong luống ươm cây con cần phải được che bằng lưới trong để đảm bảo giảm đi sức nóng đồng thời vẫn giữ được ánh sáng chiếu vào (không được dùng lưới đen để che) và bảo vệ cây con khỏi bị khi mưa to, đặc biệt trong vụ cà chua sớm
Chăm sóc cây con: Sau khi gieo được 3 – 4 ngày hạt bắt đầu mọc mầm, bỏ lớp rơm rạ phủ trên để cây được phát triển bình thường đồng thời tiên cho chăm sóc. Trong giai đoạn cây con trên vườn ươm cần thường xuyên kiểm tra theo dõi sâu bệnh và che chắn bảo vệ khỏi ốc sên, chim, chuột, gà, chó, mèo phá hoại gây hỏng khuyết cây con. Đối với vụ sớm trong giai đoạn cây con cần chú ý tiêu úng kịp thời khi mưa to, với vụ muộn và vụ xuân hè giai đoạn này cần thường xuyên cung cấp đủ nước và che chắn tốt để chống rét, nếu gặp thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài có thể pha thêm 0,3kg Supe lân/m2 hoà với nước tưới để tăng khả năng chống rét.
3.2. Khoảng cách và mật độ trồng
- Đối với các giống sinh trưởng vô hạn hàng cách hàng 70cm, cây cách cây là 40cm. Mật độ khoảng 35.000 cây/ha
- Đối với các giống sinh trưởng bán hữu hạn hàng cách hàng 70cm, cây cách cây là 35cm. Mật độ khoảng 35.000 cây/ha
- Đối với các giống sinh trưởng hữu hạn hàng cách hàng 70cm, cây cách cây là 30cm. Mật độ khoảng 47.000 cây/ha
Chú ý: Khi trồng trên luống đôi nên trồng theo kiểu so le nanh sấu giữa các cây
3.3. Phân bón
- Lượng bón cho 1 sào: Phân chuồng 500 - 700kg + Đạm Urê 10 – 12kg + Lân 20 – 25kg + Kali 10 - 11kg
- Cách bón:
+ Bón lót: 100% P/C + 100% Lân + 2kg Đạm + 2kg Kali trộn đều bón theo hố trồng
+ Bón thúc: Lần 1 (Khi cây bén rễ): 1 - 2kg Đạm + 1 - 2kg Kali, hoà loãng với nước tưới vào gốc; Lần 2 (Khi cây ra nụ): 2 - 3kg Đạm + 2kg Kali, bón quanh gốc kết hợp vun xới cao vào gốc; Lần 3 (Khi cây ra quả rộ): 3kg Đạm + 3 kg Kali, bón quanh gốc kết hợp vun xới cao vào gốc; Lần 4 (Sau khi thu quả đợt 1): 2kg Đạm + 2kg Kali, bón quanh gốc kết hợp vun xới nhẹ vào gốc.
Trong kỹ thuật trồng cà chua nên cần chú ý đặc tính ra rễ bất định của cây để kết hợp bón phân và vun cao vào gốc, tạo điều kiện cho các rễ bất định phát triển, sẽ giúp cho cây khỏe hơn và hút được nhiều dinh dưỡng hơn. Chú ý các giai đoạn ra hoa, quả và thu hoạch cần bón phân kịp thời. Sau mỗi lần thu hoạch nếu thấy cây có khả năng thiếu dinh dưỡng thì cần bón thúc nhẹ cho cây.
3.4. Chăm sóc
a. Làm giàn
Hầu hết các giống trồng trong sản xuất hiện nay đều là các giống cà chua lai sinh trưởng phát triển khoẻ, do vậy để đạt được năng suất cao cần phải làm giàn cho cây khỏi đổ ngã, đồng thời việc chăm sóc được dễ dàng, thời gian thu trái kéo dài, tránh bệnh thối trái do chạm đất, cây ít bị nhiễm sâu bệnh.
Tuỳ theo giống cà chua có dạng hình sinh trưởng hữu hạn, bán hữu hạn hay vô hạn mà làm giàn cao hay thấp cho phù hợp. Vật liệu dùng để cắm giàn có thể dùng tre, luồng, nứa... Sau trồng khoảng 25 ngày thì bắt đầu tiến hành cắm giàn, lúc này cây cà chua bắt đầu phân cành và phát triển mạnh về chiều cao, công việc buộc cây lên dàn cần phải được làm thường xuyên trong suốt quá trình cây sinh trưởng, chú ý khi buộc cây lên dàn cần buộc theo kiểu số 8 để tránh làm dập nát thân cây khi buộc. Cách cắm: Dùng các cọc đã được chuẩn bị sẵn, cắm dọc theo 2 bên hàng cà chua, sau đó dùng dây nilon buộc cố định các đầu cọc 2 bên với nhau theo hình chữ A và được giằng với nhau bởi 2 thanh ngang bên sườn, 1 thanh trên đỉnh chữ A.
