Thứ Sáu, 04/10/2024

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CHUỐI

Thứ Hai, 05/09/2022

1.1. CHUẨN BỊ ĐẤT VÀ NHÂN GIỐNG CHUỐI

a) Chuẩn bị đất

Chọn loại đất thịt nhẹ, đất phù sa, đất thoáng có cấu tượng tốt và độ xốp cao hoặc những vùng đất cao, dễ thoát nước như đất đồi. Về hóa tính đất, chuối rất cần các chất khoáng trong đất như N, P, K, Ca, Mg, trong đó hai yếu tố chính là N và K. Chuối mọc bình thường trong đất có pH từ 4,5 - 8, tốt nhất trong khoảng 6 - 7,5. Trường hợp đất quá chua hoặc quá kiềm có thể gây ra hiện tượng thiếu vi lượng trong đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của chuối.

Đất phải được cày bừa kỹ, diệt cỏ dại trước khi trồng, cày sâu 30 cm, cày 2 lần, lần 2 vuông góc với lần 1. Nếu đất rộng, chia lô chống cháy mùa khô.

Đào hố và bón phân: Đào hố sâu 40 - 60 cm và rộng 40 - 60 cm. Trộn phân chuồng, tro trấu cùng với lớp đất mặt, lấp đầy hố. Trước khi trồng 20 ngày, dùng 0,5 kg vôi bột xử lý cho một hố trồng. Sau đó, trộn tro trấu, phân chuồng ủ hoai mục 10 - 15 kg (hoặc hữu cơ vi sinh) và 0,2 kg Supe lân với lớp đất mặt, đảo đều rồi lấp đầy hố (trước khi trồng 10 - 15 ngày).

b) Nhân giống chuối

Có 3 phương pháp nhân giống chuối hiện nay là nhân giống chuối từ tách chồi, nhân giống chuối từ củ (thân ngầm) và nhân giống chuối bằng nuôi cấy mô (in vitro). Mỗi phương pháp nhân giống tiêu chuẩn chọn cây giống sẽ khác nhau.

Nhân giống chuối từ tách chồi: Chọn chuối con “lá lưỡi mác” có gốc to và ngọn nhỏ, cao 1 - 1,5 m, đường kính thân (chỗ cách gốc 20 cm) là 15 - 20 cm, không sâu bệnh và là cây thứ 2, thứ 3 ở cây mẹ đã trổ buồng. Đào toàn bộ củ và rễ của cây lên, gọt bỏ hết rễ trên củ, cắt 2/3 lá xòe, giữ nguyên lá cuốn (chỉ để 1 lá ngọn trên cây); sau đó, đưa cây vào chỗ râm mát trong 1 - 2 ngày

Nhân giống chuối từ củ (thân ngầm). Phương pháp này chưa được áp dụng nhiều.

Nhân giống chuối bằng nuôi cấy mô (in vitro):

- Ưu điểm của nhân giống bằng nuôi cấy mô là hệ số nhân giống cao; tạo được một số lượng lớn cây giống cung cấp cho sản xuất; cây giống sạch bệnh, khỏe mạnh; cây giống có độ đồng đều cao, khi trồng có khả năng sinh trưởng phát triển tương đương nhau. Vườn chuối trồng từ giống nuôi cấy mô sẽ cho thu hoạch đồng loạt, đáp ứng được nguồn nguyên liệu cả về số lượng và chất lượng.

- Nhược điểm của nhân giống bằng nuối cấy mô là đòi hỏi kỹ thuật cao, thao tác phức tạp, môi trường nuôi cấy luôn phải duy trì các nhân tố nằm trong giới hạn thích hợp và sạch mầm bệnh. Vì thế, giai đoạn này chỉ thực hiện được ở những cơ sở chuyên nuôi cấy mô với các nhà chuyên môn tiến hành. Giai đoạn ra ngôi, chăm sóc cây con đến khi xuất vườn đem trồng cũng đòi hỏi vườn ươm có đất, phân, các thực liệu khác và kỹ thuật chăm sóc phức tạp hơn nhân giống bằng tách chồi.

1.2. THỜI VỤ

Cây chuối không yêu cầu nghiêm ngặt về thời vụ, có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất nên trồng vào đầu mùa mưa (vùng Đồng bằng Bắc bộ trồng từ tháng 9 - 11, các vùng khác từ tháng 6 - 8). Ở thời điểm này, cây con sinh trưởng thuận lợi và có tỷ lệ sống cao.

1.3. MẬT ĐỘ TRỒNG

Mật độ trồng phụ thuộc vào giống chuối, giống càng thấp cây, tán lá hẹp như chuối tiêu lùn, chuối ngự có thể trồng dày, còn các loại như chuối tiêu vừa, chuối tiêu cao, chuối lá, chuối gòn, … trồng thưa hơn.

Mật độ trồng phổ biến khoảng trên dưới 1.000 cây/ha, khoảng cách trồng: 3 x 3 m (1.100 cây/ha) hoặc 3 x 2,5 m (1.300 cây/ha).

Tuy nhiên, khi trồng mật độ dày cần phải chú ý: Chọn cây con thật đồng đều nhằm tránh hiện tượng lấn át, tranh giành dinh dưỡng và ánh sáng giữa các cây. Bón phân đúng mức và phòng tránh kịp thời bệnh đốm lá cho cây. Trồng dày hợp lý có tác dụng tốt cho vườn chuối, vườn sớm được che bóng, ít cỏ dại, tạo điều kiện nóng ẩm phù hợp với cây chuối và tốt hơn cả là tăng năng suất chuối.

1.4. CÁCH TRỒNG

Dùng cuốc, xẻng, lấp đất vào hố, lượng đất dày khoảng 30 cm, sau đó dùng cuốc moi 1 hốc ở giữa rộng khoảng 30 cm để đặt cây chuối con vào, cổ của củ chuối
nằm ở vị trí sâu khoảng 10 cm cách mặt đất, chú ý đặt cây thẳng đứng để tránh cây bị đổ và mọc nghiêng sau này. Tiếp theo, lấp đất kín gốc cây, vừa lấp vừa giậm nhẹ để cây im gốc, lớp đất kín trên thân ngầm 5 - 6 cm. Một khâu quan trọng để nâng cao tỉ lệ sống, cây mau hồi sinh là phải nện chặt gốc cây để cây không bị gió lay lắt, làm đổ cây, đứt rễ non, tạo cho cây được tiếp xúc chặt chẽ với đất để ra rễ được thuận lợi. Chú ý lèn cho đất chặt, nhưng không nên lèn đất ép chặt vào thân
giả, dễ làm cho bẹ của thân giả bị ép chặt, điểm sinh trưởng không phát triển lên được. Lèn đất theo chiều song song với thân giả hoặc dùng chân giậm chặt rồi tưới nước (nếu đất khô).

1.5. BÓN PHÂN

a) Lượng phân bón

Lượng phân bón trung bình cho 01 ha chuối thường là 200 kg N + 80 kg P2O5 + 200 kg K2O, tuỳ theo loại đất; nếu đất chua, bón thêm vôi sẽ mang lại hiệu quả cao.

Lượng phân bón cho chuối phụ thuộc vào sản lượng thu hoạch; chẳng hạn để thu hoạch 32 tấn quả/ha, cây chuối lấy đi từ đất 80 kg N; 49 kg P2O5; 1.145 kg K2O.

Chuối đòi hỏi lượng kali rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn các chất dinh dưỡng được giữ ở trong rễ, củ, thân, lá và đặc biệt ở cuống buồng, vỏ quả. Vì vậy, sau khi thu hoạch, cần trả lại các bộ phận trên cho đất. Cân đối đạm và kali cho chuối có tầm quan trọng lớn, 2 yếu tố này có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo thành năng suất của chuối. Tuy vậy, đối với chuối, tỷ lệ canxi và magiê cũng rất có ý nghĩa, bởi vì 2 yếu tố này góp phần phát huy hiệu lực của kali. Để đảm bảo quả chuối có phẩm chất tốt, phun kẽm và bón cho cây với liều lượng 5 -10 kg/ha, phun 1 - 3 lần trong 1 vụ.

b) Cách bón

Bón lót: Sau khi lấp đất xong, tiến hành bón lót cho mỗi gốc chuối từ 10 - 15 kg phân chuồng hoai mục; Urea: 60 g; SA: 145 g; Supe lân: 200 g; KCL: 200 g. Đào 1 rãnh vòng quanh, cách gốc 20 - 30 cm gốc cây để rắc phân vào, sau đó lấp kín phân, dùng rơm rạ ủ kín và tưới nhẹ giữ ẩm.

Bón thúc: Bón 3 lần ở 3 giai đoạn khác nhau:

- Lần 1: Sau trồng một tháng rưỡi đến 2 tháng, bón 500 g NPK (12:8:12)/1 gốc chuối, rắc đều phân lên trên, sau đó lấp đất lại rồi phủ rơm mục lên, có thể rắc thêm vôi bột nếu đất chua.

- Lần 2: Sau trồng khoảng 5 tháng, tức là 1 tháng trước khi cây trổ buồng.

- Lần 3: Sau khi cây ra buồng 1 tháng

Lần bón thúc thứ 2 và thứ 3, sử dụng loại phân và số lượng giống nhau, gồm 100 g đạm + 200 g kali/1 gốc, trộn đều 2 loại phân với nhau, rồi rắc lên bề mặt gốc. Sau đó, tưới nước cho cây. Đối với những diện tích rộng, có thể hòa tan phân vào bể nước sau đó dùng máy bơm nước tưới đều lên các gốc chuối.

1.6. CHĂM SÓC

a) Tưới nước: Chuối yêu cầu nước rất cao nên phải thường xuyên giữ ẩm cho đồng ruộng bằng cách tưới ngập vào rãnh hoặc thiết kế hệ thống tưới với ống dẫn có đục lỗ trực tiếp đưa nước vào từng gốc cây và liên tục kiểm tra đồng ruộng.

b) Trồng dặm: Sau khi trồng khoảng một tháng nếu thấy cây phát triển kém thì phải trồng dặm lại bằng những cây tốt để phát triển kịp những cây trồng trước, đối với những cây mọc kém có thể dùng dao chặt ngang thân, cách gốc 20 - 30 cm giúp lá non dễ mọc ra.

c) Tỉa cây con: Khi cây bắt đầu đẻ cây con thì tiến hành tỉa, dùng cây con này để trồng tiếp hoặc bỏ đi. Mỗi tháng kiểm tra một lần để tỉa bỏ cây con kịp thời, tránh cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng và có tác dụng giảm sâu bệnh. Khi xuất hiện mầm mới, nếu không lấy cây con để trồng tiếp thì dùng dao cắt bỏ, dùng mũi dao nhọn đẩm thẳng xuống gốc. Tỉa bỏ những cây yếu, cây nằm sát nhau, chừa các cây con gối nhau, mỗi bụi chỉ có ba đến bốn cây đang phát triển (một cây mẹ, hai đến ba cây con). Riêng với chuối tiêu, chỉ nên để mỗi cây 1 mầm.

d) Bẻ bắp tỉa quả: Sau khi cây trổ hoa và cho khoảng 10 - 13 nải/buồng, tiến hành bẻ bắp và tỉa quả cho cây. Việc tỉa nải nên tiến hành vào buổi chiều, tránh trời mưa để hạn chế mất nhựa, làm ảnh hưởng đến mẫu mã của buồng chuối sau này. Chú ý cắt vào lúc trời khô ráo để vết cắt mau khô, tránh bị sâu bệnh xâm nhập phá hại. Tốt nhất là sau khi cắt xong nên dùng tro sạch bôi vào vết cắt để vết thương mau khô, không chảy nhựa nhiều và có tác dụng sát trùng.

e) Cắt bỏ lá già, khô: Thường xuyên kiểm tra và cắt bỏ kịp thời các lá già, lá khô bám xung quanh thân chuối để tập trung dinh dưỡng và hạn chế nguồn bệnh.

g) Làm cây chống buồng: Sau khi cây ra buồng được khoảng  1 tháng, cần làm cây chống buồng để giữ cho cây không bị đổ khi gặp gió.

Cách làm: Chọn 2 cột tre hoặc gỗ chắc khỏe, dùng dây thép buộc chéo với nhau để làm cây chống buồng. Tiếp theo, đưa cây chống dựng vào chỗ tiếp xúc giữa thân và đầu buồng chuối. Sau đó, buộc 1 thanh gỗ nằm ngang 2 cột chống để cố định và dùng dây buộc cuống buồng vào thanh gỗ. Như vậy, buồng chuối sẽ được giữ chắc và không bị gãy khi quá nặng.

Vũ Thị Hương - Chi cục Trồng trọt và BVTV