Thứ Năm, 21/11/2024

Tài liệu hướng dẫn sản xuất cây ăn quả theo hướng hữu cơ áp dụng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ Năm, 25/08/2022

PHẦN I: MỤC ĐÍCH, PHẠM VI ÁP DỤNG, YÊU CẦU CHUNG

1. Mục đích: Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh sản xuất nông nghiệp từng bước giảm sử dụng hoá chất trong sản xuất, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp theo hướng hữu cơ là bước chuyển tiếp giữa nông nghiệp thâm canh, sử dụng nhiều hoá chất sang nền nông nghiệp hữu cơ.

2. Phạm vi áp dụng: Áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân sản xuất cây ăn quả theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

3. Yêu cầu về điều kiện sản xuất

- Địa điểm tổ chức sản xuất phải nằm trong quy hoạch.

- Có đăng ký cấp mã số vùng trồng theo quy định và được cấp mã vùng trồng sau khi kết thúc vụ sản xuất thứ nhất.

4. Yêu cầu về vật tư đầu vào

- Giống: Sử dụng các giống có nguồn gốc rõ ràng, được các cơ quan chức năng cho phép sản xuất, không sử dụng giống biến đổi gen.

- Phân bón: Sử dụng các loại phân được phép lưu hành sản xuất kinh doanh: Phân hữu cơ truyền thống (đã ủ hoai mục); phân hữu cơ, phân hữu cơ khoáng. Được phép sử dụng phân vô cơ kết hợp với phân hữu cơ (nhưng tỷ lệ mỗi loại phân vô cơ không vượt quá 20% lượng phân bón vô cơ theo sản xuất đại trà).

- Thuốc bảo vệ thực vật: Sử dụng thuốc BVTV trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thảo mộc, thuốc có độ độc thấp, thời gian cách ly ngắn (≤ 7 ngày), đảm bảo an toàn cho nông sản.

5. Yêu cầu về quá trình sản xuất

- Không sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học, diệt chuột hóa học.

- Không sử dụng chất điều hòa sinh trưởng.

- Không bón trực tiếp phân đơn vô cơ, phân vô cơ tổng hợp.

- Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng.

- Trong quá trình thu hoạch, sơ chế, bảo quản không được sử dụng hóa chất, phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

6. Yêu cầu về hệ thống giám sát và chứng nhận sản phẩm

- Hồ sơ sản xuất: Phải được lưu giữ cẩn thận, đảm bảo truy xuất được tính toàn vẹn trong quá trình sản xuất.

- Hồ sơ, tài liệu đảm bảo được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định và hướng dẫn; đảm bảo cho phép truy xuất nguồn gốc.

PHẦN II: QUY TRÌNH SẢN XUẤT

1. Giống

- Giống phải có nguồn gốc rõ ràng, với giống là cây con cần phải biết rõ lý lịch nơi sản xuất giống. Giống nhập nội phải qua kiểm dịch.

- Chỉ trồng cây con khỏe mạnh, không mang nguồn sâu bệnh, nên sử dụng những giống có khả năng chống chịu tốt với đối tượng sinh vật hại và thích ứng với điều kiện khí hậu tại địa phương.

- Tăng cường sử dụng giống bằng cây con, giống ghép sạch bệnh để chủ động kiểm soát chất lượng cây giống đưa vào sản xuất.

2. Thời vụ trồng

Với điều kiện thời tiết các tỉnh miền Bắc nên trồng cây ăn quả vào vào vụ xuân, T3-T4 và vụ thu T8-T10, đây là thời gian trồng thuận lợi để có tỉ lệ cây sống cao.

3. Chọn đất, làm đất, trồng cây

3.1. Chọn đất

- Chọn đất có tầng canh tác dày, tơi xốp, tưới tiêu thuận lợi, thoát nước tốt, giàu mùn.

- Thiết kế vườn trồng phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Thoát nước tốt trong mùa mưa;

+ Hạn chế và ngăn chặn sâu bệnh xâm nhiễm từ bên ngoài;

+ Chống xói mòn để giữ độ phì cho đất (đối với đất dốc);

+ Đảm bảo vườn thông thoáng, hạn chế sâu bệnh gây hại.

- Sơ đồ thiết kế vườn trồng cây: Tuỳ theo địa hình đất cao hay thấp để bố trí bề rộng, bề sâu của mương thoát nước cho phù hợp.

- Xác định mật độ trồng: Mật độ trồng phụ thuộc vào một số yếu tố như: Giống, điều kiện đất đai, chế độ chăm sóc, kỹ thuật cắt tỉa,…

3.2. Làm đất, trồng cây

- Đất phải được cày bừa kỹ, tơi xốp, thông thoáng, nhặt sạch cỏ dại và tàn dư thực vật, cần xử lý kỹ trước khi trồng để diệt trừ sinh vật hại có trong đất, có thể sử dụng vôi bột, nấm đối kháng Trichoderma và một số chế phẩm xử lý đất có nguồn gốc sinh học, không sử dụng hóa chất để xử lý đất.

- Trồng cây: Xé túi bầu cây giống, lưu ý tránh làm vỡ bầu, xới đất đặt cây giống vào vị trí đã xác định (tâm hố), cắm cọc buộc cây để tránh gió lay gốc.

+ Đào 1 hố nhỏ chính giữa hố trồng, đặt cây vào hố lấp đất vừa bằng cổ rễ hoặc cao hơn 2-3 cm. Không được lấp quá sâu, trồng xong phải tưới ngay và dùng cỏ mục ủ gốc (lưu ý phải cách gốc từ 10-15 cm để tránh sâu bệnh xâm nhập).

+ Sau trồng thường xuyên thăm vườn, duy trì độ ẩm trong khoảng 1 tháng, kịp thời trồng dặm cây chết, cây có biểu hiện sinh trưởng phát triển kém, đảm bảo mật độ trồng.

4. Phân bón

- Chỉ được sử dụng các loại phân được phép lưu hành sản xuất kinh doanh: Phân hữu cơ truyền thống (đã ủ hoai mục); phân hữu cơ, hữu cơ khoáng. Có thể sử dụng phân vô cơ kết hợp với phân hữu cơ, tỷ lệ mỗi loại phân vô cơ không vượt quá 20% lượng phân bón vô cơ theo sản xuất đại trà. Lượng bón và cách bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Tăng cường sử dụng phân hữu cơ đã được ủ hoai mục bón cho cây ăn quả. Tuyệt đối không bón các loại phân chuồng chưa ủ hoai, không dùng phân tươi pha loãng nước để tưới.

5. Chăm sóc, tưới nước

5.1. Chăm sóc

* Thời kỳ kiến thiết cơ bản (KTCB): Là giai đoạn kiến thiết nên bộ khung tán cho cây (1-2 năm sau trồng). Khâu kỹ thuật quan trọng trong giai đoạn này là cắt tỉa tạo tán.

- Cắt tỉa tạo bộ khung, tán: Khi cây đạt chiều cao, bấm ngọn tạo cành cấp 1. Sau đó, bấm ngọn cành cấp 1 để tạo cành cấp 2, bấm ngọn cành cấp 2 để tạo cành cấp 3. Tiếp tục tạo tán cho cây ở giai đoạn KTCB, chỉ để lại 3-4 cành cấp 1 phân bố tương đối đều về các hướng. Chọn cành cấp 1 khoẻ, ít cong queo, khung tán đều và thông thoáng. Trên cành cấp 1 chỉ giữ lại 3 cành cấp 2 phân bố hợp lý về góc độ và hướng. Cành cấp 3 là những cành tạo quả và mang quả cho những năm sau. Các cành này phải khống chế để chúng không giao nhau và sắp xếp theo các hướng khác nhau giúp cây quang hợp được tốt. Nếu cây ra hoa, quả thì tỉa bỏ để cây tập trung dinh dưỡng tạo khung tán.

- Bón phân:

+ Lượng phân bón cung cấp cần gia tăng dần khi cây lớn, lượng phân bón tuỳ theo tuổi của cây. Ở giai đoạn kiến thiết cơ bản nên ngâm phân để tưới.

+ Cây từ 1-3 năm sau khi trồng (cây chưa có quả - giai đoạn kiến thiết cơ bản). Mỗi năm bón 4 lần vào tháng 2, tháng 5 tháng 8 và tháng 11.

* Thời kỳ kinh doanh: Giai đoạn kinh doanh (Từ năm thứ 3 trở đi, cây bắt đầu cho quả ổn định)

- Cắt tỉa hàng năm: Thực hiện cắt tỉa đúng phương pháp và đúng thời điểm giúp cân bằng sinh trưởng cho cây, hạn chế sâu bệnh hại. Tỉa bỏ cành mọc yếu, rậm rạp, chỉ giữ lại một số cành tốt mọc từ thân, cho quả đều, hướng đầy đủ ánh sáng, như vậy cây sẽ thấp và có tán cân đối.

- Cắt tỉa sau thu hoạch: Tiến hành sau khi thu hoạch quả, cắt tỉa tất cả các cành sâu bệnh, cành chết, cành vượt, những cành quá dày, cắt tỉa bớt cành cấp 1 nếu quá dày để cây có bộ khung tán cân đối.

- Cắt tỉa đối với cành thu: Cắt bỏ những cành yếu, mọc quá dày.

- Cắt tỉa vụ xuân: Được tiến hành vào giữa tháng 1 đến giữa tháng 3 hàng năm, cắt bỏ những cành xuân chất lượng kém, bị sâu bệnh, mọc lộn xộn trong tán, những chùm hoa nhỏ, dày, dị hình.

- Cắt tỉa vụ hè: Tiến hành từ tháng 4 đến hết tháng 6, cắt bỏ những cành hè mọc quá dày hoặc yếu, bị sâu bệnh, tỉa bỏ những quả nhỏ, dị hình.

- Bón phân: Trong thời kỳ cho quả, lượng phân bón được thiết lập dựa trên năng suất của vụ trước, hoặc tuổi cây.

- Thời vụ bón: Toàn bộ lượng phân được chia làm 3 lần bón trong năm.

+ Lần 1: Bón thúc hoa;

+ Lần 2: Bón thúc quả;

+ Lần 3: Bón sau thu hoạch.

5.2. Tưới nước

- Sử dụng nguồn nước đạt tiêu chuẩn để tưới (theo TCVN về nước tưới);

- Tưới nước hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây; Lượng nước tưới và số lần tưới phải dựa vào khả năng giữ nước của đất, lượng bốc hơi và lượng mưa để quyết định, phương pháp tưới có thể là tưới bề mặt hoặc tưới nhỏ giọt,… mỗi lần bón phân cần phải tưới nước để phân có thể hoà tan tạo điều kiện cho cây hấp thụ tốt hơn.

- Thường xuyên bấm ngọn tỉa cành, tạo tán cho cây, tạo sự thông thoáng trên đồng ruộng, hạn chế các điều kiện phát sinh gây hại của sâu, bệnh;

- Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư thực vật, có thể xử lý thành phân hữu cơ để bón cho cây.

- Trong mùa mưa, không để vườn cây quá ẩm ướt, phải tạo rãnh thoát nước nhanh sau khi mưa lớn, tránh tổn thương bộ rễ.

6. Tỉa cành tạo tán

Tỉa cành tạo tán sau thu hoạch là một biện pháp kỹ thuật không thể thiếu nếu muốn có năng suất cao ở vụ sau. Cây muốn có năng suất thì diện tích lá phải lớn và các lá không che lẫn nhau. Muốn vậy phải tỉa cành tạo tán phù hợp.

Những cây mang quả tận cùng cành như nhãn, vải,… cần phải cắt cuống sâu ngay sau 1-2 lá sát chùm quả mới thu hoạch đồng thời tiến hành sửa tán; không được bẻ quá đau gây hại, chột cây.

Những cây ra quả ở nách lá (như cam, bưởi, na, quýt,…) cần cắt cành nhỏ, cành bị che khuất, cành bị sâu bệnh và những cành vươn quá xa ngoài tán để kích thích ra chồi mới. Lưu ý: Cắt sát chân cành để vết thương mau lành.

Ngoài ra việc tỉa cành tạo tán còn phụ thuộc vào tuổi cây, thông thường cứ 3 năm lại tỉa đau một lần để định hình tạo tán phù hợp với sự phát triển của bộ rễ. Việc tỉa cành tạo tán còn phụ thuộc vào thời điểm sau thu hoạch: như cây vải, nhãn, xoài,.. thu hoạch tháng 6, tháng 7, tháng 8 cần cắt tỉa ngay để cây ra lộc thu thì sang năm mới cho quả.

7. Phòng trừ sâu bệnh

7.1. Nguyên tắc chung 

Nên áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây ăn quả như:

- Sử dụng giống tốt, chống chịu sâu bệnh và sạch bệnh.

- Chăm sóc theo nhu cầu ở từng giai đoạn sinh trưởng để tạo cây khỏe.

- Thường xuyên vệ sinh vườn trồng, thu dọn tàn dư.

- Sử dụng biện pháp thủ công, các loại bẫy, bả để bắt diệt sâu, nhất là thu bắt sâu trưởng thành của các đối tượng sâu hại.

- Kiểm tra đồng ruộng phát hiện và kịp thời có biện pháp quản lý thích hợp đối với sâu, bệnh.

- Sử dụng các loại thuốc sinh học, thảo mộc, hoặc mộ số loại thuốc tự chế từ gừng, tỏi, ớt, rượu,…Hạn chế sử dụng loại thuốc BVTV hóa học, chỉ sử dụng trong điều kiện bắt buộc và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

- Thực hiện theo đúng hướng dẫn về sử dụng và thời gian cách ly của từng loại thuốc BVTV.

7.2. Phòng trừ một số đối tượng sinh vật hại chính

1. Rầy mềm, rệp sáp, sâu ăn lá: Dùng các loại thuốc dầu khoáng để trừ rầy, rệp; Sử dụng một số loại thuốc như: Soka 25EC,… để phun trừ.

2. Nhện đỏ: Làm cho lá non bị cong lại, biến dạng, cành còi cọc khô và chết, có thể phun trừ bằng thuốc Bihopper 270EC (thuốc trừ sâu sinh học hỗn hợp),… vào lúc chiều mát.

3. Sâu đục thân: Quét vôi gốc cây cao 60-70 cm vào tháng 11-12, dùng dây thép, tay mây để diệt hoặc bắt sâu non; sử dụng các loại thuốc Actamec 75EC, Aramectin 400EC, Super Fitoc 10EC tẩm bông nhét vào lỗ sâu đục, phun diệt trừ trứng sâu.

4. Ruồi đục quả: Sử dụng một số hợp chất thuốc dẫn dụ để bẫy ruồi, thu hút ruồi trưởng thành như Ento-Pro 150SL, Flykil 95EC, Vizubon D, Acdruoivang 900OL; Thực hiện biện pháp bọc quả; Sử dụng một số loại thuốc như Soka 25EC, Agiaza 4,5EC,… phun trừ.

5. Bệnh rỉ sắt: Sử dụng một số loại thuốc như Anvil 50SC, Score 50EC, Aliette 80WP,... phun trừ khi bệnh chớm xuất hiện.

6. Bệnh đốm nâu, cháy lá: Sử dụng một số loại thuốc gốc đồng như Oxyclorua đồng, Booc đô, Benlat,… phun phòng trừ để hạn chế bệnh phát triển lây lan.

* Lưu ý: Các đối tượng sâu, bệnh hại trên cây ăn quả khi phòng trừ bằng các loại thuốc thảo mộc, sinh học hiệu quả không cao thì có thể sử dụng thuốc hóa học theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn./.

Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.