Thứ Sáu, 04/10/2024

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường công tác điều tra sinh vật hại trong các kho bảo quản nông sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ Tư, 23/11/2022
Năm 2022, Trạm Kiểm dịch thực vật đã tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra sinh vật hại nông sản bảo quản trong kho trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đây là hoạt động thường kỳ hàng năm nhằm tăng cường công tác quản lý sinh vật gây hại nông sản trong kho, thực hiện tốt việc theo dõi sinh vật gây hại vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bảo quản tại các kho bảo quản nông sản thực vật, các cơ sở sản xuất, gia công, chế biến và tiêu thụ hàng thực vật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Ngay từ đầu năm, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Trạm Kiểm dịch thực vật đã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện điều tra thành phần sinh vật gây hại nông sản tại Công ty cổ phần Tổng Công ty giống cây trồng con nuôi Ninh Bình và Công ty TNHH Vật tư Nông nghiệp Hồng Quang.

Tại thời điểm kiểm tra, Công ty CP Tổng Công ty giống cây trồng và Con nuôi Ninh Bình có diện tích kho chứa nguyên liệu lúa, gạo là 3.600 m2 với lượng hàng hóa khoảng 1.000 tấn; Công ty TNHH Vật tư Nông nghiệp Hồng Quang diện tích kho chứa là 2.000 m2 với lượng hàng khoảng 1.000 tấn. Hàng hóa trong kho bảo quản tại các đơn vị thường không lưu trữ lâu dài, sản phẩm thực vật chủ yếu là thóc, gạo.

Ảnh: Cán bộ trạm Kiểm dịch thực vật thu thập mẫu tại kho chứa

Qua điều tra và thu thập thành phần sinh vật hại trong kho thấy có 05 loài sâu mọt gây hại, trong đó chủ yếu là Mọt thóc (Sitophilus granarius Linnaeus) và Mọt bột đỏ (Tribolium castaneum (Herbst)) chiếm số lượng lớn hơn với tỷ lệ chiếm 50-70% cá thể so với các loài sâu mọt hại thông thường khác. Đoàn kiểm tra chưa phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc nghi ngờ là đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.

Ảnh: Cán bộ trạm Kiểm dịch thực vật tiến hành điều tra sinh vật tại kho chứa nông sản

Thông qua kết quả điều tra trong năm 2022 cho thấy, đa số các đơn vị, cơ sở bảo quản nông sản đã khai báo, cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan trong công tác kiểm dịch thực vật nội địa. Cơ sở nào chưa kịp thời khai báo và cung cấp hồ sơ liên quan đã được đoàn nhắc nhở và yêu cầu bổ sung, đồng thời tự giám sát chặt chẽ công tác xông hơi khử trùng và thực hiện khai báo với cơ quan quản lý nhà nước theo đúng quy định.

Song song với công tác kiểm tra hành chính, thực địa tại các công ty, Trạm Kiểm dịch thực vật thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng làm tốt công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật trong lĩnh phụ trách như Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Thông tư 35/2015/TT-BNNPTNT ngày 14/10/2015 Quy định về kiểm dịch thực vật nội địa, Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và cấm sử dụng tại Việt Nam...

Trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về kiểm dịch thực vật, bên cạnh việc điều tra trực tiếp tại các cơ sở bảo quản nông sản, trạm Kiểm dịch thực vật sẽ xây dựng kế hoạch trình các cấp có thẩm quyền tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền đối với các văn bản pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật đặc biệt là các biện pháp xông hơi khử trùng trong kho bảo quản nông sản cũng như thực hiện việc cấp chứng nhận cho các thành viên tham gia lớp tập huấn.

Phạm Thị Xuyến - Chi cục Trồng trọt và BVTV.