Thứ Sáu, 04/10/2024

Kết quả sau 05 năm thực hiện đề tài khoa học ''Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lúa ''Nếp hạt cau'' cổ truyền tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình''

Thứ Ba, 30/08/2022
Sau 05 năm triển khai thực hiện đề tài Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lúa Nếp hạt cau cổ truyền tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình đã triển khai thực hiện theo đúng nội dung, tiến độ được phê duyệt và hoàn thành các mục tiêu đề ra

Giống lúa Nếp hạt cau là giống lúa đặc sản, cổ truyền, dài ngày, chỉ gieo cấy được trong vụ Mùa hàng năm. Qua nhiều năm sản xuất, giống lúa này chỉ còn gieo cấy rải rác tại một số địa phương của các huyện Nho Quan, Hoa Lư và huyện Kim Sơn. Những năm gần đây sản xuất lúa Nếp hạt cau đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất các giống lúa khác, cung cấp sản phẩm gạo ngon đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài tỉnh do đó diện tích sản xuất lúa Nếp hạt cau hàng năm đang được các hộ nông dân ở một số địa phương tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất. Tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan là nơi có truyền thống duy trì, canh tác giống lúa Nếp hạt cau trong hơn 20 năm qua với diện tích trên 60 ha/vụ/năm. Do điều kiện tự nhiên về đất đai và nguồn nước, giống lúa Nếp hạt cau được gieo trồng tại Bản Thường Sung, xã Kỳ Phú đã thể hiện được những ưu điểm như: chiều cao cây từ 1,3-1,5m; bông đều, tỷ lệ hạt chắc cao, năng suất đạt 38-40 tạ/ha, đặc biệt ưu điểm nổi bật là chất lượng cơm gạo thơm ngon, giá bán từ 1,6 – 1,8 triệu đồng/1 tạ thóc; cao gấp 3-4 lần so với các giống lúa khác. Tuy nhiên, vùng sản xuất lúa Nếp hạt cau của xã còn nhiều khó khăn, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, ruộng canh tác trên đồi dốc, bậc thang, trình độ thâm canh sản xuất lúa chưa phù hợp, công tác dự tính, dự báo, quản lý và phòng trừ sâu bệnh còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Thực tế trong sản xuất cho thấy, việc các hộ nông dân tự chọn lọc giống theo kinh nghiệm bằng trực quan, cảm tính lưu giữ giống tự chọn để sản xuất qua các năm là một trong những nguyên nhân làm cho giống lúa Nếp hạt cau bị thoái hoá và phân ly theo nhiều dạng khác nhau: Chiều cao cây không đồng đều, xuất hiện nhiều tính trạng khác biệt như màu sắc, kích cỡ hạt không đồng nhất, có râu ngắn đầu bông, ... khả năng sinh trưởng phát triển, tính chống chịu, năng suất, chất lượng bị suy giảm. Do vậy việc phục tráng lại giống lúa Nếp hạt cau, tạo giống thuần chủng là việc rất cần thiết nhằm duy trì và tổ chức mở rộng sản xuất tại các địa phương trong huyện Nho Quan và trong tỉnh đạt hiệu quả cao hơn ở những năm tiếp theo.

Căn cứ Quyết định số 228/QĐ-UBND ngày 20/01/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt danh mục và phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cho các đề tài, dự án năm 2017. Thực hiện hợp đồng thực hiện đề tài khoa học và công nghệ số 02/ĐT-KHCN 2017 giữa Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình với Chi cục Trồng trọt và BVTV Ninh Bình. Từ vụ Mùa năm 2017 nhóm tác giả của Chi cục Trồng trọt và BVTV Ninh Bình đã triền khai thực hiện đề tài:  Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lúa Nếp hạt cau cổ truyền tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Với các mục tiêu: Phục tráng thành công giống lúa Nếp hạt cau cổ truyền tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; Hoàn thiện quy trình sản xuất lúa Nếp Hạt cau tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; Xây dựng mô hình trình diễn giống lúa Nếp Hạt cau tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Nho Quan, Chi cục Trồng trọt và BVTV tham quan mô hình 

Qua 05 năm (05 vụ Mùa) triển khai thực hiện, áp dụng theo tiêu chuẩn ngành 10TCN 395 : 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ nguồn vật liệu thu thập tại địa phương và từ Trung tâm Tài nguyên di truyền thực vật - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã chọn được 500 cá thể điển hình (G0) để nhân dòng, đánh giá, lựa chọn, kiểm định được 12 dòng (G2) đạt yêu cầu và tạo được nguồn giống siêu nguyên chủng đạt tiêu chuẩn với số lượng 1.900 kg ( vụ Mùa năm  2019); Tổ chức nhân giống nguyên chủng ở vụ Mùa năm 2020 đạt 5.000 kg; Hoàn thiện quy trình sản xuất giống, kỹ thuật gieo cấy và chăm sóc, bón phân, quản lý và phòng trừ sâu bệnh lúa Nếp hạt cau cổ truyền phù hợp với điều kiện của các địa phương tại huyện Nho Quan; Xây dựng thành công 02 mô hình trình diễn sản xuất lúa Nếp hạt cau đã được phục tráng tại xã Kỳ Phú và xã Quỳnh Lưu huyện Nho quan với quy mô 10 ha, năng suất lúa đạt 46-47 tạ/ha cao hơn so với giống của hộ dân tự chọn lọc, gieo cấy từ 5-6 tạ/ha.  

Ruộng nhân dòng G2 tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình

Cùng với việc chọn lọc các dòng Nếp hạt cau, hàng năm nhóm tác giả đã triển khai các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa Nếp hạt cau, các buổi thực hành trên đồng ruộng cho cán bộ và các hộ nông dân của HTX.NN Kỳ Phú. Qua đó đã giúp cho các hộ nâng cao kỹ thuật sản xuất lúa thương phẩm, nhận biết rõ các đặc tính chủ yếu của giống, nắm vững được phương pháp tự chọn lọc đúng giống để bảo quản, duy trì và tổ chức mở rộng sản xuất tại địa phương.

Cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và BVTV hướng dẫn người dân gieo cấy

Sau 05 năm triển khai thực hiện đề tài Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lúa Nếp hạt cau cổ truyền tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình đã triển khai thực hiện theo đúng nội dung, tiến độ được phê duyệt và hoàn thành các mục tiêu đề ra. Kết quả mà Đề tài đạt được mới chỉ là bước đầu và ở quy mô nhỏ. Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho hộ dân, cần phải tiếp tục chọn lọc dòng, duy trì sản xuất giống lúa Nếp hạt cau nguyên chủng và triển khai nhân rộng mô hình gieo trồng lúa Nếp hạt cau trong những năm tiếp theo, tạo thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung./.

Tác giả: Lã Quốc Tuấn - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình.