Thứ Năm, 21/11/2024

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lạc

Thứ Năm, 01/09/2022

Cây lạc là cây trồng cạn, ngắn ngày có giá trị kinh tế cao trong hạt chứa nhiều chất dinh dưỡng ho vậy hạt lạc chế biến thành nhiều loại thực phẩm phục vụ đời sống hằng ngày như làm dầu ăn, bánh kẹo... Sản phảm của lạc làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm và còn là nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu tăng thu nhập làm kinh tế quốc dân. Bộ rễ cây lạc mang nhiều nốt sần chức vi khuẩn có khả năng cố định đạm nên có tác dụng cải tạo đất rất tốt, làm tăng độ phì cho đất đồng thời lá và thân cây lạc là nguồn phân hữu cơ cho cây trồng vụ sau. Những năm gần đây năng suất lạc đã được cải thiện đáng kể, nhiều giống lạc có năng suất cao được đưa vào sản xuất, cùng với nhiều biện pháp kỹ thuật được áp dụng như bón phân, tưới nước, đảm bảo mật độ trồng, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

1. CHỌN ĐẤT VÀ CHUẨN BỊ ĐẤT

a) Chọn đất

Đất có thành phần cơ giới thích hợp để trồng lạc là cát pha, thịt nhẹ, đất cát ven biển chủ động tưới và tiêu nước.

b) Chuẩn bị đất

- Vệ sinh đồng ruộng bằng cách đốt tàn dư cây bệnh, dọn sạch cỏ dại để ngăn chặn bùng phát dịch bệnh, giảm thiểu nguồn bệnh lây nhiễm ban đầu vì phần lớn các tác nhân gây bệnh đều có khả năng tồn tại trong đất và tàn dư cây bệnh sau thu hoạch.

- Yêu cầu cày sâu 20 - 25 cm, bừa nhỏ làm cho đất tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại trước khi lên luống, rạch hàng. Bón vôi vào đất trước khi gieo có tác dụng làm giảm sự xâm nhiễm của nấm bệnh gây chết cây con. Lên luống, rạch hàng:

- Đất ruộng dễ bị ngập úng: Chia luống rộng 75 - 80 cm cả rãnh, luống cao 20 - 25 cm, đảm bảo mặt luống rộng 45 - 50 cm, gieo 2 hàng dọc theo chiều dài luống, cách mép rãnh 10 - 15 cm.

- Đất ruộng thoát nước tốt: Chia luống rộng 1,3 m (gồm cả rãnh 30 cm), luống cao 10 - 15 cm, rạch 4 hàng dọc theo chiều dài luống, hai hàng rìa cách mép rãnh 10 - 15 cm.

- Vùng đất bằng phẳng, không chủ động tưới nước có thể lên luống (băng) rộng 2 - 3 m, gieo theo hàng ngang (trong trường hợp rạch hàng bằng cuốc) hoặc gieo theo hàng dọc (trong trường hợp rạch hàng bằng trâu, bò hoặc máy gieo hạt). Ở một số nơi, người dân chăng dây rạch hàng dọc bằng cuốc. Khoảng cách giữa các hàng cách nhau 25 cm.

- Đất đồi gò: Lên luống, rạch hàng theo đường đồng mức, kích thước luống tùy thuộc độ dốc sao cho hợp lý.

2. THỜI VỤ

a) Vụ Xuân

Vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ: Gieo từ tháng 2 đến 10/3.

c) Vụ Thu Đông

Vùng Đồng bằng, trung du Bắc bộ: Gieo cuối tháng 8-9

3. MẬT ĐỘ GIEO

a) Lượng giống cần cho 1 ha

Tùy thuộc vào tỷ lệ nảy mầm, mùa vụ gieo, phương pháp gieo (có che phủ nilon hay không) và giống lạc mà cần lượng giống khác nhau. Nếu hạt có tỷ lệ nảy mầm đạt trên 85% và giống lấy từ lạc vụ Xuân thì lượng hạt giống là 220 - 250 kg/ha; còn nếu giống lấy từ vụ Hè Thu hoặc Thu Đông là thì lượng giống là 170 kg - 200 kg.

b) Mật độ, khoảng cách

Mật độ trung bình từ 33 - 35 cây/m2, hàng cách hàng: 25 - 28 cm, cây cách cây 10 - 12 cm nếu gieo 1 hạt/hốc; nếu gieo 2 hạt/hốc thì cây cách cây 18 - 20 cm.

4. CÁCH GIEO

- Gieo theo hàng, gieo hạt ở độ sâu 3-4 cm. Sau khi gieo lấp lớp đất mỏng lên hạt.

- Đất ruộng dễ bị ngập úng: Gieo 2 hàng dọc theo chiều dài luống, hàng cách hàng 22-25 cm, hốc cách hốc 17-18 cm, gieo 2 hạt/hốc hoặc gieo 1 hạt/hốc với khoảng cách hốc 8-10 cm.

- Đất ruộng thoát nước tốt: 4 hàng dọc theo chiều dài luống, hàng cách hàng 20 cm, hốc cách hốc 18-20 cm gieo 2 hạt/hốc hoặc gieo một hạt/hốc với khoảng cách hốc 10-12 cm.

- Vùng đất bằng phẳng, không chủ động tưới nước: Khoảng cách giữa các hàng 25 cm, hốc cách hốc 10 cm, gieo 1 hạt/hốc.

- Đất đồi gò: Hàng cách hàng 25-30 cm và cây cách cây 8-10 cm.

5. BÓN PHÂN

a) Lượng phân bón cho 1 ha

Phân chuồng hoai mục: 10-15 tấn, trong trường hợp khan hiếm phân chuồng thì dùng phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh thay thế với liều lượng 1,5-2 tấn/ha; vôi bột: 500-600 kg; đạm urê 46% N: 80-100 kg, kali clorua 60% K20: 120-150 kg, lân supe 18% P205: 500-700 kg.

Lưu ý: Liều lượng phân bón có thể điều chỉnh cho phù hợp với đồng đất của địa phương. Trong trường hợp đất có độ phì khá, sử dụng giống lạc địa phương thì dùng mức thấp nhất. Đất xấu, sử dụng giống mới bón lượng tối đa theo khuyến cáo. Nếu sử dụng phân NPK tổng hợp thay thế phân đơn có thể bón với lượng 1.000 - 1.500 kg NPK (3-9-6) tùy từng chân đất và điều kiện mùa vụ.

b) Cách bón phân

Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh, lân và ½ lượng vôi bột trước khi bừa đất lần cuối.

Trong điều kiện có che phủ nilon: Đạm và Kali trộn đều bón trước khi lên luống, rạch hàng. 1/2 lượng vôi bột còn lại bón sát gốc lúc lạc đâm tia. Lưu ý, nếu đất chua, hoạt động cố định đạm của vi khuẩn nốt sần kém thì bón lượng vôi nhiều hơn và chia ra làm nhiều lần bón.

Trong điều kiện không che phủ nilon: ½ lượng đạm và kali trộn đều bón trước khi lên luống, rạch hàng. Bón thúc ½ lượng đạm và kali còn lại vào thời điểm xới xáo trước ra hoa. Lưu ý, không bón phân đạm và kali sát gốc. ½ lượng vôi bột còn lại bón vào lúc lạc đâm tia, kết hợp vun cao gốc.

6. CHĂM SÓC

a) Xới xáo (dùng cho lạc trồng không che phủ nilon)

Xới lần 1 (phá váng): Khi cây có 2 - 3 lá thật (sau mọc 10-12 ngày).

Xới cỏ lần 2: Khi cây có 6-7 lá thật (trước khi ra hoa). Bón thúc đạmvà kali lần 2, sau đó xới sâu 5-6 cm vừa có tác dụng vùi phân vừa có tác dụng làm đất tơi xốp. Lưu ý, không vun gốc. Xới cỏ lần 3 kết hợp vun gốc sau khi hoa rộ 7-10 ngày, kết hợp bón vôi.

Lưu ý: Trồng lạc theo kỹ thuật che phủ nilon không cần xới xáo, làm cỏ nhưng cũng chú ý vét cỏ rãnh nếu có.

b) Tưới nước (Áp dụng cho cả che phủ nilon và không)

Thời điểm gieo hạt, đất cần đủ ẩm để lạc mọc nhanh và đều, nên căn cứ vào độ ẩm đất để quyết định điều tiết nước. 20 ngày đầu sau mọc, độ ẩm đồng ruộng chỉ cần 60 - 65% để giúp lạc phát triển bộ rễ tốt hơn. Sau mọc 20 - 30 ngày thường xuyên giữ ẩm đất ở 70 - 75% độ ẩm đồng ruộng. Đặc biệt lưu ý, 2 giai đoạn cây lạc cần đủ nước là khi cây ra hoa (cây có 6 - 7 lá) và thời kỳ làm quả, hạt (sau hoa rộ 30 ngày). Tưới ngập 2/3 rãnh, để nước ngấm đều rồi tháo cạn.

Đinh Thị Trang - Chi cục Trồng trọt và BVTV.