Ảnh: Làm giàn cho cây cà chua
b. Tỉa cành
Để dễ kiểm soát sâu bệnh, giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả, tạo cho quả thương phẩm đồng đều, kéo dài thời gian thu hoạch để nâng cao năng suất. Việc tỉa cành bắt đầu thực hiện khi cành còn non có độ dài khoảng 2 - 4cm. Dùng tay kéo nhẹ cành con gẫy rời khỏi nách lá. Nếu để cành con quá dài và già thì sau khi tỉa vết thương ở nách lá sẽ lớn, làm cho nguồn bệnh rễ xâm nhập vào cây. Nên thường xuyên tỉa cành vào buổi sáng của những ngày nắng ráo, không nên tỉa cành vào những ngày mưa là vết thương sẽ lâu khô rễ bị nhiễm bệnh. Chú ý không nên dùng dao, kéo hoặc móng tay để bấm hay cắt trồi vì đấy chính là vật trung gian lây truyền bệnh, đặc biệt bệnh virut xoăn lá.
- Đối với những giống cà chua có dạng hình sinh trưởng hữu hạn và bán hữu hạn: Tỉa bỏ những cành gần gốc, những cành yếu, sâu bệnh chỉ để lại 3 cành cấp 1 dưới chùm hoa thứ nhất
- Đối với những giống có dạng hình sinh trưởng vô hạn: Tỉa bỏ các cành sát gốc, chỉ để lại 2 cành cấp 1 (1 cành chính và 1 cành phụ) dưới chùm hoa thứ nhất, sau đó để thêm 1 cành cấp 2 đầu tiêm của 2 cành cấp 1. Tỉa bỏ tất cả các cành cấp 2 mọc tiếp sau đó giúp cho cây được thông thoáng, tiện cho việc chăm sóc, phun thuốc và hạn chế sâu bệnh. Như vậy tất cả chỉ để lại 4 cành và để trên mỗi cành khoảng 5 - 6 chùm hoa. Đối với những vùng chuyên canh cà chua chỉ nên để lại 2 cành cấp 1, tuy nhiên việc để lại 2 cành sẽ dẫn đến hiện tượng quả bị dám nắng, mất phẩm chất do số lượng lá trên cây ít, ánh sáng chiếu trực tiếp vào chùm quả.
Khi cà chua được khoảng 65 - 70 ngày sau khi trồng nên ngắt bỏ ngọn để tạo điều kiện cho cây tập trung dinh dưỡng vào quả, như vậy các tầng quả trên sẽ phát triển đồng đều. Ngoài ra cần phải thường xuyên tỉa bỏ các lá già dưới gốc, lá bị sâu bệnh không có khả năng quang hợp để tạo độ thông thoáng cho ruộng và hạn chế sâu bệnh hại
c. Tưới nước
Sau khi trồng cần tưới đủ ẩm thường xuyên cho đến khi cây hồi xanh, cây cà chua cần nhiều nước nhất là thời kỳ ra hoa và phát triển quả. Giai đoạn này thiếu nước hoa khó đậu, quả ít. Nước khô hạn kéo dài thì tưới rãnh là phương pháp tốt nhất, làm tăng hiệu lực mỗi lần tưới và giữ ẩm lâu hơn, tuỳ theo điều kiện thời tiết khoảng 3-5 ngày tưới/lần. Cần chú ý thoát nước, không để nước úng lâu sẽ ảnh hưởng tới bộ rễ, gây thối rễ.
4. Thu hoạch
Từ khi hoa nở đến khi thu hoạch khoảng 45 - 70 ngày và khoảng 75-80 ngày sau khi trồng (tùy giống, thời tiết và vị trí quả trên cây). Cà chua có thể thu hoạch khi ở đáy quả chuyển sang mầu hồng, để tiếp trong nhà khoảng 1-2 ngày thì quả sẽ chín hoàn toàn. Thời gian cho thu hoạch kéo dài 30-60 ngày tùy theo giống vô hạn hay hữu hạn và điều kiện chăm sóc. Nang suất các giống cà chua lai hiện nay trung bình đạt 30-40 tấn/ha.
Đinh Thị Trang - Phòng Nghiệp vụ kỹ thuật
84/2019/NĐ-CP
Quy định về quản lý phân bón62/2019/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa31/2018/QH14
Luật Trồng trọt64/2014/NĐ-CP
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân41/2013/QH13
Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật42/2013/QH13
Luật Tiếp công dân