Thứ Sáu, 04/10/2024

Một số giống chuối trồng phổ biến ở nước ta

Thứ Hai, 05/09/2022

Có nhiều cách phân loại chuối. Về cơ bản có loại chuối ăn quả, loại chuối lấy lá. Ở Việt Nam có một số loại chuối phổ biến như: chuối tiêu, chuối sứ, chuối ngự, chuối tây, chuối bom, chuối xiêm, chuối quạ… Các giống chuối nhập ngoại như chuối Laba (Pháp), chuối Dacca (Trung Mỹ)…

1. NHÓM CHUỐI TIÊU

Ảnh: Chuối tiêu

Nhóm này có 3 giống là tiêu lùn, tiêu nhỏ và tiêu cao. Năng suất quả từ trung bình đến rất cao; phẩm chất thơm ngon, thích hợp cho xuất khẩu quả tươi, thích hợp với vùng có khí hậu mùa đông lạnh. Giống chuối tiêu ở miền Bắc bình quân đạt 13 - 14 kg/buồng, năng suất trung bình đạt 12 - 15 tấn/ha.

Chuối tiêu có năng suất cao, phẩm chất tốt (hàm lượng đường và axit, vitamin đều cao), vì vậy nó là giống được trồng phổ biến. Hiện nay chuối tiêu là giống có ý nghĩa nhất, nó là mặt hàng xuất khẩu chính trong các loại chuối.

Đặc điểm: Cây thấp, lá mọc sít nhau, cuống lá ngắn, có eo lá màu tím đỏ, gốc lá nhọn và sâu, cuống lá hở. Quả chuối tiêu nói chung dài và cong.

- Chuối tiêu lùn: Cây cao 1,2 - 1,5 m, cây mập; lá rộng bề ngang.

- Chuối tiêu vừa: Cây cao trung bình 2 - 3,5 m. Ở nước ta, còn phân biệt chuối tiêu trắng (ruột trắng) và chuối tiêu hồng. Chuối tiêu hồng khi chín vỏ quả có màu vàng tươi, thịt quả màu vàng; còn chuối tiêu trắng thịt quả nhạt hơn; vào mùa hè khi chín vỏ quả vẫn giữ màu xanh, chín trong mùa đông thì vỏ có màu vàng. Về phẩm chất, chuối tiêu hồng tốt hơn chuối tiêu trắng.

- Chuối tiêu cao: Thân cây cao 2,5 - 5 m, chịu được khô hạn, quả to hơn, sản lượng cao. Một số loại chuối tiêu cao được trồng để xuất khẩu.

2. NHÓM CHUỐI SỨ (CHUỐI XIÊM, MỐC)

Ảnh: Chuối xiêm

Được trồng phổ biến ở nhiều nơi, cây cao, sinh trưởng khoẻ, không kén đất, chịu hạn, chịu nóng, dễ bị héo rụi (vàng lá Panama), buồng to, mập, ngọt đậm và kém thơm hơn so với giống khác.

3. CHUỐI BOM

Ảnh: Chuối bom

Được trồng phổ biến ở Đông Nam bộ, trọng lượng buồng thấp, chỉ đạt từ 6 - 8 kg/buồng. Thời gian sinh trưởng ngắn nên hệ số sản xuất cao (5 buồng trong 20 tháng/gốc) có thể trồng ở mật độ cao 1.200 - 1.500 cây/ha nên năng suất có thể đạt 25 - 40 tấn/ha. Quả được dùng để ăn tươi, làm chuối sấy.

4. CHUỐI NGỰ (CHUỐI CAU)

Ảnh: Chuối ngự

Bao gồm chuối ngự tiến, chuối mật. Cây cao 2,5 - 3 m, cho quả nhỏ, màu vỏ sáng đẹp, thịt quả chắc, vị thơm đặc biệt, tuy nhiên năng suất thấp.

Ngoài ra còn các giống chuối lá, chuối hột nhưng các giống chuối này có diện tích trồng ít vì giá trị kinh tế thấp. Hiện nay, thị trường có loại giống chuối Laba, đặc sản của Đà Lạt - Lâm Đồng, được ưa chuộng vì giá trị xuất khẩu tương đối cao.

Nguyễn Thị Nhung - Chi cục Trồng trọt và BVTV.