Thứ Sáu, 04/10/2024

Tài liệu hướng dẫn sản xuất lúa theo hướng hữu cơ áp dụng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ Ba, 23/08/2022
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Bình ban hành tài liệu hướng dẫn sản xuất lúa theo hướng hữu cơ áp dụng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025

PHẦN I: MỤC ĐÍCH, PHẠM VI ÁP DỤNG, YÊU CẦU CHUNG

1. Mục đích: Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh sản xuất nông nghiệp từng bước giảm sử dụng hóa chất trong sản xuất, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp theo hướng hữu cơ là bước chuyển tiếp giữa nông nghiệp thâm canh, sử dụng nhiều hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ.

2. Phạm vi áp dụng: Áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân tổ chức sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

3. Yêu cầu về điều kiện sản xuất:

- Địa điểm tổ chức sản xuất phải nằm trong quy hoạch.

- Có đăng ký cấp mã số vùng trồng theo quy định và được cấp mã vùng trồng sau khi kết thúc vụ sản xuất thứ nhất.

4. Yêu cầu về vật tư đầu vào:

- Giống: Sử dụng giống lúa trong danh mục được phép sản xuất kinh doanh hoặc giống đặc sản bản địa của địa phương.

- Phân bón: sử dụng các loại phân được phép lưu hành sản xuất kinh doanh: Phân hữu cơ truyền thống (đã ủ hoai mục); phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng. Được phép sử dụng phân vô cơ bổ sung bằng cách kết hợp với phân hữu cơ nhưng tỷ lệ mỗi loại phân vô cơ riêng rẽ không vượt quá 10% lượng phân bón vô cơ theo sản xuất đại trà. Khuyến khích sử dụng các sản phẩm phân bón dùng để hỗ trợ tăng độ phì và ổn định đất.

- Thuốc Bảo vệ thực vật: Sử dụng thuốc BVTV trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thảo mộc, thuốc có độ độc thấp, đảm bảo thời gian cách ly ngắn, đảm bảo an toàn cho nông sản.

5. Yêu cầu về quá trình sản xuất:

- Không sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học, thuốc trừ ốc bưu vàng hóa học.

- Không sử dụng chất điều hòa sinh trưởng.

- Không bón trực tiếp phân đơn vô cơ, phân vô cơ tổng hợp.

- Sử dụng phương pháp cấy (cấy tay, cấy máy, cấy bằng công cụ kéo tay,…), không sử dụng phương pháp gieo sạ (gieo thẳng).

- Trong quá trình thu hoạch, sơ chế, bảo quản không được sử dụng hóa chất, phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

6. Yêu cầu về hệ thống giám sát và chứng nhận sản phẩm:

- Hồ sơ sản xuất: phải được lưu giữ cẩn thận, đầy đủ đảm bảo truy xuất toàn vẹn quá trình sản xuất.

- Hồ sơ, tài liệu để chứng nhận sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ do Sở Nông nghiệp và PTNT quy định và hướng dẫn; đảm bảo cho phép truy xuất nguồn gốc.

 PHẦN II: QUY TRÌNH SẢN XUẤT

1. Thời vụ: Theo lịch gieo cấy của từng địa phương nên lựa chọn trong khung thời vụ tốt nhất.

2. Ngâm, ủ hạt giống:

+ Xử lý hạt giống trước khi ngâm ủ: Để tiêu diệt nguồn bệnh trong hạt giống,  hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tạo cây khỏe hạt giống phải được xử lý để diệt trừ mầm bệnh, cũng như loại trừ hạt lép lửng, cỏ dại.

+ Ngâm hạt giống: Thời gian ngâm phù hợp theo chủng loại giống và điều kiện thời tiết từng vụ sản xuất.

+ Ủ hạt giống: Trong quá trình ủ, thường xuyên kiểm tra độ ẩm, độ ấm trong vụ Xuân và giữ ẩm, thoáng mát trong vụ Mùa, để đảm bảo hạt giống nảy mầm nhanh, khỏe và đồng đều.

Với mạ để cấy tay, cấy bằng công cụ kéo tay: Điều khiển quá trình ủ khi mộng mạ dài bằng 1/3 - 1/2 hạt thóc thì tiến hành đem gieo.

