Thứ Năm, 21/11/2024

Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cam V2 tại Ninh Bình

Thứ Tư, 20/09/2023

1. Lựa chọn giống:

Giống cam V2 chín muộn được chọn tạo và làm sạch bệnh từ giống gốc Olinda Valencia, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống chính thức năm 2006 nhờ có các đặc tính vượt trội về sức sống, khả năng thích nghi rộng, kháng bệnh tốt, quả dễ bảo quản và bảo quản lâu trên cây, thời vụ thu hoạch có thể kéo dài, thành phần và chất lượng nước quả tuyệt hảo. Đồng thời, giống này có tính thích nghi cao, sinh trưởng phát triển thích hợp với điều kiện khí hậu và canh tác tại nhiều địa phương ở nước ta.

Lựa chọn giống trồng 2 năm tuổi, nhằm rút ngắn thời gian tạo bộ khung, tán cho cây, cây nhanh bước vào thời kỳ kinh doanh, cho năng suất cao, ổn định.

Ảnh: Cây giống cam V2

2. Thời vụ trồng cây cam V2: Thích hợp nhất trồng vụ xuân (tháng 2-3) hoặc vụ thu (tháng 8-10).

3. Mật độ trồng: 600-625 cây/ha.

4. Kỹ thuật trồng, chăm sóc cam V2

4.1. Chuẩn bị đất trồng

* Chọn đất: Đất phải giàu mùn (hàm lượng từ 2 - 2,5% trở lên) hàm lượng các chất dinh dưỡng NPK, Ca, Mg... phải đạt mức độ từ trung bình trở lên (N: 0,1 - 0,15%. P2O5 dễ tiêu từ 5- 7mg/100g. K2O dễ tiêu từ 70 – 100 mg/kg. Độ chua (pH) thích hợp là 5,5 - 6,5; Có tầng dầy từ 1 m trở lên, kết cấu xốp để giữ mầu, và thoát nước tốt, giàu mùn và các chất dinh dưỡng. Độ dốc của đất từ 3- 200 (tốt nhất là 3-80).  

* Chọn địa điểm trồng:

- Xa các vườn cây ăn quả có múi đã bị nhiễm bệnh virus hoặc tương tự virus, bệnh vi khuẩn như bệnh loét; Không trồng trên các vườn đã trồng cây ăn quả có múi cũ đã có triệu chứng tiền nhiễm tuyến trùng hoặc các bệnh nấm như Phytophthora; Không nên trồng trên các vùng quá khô hạn, xa nguồn nước tưới hoặc nơi đất trũng, khó thoát nước.

- Vệ sinh đồng ruộng: Chặt bỏ các cây có múi bị bệnh virus hoặc tương tự virus ở vùng xung quanh; Giải phóng đất sớm trước khi trồng. Nếu là đất chu kì 2 nên trồng 2-3 vụ cây họ đậu để cải tạo đất;

- Tạo cách ly không gian với các vùng xung quanh để tránh các vectors lây nhiễm bệnh: Trồng hàng cây chắn gió, tốt nhất nên trồng bạch đàn, keo tai tượng, ... Hàng cây chắn gió có thể ngăn được một số loài sinh vật hại, vectors gây bệnh và ngăn cản được những đợt gió mạnh và nóng đặc biệt là các tỉnh Bắc Trung bộ... làm giảm nhiệt độ và giảm thoát nước bề mặt khi gặp gió Tây Nam.

Nếu đất không đạt chỉ tiêu, cần có kế hoạch khắc phục, cải tạo trước khi trồng cam.

* Chuẩn bị đất trồng: Phát quang, san mặt bằng; thiết kế vườn trồng; đào hố; bón phân lót và lấp hố; các công việc khác như làm đường, mương rãnh tưới tiêu nước ...

- Đối với những đồi rừng chuyển sang trồng cây ăn quả nói chung và trồng cam V2 đều phải phát quang, thậm chí phải đánh bỏ toàn bộ rễ cây rừng và san ủi tạo mặt phẳng tương đối để cho việc thiết kế vườn được dễ dàng. Trừ những nơi đất quá dốc ( từ khoảng 100 trở lên ) sẽ áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu, nghĩa là chỉ phát quang, dãy cỏ, san lấp những chỗ quá gồ ghề sau đó thiết kế và đào hố trồng cây, còn ở những nơi đất không quá dốc hoặc bằng, sau khi phát quang, san ủi sơ bộ có thể dùng cày máy hoặc cày trâu cày bừa một lượt để vừa sạch cỏ vừa tạo cho bề mặt vườn tơi xốp ngăn được sự bốc hơi nước của vườn sau khi bị phát quang.

- Đối với các loại đất chuyển đổi khác sang trồng cam V2 cũng cần phải dọn sạch  và tạo lại mặt bằng trước khi thiết kế.

Ảnh: Vườn cam V2

* Thiết kế vườn trồng: Thiết kế vườn trồng bao gồm các nội dung công việc như bố trí lô thửa, đường đi, mương, rãnh tưới tiêu nước, bố trí mật độ, khoảng cách …

- Tuỳ theo quy mô diện tích và địa hình đất mà có thiết kế vườn trồng một cách phù hợp. Đối với đất bằng hoặc có độ dốc từ 3 – 50 nên bố trí cây theo kiểu hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tam giác ( kiểu nanh sấu ). Đất có độ dốc từ 5 – 100 phải trồng cây theo đường đồng mức, khoảng cách của hàng cây là khoảng cách của đường đồng mức. Ở độ dốc 8 –100  nên thiết kế đường đồng mức theo kiểu bậc thang đơn giản , dưới 80 có thể áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu, trên 100 phải thiết kế đường đồng mức theo kiểu bậc thang kiên cố.

- Đối với vườn diện tích nhỏ dưới 1ha không cần phải thiết kế đường giao thông, song với diện tích lớn hơn thậm chí tới 5 - 10 ha cần phải phân thành từng lô nhỏ có diện tích từ 0,5 đến 1ha/lô và có đường giao thông rộng để có thể vận chuyển vật tư phân bón và sản phẩm thu hoạch bằng xe cơ giới, đặc biệt đối với đất dốc cần phải bố trí đường

- Thiết kế lô, thửa, xây dựng hệ thống chống xói mòn, hệ thống tưới và thoát nước.

- Chọn cây ngắn ngày trồng xem thích hợp, nhất là cây họ đậu.

4.2. Kỹ thuật trồng:

* Đào hố: Đào theo đường đồng mức, kích thước hố: 70 x 70 x 70cm. Ở vùng đất có độ dốc cao cần đào hố sâu hơn, rộng hơn: 80 x 80 x 80 cm.

* Bón lót: Toàn bộ đất đào lên được trộn đều với 15 kg phân hữu cơ vi sinh + 1 – 2kg phân supe lân. Lấp hố trước khi trồng 15 - 20 ngày.

* Trồng cây: Cuốc một lỗ giữa hố trồng, đặt cây theo chiều thẳng đứng, mặt bầu cao hơn mặt đất trồng 3 - 5 cm, lấp kín đất, vun gốc thành ụ cao hơn mặt đất 10 - 15 cm. Cắm cọc giữ cây khỏi bị gió lay, tưới đậm nước, dùng rơm, cỏ mục tủ gốc giữ ẩm.

Tuy nhiên việc trồng chìm hay nổi phụ thuộc vào địa hình và độ ẩm của đất. Hết sức tránh đọng nước, úng nước gây hại cho hô hấp của bộ rễ, giảm sinh trưởng của cây mà còn tăng nấm bệnh. Trên đất trũng nên trồng nổi. Trên các thế đất khác trồng nửa chìm, nửa nổi. Trên đất khô hạn có thể trồng chìm. Đặt bầu vào hố xong, ấn chặt, cắm cọc buộc giữ cây. Tưới nước đủ ẩm cho cây. Chăm sóc cây sau khi trồng: thường xuyên tưới đủ ẩm, kiểm tra chỉnh lại cây nếu bị nghiêng ngả, vun gốc nếu bị xói lở. Khi cây trồng đã sống, các chế độ chăm sóc làm cỏ, tưới nước, phòng trừ sinh vật được tiến hành thường xuyên.

4.3. Kỹ thuật chăm sóc

* Làm cỏ: Thường xuyên làm sạch cỏ dại.

* Trồng xen: Khi cây còn nhỏ, có thể trồng xen cây họ đậu để tránh cỏ dại, cải tạo đất, khi cây trưởng thành có thể trồng xen những cây ưa ánh sáng tán xạ như: Gừng, địa liền, rau ngót... Lưu ý, chăm sóc cây trồng xen, không để cây trồng xen cạnh tranh ánh sáng, nước, dinh dưỡng với cây trồng chính.

* Kỹ thuật cắt, tỉa:

- Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản: Khi cây cao khoảng 80 - 100 cm, bấm khoảng 30 - 40 cm từ ngọn xuống. Để 3 mầm chính mọc dài khoảng 80 - 100cm, sau đó vít cong thành hình bán nguyệt đều ra các hướng khác nhau, bấm 10 - 20 cm đầu cành. Khi các mầm bất định mọc dài ra trên phần uốn cong của các cành trên, lại vít cong xuống phân bố đều theo các hướng, tạo ra bộ tán cây có nhiều cành lá, không vươn lên quá cao.

- Trong thời kỳ kinh doanh: Cắt tỉa cành sau mỗi vụ thu hoạch phải cắt bỏ những cành cành tăm, cành sinh vật, Tùy theo bộ tán rậm rạp hay quá thưa để cắt bỏ hoặc vít các cành vượt để tạo cho cây có bộ tán hợp lý.

Đối với hoa: Loại bỏ bớt những chùm hoa không có lá hoặc nhiều hoa ít lá.

Đối với quả: Loại bỏ những quả bé, dị dạng, sinh vật, quả có mầu sắc kém.

* Tưới nước:

- Trong thời kỳ cây ra hoa và sinh trưởng của quả, thường xuyên tưới giữ ẩm cho đất trồng. Không để nước đọng trong vườn sau các trận mưa. Không được để đất trên mặt vườn khô trắng.

- Trong thời kỳ quả chuyển giai đoạn từ quả xanh sang chín, và sau thu hoạch, hạn chế tưới. Lưu ý, không được để cây héo.

* Kỹ thuật bón phân:

- Lượng phân bón thúc:

Lượng phân bón hàng năm cho cây theo tuổi:

Tuổi cây (năm)

Phân hữu cơ vi sinh (kg)

Đạm ure (kg)

Lân supe (kg)

Kaliclorua (kg)

1 - 3

3-6

0,3 - 0,6

1,0 - 1,5

0,6 – 1,0

4 - 6

4-7

0,8 – 1,0

1,5 – 2,0

1,0 – 2,0

7- 10

4-8

1,0 – 1,5

2,0 – 3,0

2,0 – 3,0

> 10

>10

1,5 – 1,8

3,0 – 3,5

3,0 – 3,6

- Thời kỳ bón: Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản: bón 4 lần/năm vào các tháng 2, 5, 8 và 10.

Tổng lượng bón phân Kali thay đổi theo tuối cây như sau: Từ 1-3 năm, lượng bón 312,5 kg/ha/năm; Từ 4-6 năm, lượng bón 625 kg/ha/năm.

+ Lần 1, tháng 2 (thúc đẩy và nuôi dưỡng lộc xuân): 100% phân hữu cơ vi sinh, 50% phân lân + 25% ure + 25% Kaliclorua.

+ Lần 2, tháng 5 (thúc đẩy và nuôi dưỡng lộc hè): 50% phân lân + 25% ure + 25% Kaliclorua

+ Lần 3, tháng 8 (nuôi dưỡng quả non): 25% ure + 25% Kaliclorua

+ Lần 4, tháng 10: 25% ure + 25% Kaliclorua

Ảnh: Áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm cho vườn cam V2

*  Phòng trừ và quản lý sinh vật hại:

Ở vườn cam V2, sinh vật hại gồm một số đối tượng chủ yếu: Rệp sáp, Sâu vẽ bùa, nhện đỏ, câu cấu nhỏ, sâu đục cành, bệnh ghẻ loét … Thường xuyên theo dõi để phát hiện kịp thời các đối tượng sinh vật hại; sử dụng các biện pháp thủ công như vợt, bẫy bả để bắt và tiêu diệt trưởng thành; Khi mật độ các đối tượng sinh vật hại hoặc tỷ lệ hại cao cần sử dụng biện pháp hoá học để trừ kịp thời. Sử  dụng thuốc hóa học theo hướng dẫn của đơn vị chuyên môn về bảo vệ thực vật tại địa phương.

4.4. Thu hoạch và bảo quản

Cần thu hoạch kịp thời để không ảnh hưởng tới phẩm chất quả. Khi quả có 1/3 – 1/2 vỏ quả chuyển màu là thu hoạch được. Khi thu hái nên dung kéo cắt cuống quả, không làm xây xát vỏ quả, gãy cành. Phân loại trước khi cất giữ hoặc vận chuyển bán ngoài thị trường.

Nguyễn Quốc Huy - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật