1. CÁC GIỐNG THANH LONG RUỘT TRẮNG
Thanh long ruột trắng thường được trồng phổ biến ở các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ nhưng thương hiệu nổi tiếng nhất là ở Bình Thuận. Loại thanh long này sinh trưởng và phát triển tốt ở những nơi có cường độ ánh sáng cao và toàn phần. Được trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất xám bạc màu, đất phèn…
Giống thanh long Ruột trắng Bình Thuận
Giống được trồng phổ biến tại tỉnh Bình Thuận. Sinh trưởng mạnh, cành to khoẻ, hoa có khả năng thụ phấn tự nhiên. Quả to và đẹp, tai quả xanh cứng, thịt quả màu trắng đục và chắc, hạt nhỏ, năng suất cao. Tuy nhiên, giống này có khả năng ra hoa tự nhiên trung bình, tập trung và bị ảnh hưởng mạnh bởi quang kỳ (thường chỉ ra hoa từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch) nên chi phí xử lý ra hoa nghịch vụ cao và năng suất quả có thể thất thường.
Giống thanh long Ruột trắng Chợ Gạo
Giống được trồng phổ biến tại tỉnh Tiền Giang và Long An. Sinh trưởng mạnh, cành khá to, quả khá to và đẹp, tai quả xanh cứng, thịt quả màu trắng đục và chắc, hạt nhỏ. Năng suất cao và hoa có khả năng thụ phấn tự nhiên. Tuy nhiên, giống này có khả năng ra hoa tự nhiên trung bình, tập trung và bị ảnh hưởng mạnh bởi quang kỳ.
2. GIỐNG THANH LONG RUỘT ĐỎ ĐÀI LOAN
Giống thanh long ruột đỏ có nguồn gốc từ Đài Loan, sai quả, ruột đỏ tím, ăn ngọt (độ đường 16 - 18%), hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu vitamin và chất khoáng…
Quả thanh long ruột đỏ Đài Loan thích nghi với nơi có nhiều ánh sáng, dưới ánh sáng cao, độ đường tăng, nhiệt độ thích hợp từ 15 - 35oC, nếu dưới nhiệt độ đó cây sẽ phát triển chậm hoặc không sinh trưởng được. Do đó khi trồng cây tận dụng hướng nam và đông nam, nơi có đất đai bằng phẳng và ánh sáng nhiều.
3. GIỐNG THANH LONG RUỘT TÍM HỒNG LĐ5
Thanh long Ruột tím hồng LĐ5 là giống lai, được tạo ra từ lai giữa giống thanh long Ruột đỏ Long Định 1 (làm mẹ) và giống thanh long Ruột trắng Chợ Gạo (làm bố) theo phương pháp lai truyền thống.
Một số đặc điểm chính:
Thân cành: Cây sinh trưởng khá mạnh, cành khá to, khoẻ, khả năng đâm cành trung bình.
Hoa: Cây cho hoa đầu tiên 8 - 9 tháng sau khi trồng, cây có khả năng ra hoa mạnh và gần như quanh năm, ít chịu ảnh hưởng bởi quang chu kỳ. Từ tháng 9 đến tháng 3 dương lịch (ngày ngắn), cây ra hoa ít (2 - 5 hoa/trụ) và từ tháng 4 đến tháng 8 dương lịch cây ra hoa khá nhiều, mỗi tháng/đợt hoa (mỗi đợt 10 - 15 hoa/trụ). Hoa nở và tung phấn vào ban đêm từ 20 giờ đến gần 6 giờ sáng. Hoa thụ phấn tự nhiên để tạo quả. Thời gian từ nở hoa đến thu hoạch quả (chuyển màu đỏ hoàn toàn) từ 28 - 30 ngày như giống thanh long Ruột trắng.
Quả: Trọng lượng trung bình 313,3 - 379,3 g/quả, vào mùa nghịch (tháng 11 - 1 dương lịch) trọng lượng quả có thể đạt đến 500 g/quả. Dạng quả hình trứng đến trứng thuôn, vỏ quả khi chín có màu đỏ khá đậm và bóng, vỏ dầy trung bình 2,08 - 2,50 mm và chưa thấy nứt quả khi quá chín; tai quả xanh, khá cứng; thịt quả chắc (0,71 - 1,15 kg/cm2) và tỷ lệ ăn được cao (70,12 - 80,59%). Thịt quả màu tím hồng (không đậm màu) và khá ổn định trong 24 giờ, nước quả trung bình và có màu tím hồng trung bình - khá, cỡ hạt to trung bình - khá và vị ngọt chua thanh (TSS: 15,87 - 18,110 brix; pH: 5,03, hàm lượng vitamin C: 17,61 - 18,67 mg/100 ml dịch quả; acid tổng số: 15,87 - 18,11 g/100 ml dịch quả).
Năng suất: Khá cao, trong vụ chính (tháng 4 - 9 dương lịch) đạt trung bình 10,34 kg/trụ/vụ (cây 16 tháng tuổi) tại ba tỉnh Tiền Giang, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong vụ nghịch (tháng 10 - 01 dương lịch) đạt trung bình 2,73 kg/trụ/vụ (cây 18 tháng tuổi) tại hai tỉnh Tiền Giang và Long An.
4. GIỐNG THANH LONG RUỘT ĐỎ TÍM MỸ
Thường được gọi là thanh long Ruột tím. Giống được du nhập từ Mỹ và trồng tại Viện Cây ăn quả miền Nam vào năm 2004.
Cây sinh trưởng mạnh ở mức trung bình, cành dạng ba cạnh, mỏng và ít gai trên thùy. Quả hình cầu không đẹp, tai quả đỏ xanh và cứng trung bình, vỏ đỏ tươi, trọng lượng 120 g/quả. Thịt quả màu tím, mềm và chiếm tỷ lệ 66%, vị ngọt chua (độ brix 17,2%, pH: 4,7), hạt to và nhiều.
Vũ Thị Hương - Chi cục Trồng trọt và BVTV.
84/2019/NĐ-CP
Quy định về quản lý phân bón62/2019/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa31/2018/QH14
Luật Trồng trọt64/2014/NĐ-CP
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân41/2013/QH13
Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật42/2013/QH13
Luật Tiếp công dân