Với làm mạ khay - cấy máy: Ủ khi mộng nứt nanh thì tiến hành đem gieo (Theo quy trình gieo mạ khay-cấy máy).

3. Kỹ thuật gieo mạ:

- Mạ gieo để cấy tay, cấy bằng công cụ kéo tay: có thể làm mạ nền, mạ dầy xúc, mạ dược,... 

- Mạ gieo khay để cấy máy: Yêu cầu giá thể đạt chất lượng tốt, mật độ gieo 110g - 130g mộng/khay tùy kích thước hạt giống và tỷ lệ nảy mầm. Cần 8 - 10 khay để gieo mạ cấy cho 01 sào Bắc bộ ( 360 m2 ) (Theo quy trình gieo mạ khay-cấy máy)

- Địa điểm gieo: Lựa chọn nơi tráng nắng, tưới tiêu, chăm sóc và bảo vệ thuận tiện.

4. Làm đất: Canh tác lúa theo hướng hữu cơ không sử dụng biện pháp trừ cỏ bằng thuốc hóa học nên việc kiểm soát, hạn chế cỏ dại bằng biện pháp làm đất là chủ yếu, kết hợp với biện pháp làm cỏ thủ công.

- Đất phải được cày bừa sớm để tiêu diệt nguồn cỏ dại trên ruộng, bừa kỹ, nhuyễn, vùi sâu tàn dư cây trồng và cỏ dại.

- Mặt ruộng được làm phẳng, đồng đều bằng các biện pháp san, gạt. Đảm bảo có thể điều tiết nước đồng đều trên toàn bộ diện tích mặt ruộng tạo thuận lợi cho quá trình chăm sóc và hạn chế cỏ dại phát sinh.

- Vệ sinh mặt ruộng, bờ ruộng sạch sẽ, không còn cỏ dại. Có thể sử dụng một số chế phẩm sinh học như nấm đối kháng Tricoderma để làm tăng khả năng phân hủy tàn dư cây trồng và các chất hữu cơ trong đất, cải thiện vi sinh vật có ích trong đất, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng khỏe ngay từ đầu vụ.

5. Kỹ thuật cấy:

- Tuổi mạ cấy: Cấy mạ đúng tuổi cây nhanh bén rễ hồi xanh, sinh trưởng khỏe, đầu vụ cần chủ động khâu làm đất với phương châm ruộng chờ mạ, không để mạ già, mạ ống, cây sinh trưởng yếu, nhiều sâu bệnh hại.

Mạ nền cứng 2,5 - 3 lá

Mạ dày xúc:  3,5 – 4 lá

Mạ dược: 4,5 - 5 lá

Mạ khay - cấy máy: cấy khi mạ được 2,5 - 3 lá

- Nếu cấy tay, cấy theo băng, mỗi băng rộng từ 2 - 2,5m để tiện cho chăm sóc, cấy nông tay, thẳng hàng.

- Mật độ, khoảng cách cấy: Tùy theo chân đất, địa phương, giống lúa mà điều chỉnh cho phù hợp, giúp cây lúa sinh trưởng tốt nhất, không cấy với mật độ cao làm tăng nguy cơ nhiễm sâu bệnh của cây.

+ Với lúa cấy tay: Hàng sông là 25 - 30cm, hàng tay 15 - 20 cm, mật độ 20 - 25 khóm/m2.

+ Với cấy máy: Hàng sông cố định là 30cm, hàng tay điều chỉnh từ 14cm đến 18cm, mật độ 19 - 24 khóm/m2

Lưu ý: Có thể điều chỉnh mật độ cấy cao hơn trong điều kiện giống lúa đẻ nhánh kém và đất nghèo dinh dưỡng tuy nhiên không nên cấy với mật độ quá 35 khóm/m2.

6. Phân bón:

- Chỉ được sử dụng các loại phân được phép lưu hành sản xuất kinh doanh: Phân hữu cơ truyền thống (đã ủ hoai mục); phân hữu cơ, hữu cơ khoáng; lượng bón và kỹ thuật theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Có thể sử dụng phân vô cơ kết hợp với phân hữu cơ, tỷ lệ mỗi loại phân vô cơ không vượt quá 10% lượng phân bón vô cơ theo sản xuất đại trà.

- Dùng loại phân hữu cơ phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng của cây

- Bón đúng thời điểm cung cấp kịp thời dinh dưỡng cho cây, bón lót trước khi bừa cấy để phân vùi sâu vào đất tránh rửa trôi.

7. Tưới tiêu:

- Sau khi cấy: Thường xuyên dùy trì lớp nước trên mặt ruộng từ 3 – 5cm để tạo điều kiện cho lúa nhanh bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh sớm và đẻ nhánh tập trung, giúp cây chống chịu tốt với các điều kiện bất thuận đầu vụ nhất là chống rét. Giữ nước trên mặt ruộng còn giúp ngăn ngừa cỏ dại nảy mầm.

- Khi lúa đẻ nhánh đủ số dảnh cơ bản, tháo kiệt nước trên mặt ruộng để hạn chế nhánh vô hiệu, giúp bộ rễ ăn sâu hơn, lúa phát triển cân đối, cây lúa cứng khỏe, tăng khả năng chống chịu điều kiện bất thuận và sâu bệnh hại, tăng khả năng chống đổ, mặt khác làm ruộng thông thoáng hạn chế sâu bệnh hại.

- Khi lúa bắt đầu bước vào phân hóa đòng (bước 3) đưa nước trở lại, kết hợp với bón thúc nhằm cung cấp dinh dưỡng cho lúa phân hóa đòng thuận lợi.

- Khi lúa chín sáp: Cần tháo cạn nước để lúa chín nhanh, thuận lợi cho thu hoạch.

8. Làm cỏ, chăm sóc:

Mỗi lần bón thúc nên kết hợp với dặm tỉa đảm bảo mật độ và làm cỏ sục bùn để tăng cường oxy trong đất, giải phóng các khí độc, vùi lấp phân, giúp bộ rễ khỏe, sử dụng phân bón hiệu quả hơn.

9. Phòng trừ một số đối tượng gây hại chính.

9.1. Chuột hại:

Diệt trừ sớm ngay từ đầu vụ, phải thường xuyên, liên tục, tập trung, đồng loạt và mang tính cộng đồng. “Nhà nhà diệt chuột, người người diệt chuột”.

* Biện pháp canh tác:

- Bố trí thời vụ gieo trồng tập trung, đồng trà; cơ cấu cây trồng thích hợp.

- Không để đất hoang, cỏ mọc um tùm; hạn chế các cồn, gò mả, lùm cây giữa đồng,... vì đó là nơi ẩn nấp của chuột.

- Vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch, dọn sạch cỏ bờ vùng, bờ thửa, bờ mương trước khi gieo cấy để hạn chế nơi cư trú và thức ăn của chuột.

* Biện pháp thủ công:

- Đào bắt, hun khói, đổ nước vào hang, dùng đèn có ánh sáng mạnh để soi và diệt chuột.

- Sử dụng các loại bẫy: Bẫy sập, bẫy lồng, bẫy bán nguyệt, bẫy dính,...

* Biện pháp sinh học:

- Phát triển đàn mèo (khuyến khích nông dân nuôi mèo).

- Bảo vệ và duy trì các loại động vật là thiên địch của chuột như các loài trăn, rắn, chó, ...

- Dùng thuốc sinh học: thuốc Biorat, thuốc Dacu-M … Đặt bả khi đổ ải làm đất để tăng hiệu quả diệt chuột.

9.2. Lúa cỏ

- Sử dụng giống lúa đảm bảo chất lượng, không để giống lúa đối với ruộng đã bị nhiễm lúa cỏ từ vụ trước, loại bỏ hạt lép lửng trước khi ngâm ủ.

- Biện pháp canh tác:

+ Chuyển đổi phương thức gieo cấy

+ Những vùng có tập quán gieo vãi mà nhiễm lúa cỏ cần chuyển sang sạ hàng hoặc cấy (cấy tay hoặc cấy bằng máy) để giúp dễ dàng làm cỏ sục bùn và dễ nhận biết, loại bỏ lúa cỏ ngay từ khi cây còn nhỏ.

