Thứ Sáu, 04/10/2024

Tỉnh Ninh Bình tập trung chỉ đạo sản xuất cuối vụ Đông xuân, chuẩn bị các điều kiện triển khai vụ mùa 2023

Thứ Hai, 15/05/2023

Vụ Đông xuân 2022-2023 toàn tỉnh gieo cấy được 39.554,4 ha lúa. Hiện tại, trà lúa Xuân sớm đang ở giai đoạn chín đến thu hoạch; trà xuân muộn ở giai đoạn ôm đòng, trỗ bông đến chín sáp. Đến ngày 10/5/2023, toàn tỉnh đã thu hoạch được 45 ha chủ yếu tập trung ở các huyện: Nho Quan, Gia Viễn. Qua kiểm tra đồng ruộng cho thấy, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, đồng đều, dự kiến là vụ Đông xuân được mùa.

Hiện tại các địa phương đang huy động lực lượng, phương tiện tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa và cây màu vụ Đông xuân, đặc biệt là diện tích lúa ngoài đê tránh lũ tiểu mãn với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”; phấn đấu hoàn thành thu hoạch lúa Xuân sớm trước ngày 20/5/2023 và kết thúc thu hoạch toàn bộ lúa Đông xuân trong tháng 6.

Ảnh: Các địa phương tập trung thu hoạch lúa ngoài đê

Đối với trà xuân muộn từ nay đến cuối vụ các cấp, các địa phương tập trung bố trí cán bộ phối hợp với người dân tăng cường công tác điều tra, theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại từ nay đến cuối vụ (đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 3, sâu đục thân lúa hai chấm lứa 2), hướng dẫn người dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Rà soát những diện tích bị nhiễm lúa cỏ để xử lý sớm, triệt để, hạn chế lan rộng trong vụ Mùa.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành văn bản số 1304/SNN-TTBVTV ngày 11/5/2023 trong đó ngoài việc chỉ đạo tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa, các cây màu vụ Đông xuân, các địa phương còn cần chú ý chuẩn bị một số nội dung các điều kiện cần thiết để tổ chức sản xuất vụ mùa 2023.

Thứ nhất các huyện, thành phố cần căn cứ Kế hoạch sản xuất vụ Mùa năm 2023 do Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành để xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Mùa 2023 phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, bố trí các giải pháp tổ chức sản xuất, cơ cấu trà, cơ cấu giống; hạn chế việc gieo thẳng ở những vùng không chủ động tưới tiêu, thường xuyên bị ngập úng; khuyến khích mở rộng diện tích áp dụng biện pháp sử dụng gieo mạ khay, cấy máy,...

Thứ hai tập trung máy móc, nhân lực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để chủ động điều tiết nước đảm bảo phục vụ sản xuất hiệu quả, nhất là chủ động tiêu úng kịp thời cho các cây trồng khi xảy ra mưa lớn đầu vụ.

Thứ ba thực hiện quản lý tốt vật tư nông nghiệp trên địa bàn (lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp phục vụ kịp thời sản xuất.

Thứ tư thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và có biện pháp ứng phó kịp thời với những diễn biến xấu do thời tiết và sinh vật gây hại gây ra.

Thứ năm, các địa phương thực hiện tốt Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 08/11/2022 của UBND tỉnh về tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2023, chú ý huy động, hướng dẫn người dân tập trung diệt chuột đồng loạt tại các thời điểm làm đất và sau gieo cấy; Các địa phương xây dựng Kế hoạch phòng chống bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ Mùa năm 2023 để chủ động các giải pháp thực hiện.

Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật