Thứ Sáu, 04/10/2024

Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành danh mục ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình năm 2022

Thứ Năm, 15/09/2022

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự vào cuộc đầu tư của các thành phần kinh tế và sự đồng lòng quyết tâm của các tầng lớp nhân dân, nông nghiệp nông thôn Ninh Bình đã có bước phát triển khá toàn diện; tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đã bước đầu được hình thành và dần thay thế tư duy sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp chuyển từ chú trọng phát triển số lượng sang chú trọng nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; sản xuất theo hướng hàng hoá, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ.

Ngày 12/9/2022 Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định 783/QĐ-UBND Quyết định ban hành Danh mục ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2022, trong đó quy định 03 Danh mục ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm Danh mục sản phẩm đặc sản lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Ninh Bình, danh mục máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản tỉnh Ninh Bình và Danh mục giống lúa mới, tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Từ những tiêu chí để xác định giống lúa trong Danh mục giống lúa mới như có đầy đủ các Quyết định công nhận/Quyết định lưu hành giống, các hồ sơ pháp lý khác như: Hồ sơ công bố hợp quy, báo cáo kết quả thực hiện mô hình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình của đơn vị có thẩm quyền xác nhận của các giống mà UBND tỉnh đã lựa chọn 12 giống lúa để đưa vào Danh mục giống lúa mới bao gồm: Giống lúa Nếp hạt cau, Hương Bình, Nếp hương, TBR 89, Bắc thơ số 7 (có gen KBL), TBR 225 (có gen KBL), VNR20, Đài thơm 8, LT2 (có gen KBL), ADI28, HANA số 7, ND502.

Danh mục các loại phân bón trong Danh mục tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa năm 2022 bao gồm bộ phân bón Quế lâm 01, Quế lâm SH 01, Quế lâm SH 05 của Công ty cổ phần tập đoàn Quế Lâm. Phân lân nung chảy Ninh bình của công ty cổ phần phân lân Ninh Bình, phân BEST GAP, ORG GAP, ONE GAP của công ty cổ phần GAP Việt Nam. Đây là những sản phẩm phân bón sản phẩm phân bón khoáng thiên nhiên được sử dụng trong sản xuất hữu cơ; sản phẩm phân bón vô cơ được sản xuất theo công nghệ mới, công nghệ Nano, có tính năng hỗ trợ cây trồng tăng cường khả năng hấp thu sử dụng dinh dưỡng, tăng khả năng chống chịu, cải tạo đất, đã được cấp Quyết định lưu hành và có hồ sơ công bố đầy đủ theo quy định của pháp luật, đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng mô hình trình diễn và được đánh giá phù hợp.

Danh mục thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học vi sinh thuộc tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa bao gồm 06 loại thuốc BVTV sinh học, thảo mộc; sản phẩm được sản xuất theo công nghệ mới, an toàn với môi trường sinh thái: V.K 16 WP, Prevathon 5SC, Vimatrine 0.6SL, Sakumec 0.5EC, Sokupi 0.5SL, Lilacter 0.3SL và 02 chế phẩm sinh học, chế phẩm vi sinh có nguồn gốc sinh học sử dụng để phân huỷ rơm rạ trên đồng ruộng, quản lý lúa lẫn nền góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, bảo vệ môi trường sinh thái gồm: Chế phẩm sinh học (Chế phẩm vi sinh SUMITRI), Chế phẩm sinh học (Phân huỷ gốc rạ). Việc tập trung xây dựng các mô hình ứng dụng và đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân như đưa các phương pháp sản xuất mới, giống lúa mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tích cực phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.

Danh mục được ban hành là tiền đề, căn cứ để xác định nội dung, điều kiện, hình thức, mức hỗ trợ phát triển đất trồng lúa theo quy định tại Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025.

Vũ Thị Thu Hiền - Chi cục Trồng trọt và BVTV.