- Luân canh cây trồng: Những khu vực đã nhiễm lúa cỏ nặng cần luân canh lúa với cây trồng cạn hoặc cây trồng nước nhưng khác họ để dễ dàng nhận biết, loại bỏ hầu hết lúa cỏ sau 1-2 vụ.

- Phòng chống lúa cỏ khi làm đất:

+ Khi cho nước vào ruộng để làm đất cần đặt lưới chắn hạt lúa cỏ tại đầu đường dẫn nước vào ruộng; nếu có lúa cỏ, hạt thóc lép, lửng trôi dạt vào góc ruộng thì vớt ra khỏi ruộng và tiêu hủy.

+ Những ruộng bị nhiễm nặng lúa cỏ ở vụ trước: Lấy nước, lồng bừa nông, san phẳng rồi rút cạn nước ruộng (như gieo mạ) để nhử lúa cỏ nảy mầm. Khi cây lúa cỏ có 3-5 lá đưa nước vào cày lật úp, làm đất nhuyễn để diệt lúa cỏ ngay khi còn non. Biện pháp này cần làm lặp lại 2-3 lần sẽ diệt được hầu hết hạt lúa cỏ bị vùi trong đất.

- Ngăn chặn lây lan lúa cỏ theo máy móc: Vệ sinh máy gặt, máy cày để hạt lúa cỏ không theo máy móc lây lan sang khu ruộng khác, từ vùng bị nhiễm sang vùng không bị nhiễm.

- Nhổ, khử lúa cỏ sau khi mọc:

+ Giai đoạn lúa đẻ nhánh - phân hóa đòng:

Đối với lúa cấy hoặc sạ hàng: Làm cỏ kết hợp xục bùn bằng tay, bằng dụng cụ hoặc bằng máy đồng thời diệt được lúa cỏ mọc ngoài khóm, ngoài hàng lúa.

Đối với lúa gieo sạ: Đi theo từng lối hoặc băng, quan sát kỹ và nhổ bỏ những cây lúa có đặc điểm khác với giống lúa trồng về kiểu hình (màu sắc thân, màu sắc lá, chiều cao cây, góc lá, độ rộng phiến lá, …).

+ Giai đoạn lúa đòng - trỗ: Cắt các bông lúa cỏ khi mới trỗ - ngậm sữa; riêng bông lúa cỏ chắc xanh - chín phải cắt cho vào túi tránh rơi vãi hạt và đem tiêu hủy (cho gia cầm ăn hoặc đốt). Tuyệt đối không được để bông lúa cỏ đã sắp chín - chín trên ruộng, bờ ruộng hoặc vứt xuống kênh mương dẫn nước.

- Biện pháp sinh học: Khi gặt xong đưa vịt vào ruộng để ăn các hạt lúa rụng trên ruộng trong đó có cả hạt lúa cỏ; Những ruộng nhiễm nặng lúa cỏ không cho thu hoạch cần tiêu hủy toàn bộ ruộng (bằng cách cắt cho gia súc ăn hoặc cày vùi), chậm nhất trước khi những bông lúa cỏ trỗ đầu tiên vào giai đoạn ngậm sữa. Khi cày vùi có thể sửdụng các chế phẩm vi sinh để nhanh phân hủy rơm rạ và hạt lúa cỏ.

- Biện pháp hóa học: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vât.

9.3. Ốc bươu vàng:

- Cắm cọc, trà ở những chỗ nước chảy, vùng nước sâu để ốc đẻ trứng sau đó thu lượm và diệt trứng ốc.

- Dùng lá sắn, sơ mít đặt ở đầu ruộng nơi trũng nước ... làm bẫy dẫn dụ cho ốc bám vào sau đó tiến hành thu lượm ốc.

- Trên những ruộng đã gieo cấy: Thường xuyên tiến hành bắt ốc và cấy dặm lại những dảnh bị ốc hại nhằm đảm bảo mật độ trên đơn vị diện tích.

9.4. Cỏ dại: Cày bừa kỹ để diệt cỏ dại trước khi cấy, làm đất nhuyễn, phẳng và điều tiết nước hợp lý để hạn chế cỏ dại. Nếu sau cấy có cỏ dại xuất hiện thì tuyệt đối không được dùng thuốc trừ cỏ hoá học. Biện pháp tốt nhất và hiệu quả nhất là biện pháp thủ công, làm cỏ sục bùn bằng tay hoặc các công cụ làm cỏ.

9.5. Sâu đục thân hai chấm: Phun trừ trên những ruộng có mật độ ổ trứng ≥ 0,5 ổ/m2 (trên mạ); ≥ 0,3 ổ/m2 (trên lúa). Giai đoạn mạ, lúa đẻ nhánh, phun thuốc khi sâu non nở rộ (tuổi 1); Giai đoạn đòng - trỗ bông, phun thuốc khi lúa trỗ thấp tho khoảng 3 - 5% số bông. Sử dụng thuốc có thời gian cách ly ngắn như: Dupont prevathon 5SC, Voliam targo 063SC…

Chú ý: Những diện tích có mật độ ổ trứng ≥ 1 ổ/m2 phải phun kép 2 lần (lần 1 khi sâu non bắt đầu nở rộ, lần 2 sau lần 1 từ 5 - 7 ngày).

9.6. Sâu cuốn lá nhỏ:

- Giai đoạn lúa đẻ nhánh: Phun trừ khi mật độ sâu non ≥ 50 con/m2

- Giai đoạn đòng:  Phun trừ khi có mật độ sâu  ≥ 20 con/m2

- Phun trừ khi sâu non tuổi 2 rộ bằng một trong các loại thuốc trừ sâu thảo mộc như: Sokupi 0,5 SL; Sakumec 0.36EC… hoặc các thuốc có hoạt chất  Abamectin, Emamectin benzoate...

Chú ý: Nếu mật độ sâu non ≥ 200 con/m2  thì phải áp dụng các biện pháp phòng trừ theo thông báo, hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV để đảm bảo năng suất.

9.7. Rầy nâu, rầy lưng trắng:

Sử dụng Nấm xanh Metarhizium Anisopliae để hạn chế mật độ rầy các lứa, giảm nguy cơ bộc phát rầy cuối vụ và không làm ảnh hưởng đến các loài thiên địch. Là sản phẩm an toàn giúp bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Ngoài ra, sử dụng các thuốc trừ rầy có độ độc thấp, thời gian cách ly ngắn: Applaud 10WP, Palano 600WP…

Chú ý: Nếu mật độ rầy quá cao (≥ 2.000 con/m2) thì phải áp dụng các biện pháp phòng trừ theo thông báo, hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV để đảm bảo năng suất.

9.8. Bệnh đạo ôn:

* Đối với bệnh đạo ôn lá: Những ruộng đã bị bệnh cần dừng ngay việc bón các loại phân và giữ mực nước trong ruộng từ 2 - 3 cm; Đối với những ruộng bị bệnh nặng cần loại bỏ các lá bị bệnh nặng mang tiêu huỷ, sau đó mới tiến hành phun thuốc. Sử dụng các loại thuốc: Kabim 30WP, Bemsai 262WP,…thuốc sinh học như: Biobus 1.00 WP,...

* Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: Phun phòng trên những ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá, giống nhiễm, ruộng xanh tốt, gần nguồn bệnh. Phun pḥòng khi lúa thấp tho trỗ từ 3 - 5% số bông bằng thuốc trừ bệnh: Kabim 30WP, Kasumin 2SL… thuốc sinh học Biobus 1.00 WP, ...

Chú ý: Không nên sử dụng các giống nhiễm bệnh nặng: Nếu tỷ lệ bệnh đạo ôn lá cao thì phải áp dụng các biện pháp phòng trừ theo thông báo, hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV để đảm bảo năng suất.

9.9. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn:

- Bón phân cân đối, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) tạo cho cây lúa khoẻ để tăng tính chống chịu của cây lúa đối với bệnh.

- Hạn chế sử dụng các giống nhiễm bệnh ở vụ mùa như: Bắc thơm số 7, LT2, Thiên Ưu 8, TBR 225, ...

- Khi ruộng xuất hiện bệnh dừng bón tất cả các loại phân và luôn giữ đủ nước trong ruộng.

9.10. Bệnh khô vằn: Phun trừ trên những ruộng có tỷ lệ bệnh ≥ 10% số dảnh bằng một trong các loại thuốc trừ bệnh sinh học sau: Valivithaco 5SL; Vacin 1,5SL, 5SL; Tungvali 3SL, 5SL, 5WP; Vilidan 3SL, 5WP, ... hoặc sử dụng nấm đối kháng Trichoderma viride 1% (nồng độ, liều lượng như hướng dẫn trên bao bì).

9.11. Bệnh lùn sọc đen phương Nam:

* Biện pháp canh tác:

- Vệ sinh đồng ruộng: Cày vùi gốc rạ ngay sau thu hoạch lúa ở các vụ sản xuất để ngăn ngừa lúa chét, lúa tái sinh; dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, tàn dư cây bệnh để hạn chế nơi cư trú của rầy và tiêu diệt nguồn bệnh, đặc biệt là tại các vùng đã có dịch. Những ruộng đã bị bệnh lùn sọc đen gây hại không cho thu hoạch cần tiêu hủy, dọn sạch tàn dư cây bệnh trước khi cày lật đất, nếu có mật độ rầy lưng trắng cao phải phun trừ rầy khi cày vùi để tiêu hủy triệt để nguồn bệnh trên đồng ruộng.

- Bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, thời gian cách ly giữa vụ Đông Xuân và vụ Mùa trong khung thời vụ cho phép và không làm ảnh hưởng đến vụ Đông để cắt cầu nối truyền bệnh và có đủ thời gian để vệ sinh đồng ruộng.

- Bón phân cân đối, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI), kỹ thuật phòng trừ tổng hợp IPM để tăng tính chống chịu của cây lúa đối với dịch hại.

* Phòng trừ rầy môi giới, bảo vệ mạ:

- Đối với vụ Đông xuân: Che phủ nilon cho mạ để che chắn rầy di trú kết hợp với chống rét.

- Đối với vụ Mùa: Không nên gieo mạ ở gần ruộng lúa tránh rầy di chuyển sang mạ và truyền virus, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện bệnh trên mạ, tùy theo mức độ nhiễm bệnh, tiến hành tiêu hủy cả luống hoặc cả ruộng và gieo bổ sung mạ nếu thời vụ cho phép.

* Trừ bệnh khi lúa xuất hiện bệnh:

- Giai đoạn lúa từ gieo cấy – đứng cái:

+ Nhổ, vùi những cây lúa bị bệnh, cấy dặm lại bằng cây lúa khỏe;

+ Phun trừ rầy bằng thuốc nội hấp trên những ruộng nhiễm bệnh và các ruộng xung quanh.

- Giai đoạn lúa từ phân hóa đòng trở đi:

Nếu ruộng lúa bị bệnh thì tiến hành nhổ và tiêu huỷ cây lúa, khóm lúa bị bệnh. Phun thuốc trừ rầy lưng trắng để hạn chế lây lan nguồn sang ruộng khác. trên những ruộng có mật độ 3 con/dảnh (tương ứng với mật độ 1.500 con/m2 bằng các loại thuốc trừ rầy phù hợp với tuổi rầy, thời kỳ sinh trưởng của cây lúa.

- Tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh:

- Tiêu hủy cả ruộng lúa khi bị bệnh nặng, khó có khả năng phục hồi và không còn khả năng cho năng suất.

- Tiêu hủy và tiến hành cấy, gieo thẳng lại nếu còn thời vụ;

- Tiêu hủy bằng cày vùi phải thực hiện ngay dù không cấy, gieo lại hoặc chuyển sang trồng cây trồng khác.  

9.12. Bệnh đen lép hạt lúa:

- Chọn giống sạch bệnh, tuyệt đối không dùng giống ở những ruộng có triệu chứng bệnh đen lép hạt.

- Trước khi ngâm ủ, hạt giống lúa phải phơi khô, quạt sạch để loại bỏ những hạt lép lửng, biến màu, xử lý bằng nước nóng 540C, sau đó ngâm trong vòng 24 - 36 giờ, vớt ra rửa sạch sau đó đem ủ./.

Vũ Thị Kim Dung - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.