Thứ Sáu, 04/10/2024

Tập trung thực hiện tốt công tác chỉ đạo phòng trừ các sinh vật gây hại trên lúa vụ Mùa 2023

Thứ Năm, 10/08/2023
Sáng ngày 9/8/2023, đồng chí Đinh Văn Khiêm – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cùng lãnh đạo, cán bộ chuyên môn Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh hại tại các cánh đồng lúa trên địa bàn huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn

Vụ Mùa 2023 toàn tỉnh đã gieo cấy trên 31.204 ha lúa đạt 100,5% so với kế hoạch tỉnh giao; Do thời tiết từ đầu vụ mùa đến nay thuận lợi nên các trà lúa đều sinh trưởng và phát triển; Trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến ôm đòng, trà mùa trung đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ nhánh, mùa muộn bén rễ hồi xanh đến bắt đầu đẻ nhánh.

Ảnh: Lãnh đạo Sở và cán bộ chuyên môn thăm đồng

Tuy nhiên, qua kết quả điều tra tình hình dịch hại trên đồng ruộng cho thấy một số đối tượng đang phát sinh và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa mà các địa phương cần phải chú ý:

- Đối với Sâu cuốn lá nhỏ: Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đang ra rộ, mật độ phổ biến: 2-3 con/m2; nơi cao: 5-7 con/m2; cá biệt: 10-30 con/m2; mật độ trứng phổ biến 60-70 quả/m2; nơi cao: 100-200 quả/m2; cá biệt: 300-500 quả/m2 (huyện Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn, Hoa Lư,…); sâu non bắt đầu nở rộ, mật độ phổ biến: 15-20 con/m2; nơi cao: 30-50 con/m2; cá biệt trên 100 con/m2 (huyện Yên Mô, Yên Khánh). Trong thời gian tới, sâu non cuốn lá nhỏ lứa 6 tiếp tục nở rộ đến ngày 22/8, dự kiến mật độ sâu phổ biến: 80-100 con/m2; nơi cao: 150-200 con/m2; cá biệt trên 300 con/m2 (huyện Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư, TP Ninh Bình…), sẽ gây hại rộng trên các trà lúa đặc biệt hại nặng trên trà mùa sớm (đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến ôm đòng), trà lúa mùa trung, mùa muộn diện xanh tốt. Do đó, nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời nhiều diện tích bị hại nặng sẽ làm sơ trắng lá ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.

- Đối với Rầy nâu, rầy lưng trắng: Rầy cám lứa 6 sẽ nở rộ từ ngày 19/8-29/8, mật độ phổ biến: 800-900 con/m2; nơi cao: 1.500-2.000 con/m2; cá biệt ổ: > 3000 con/m2 gây hại rộng trên các trà lúa, nếu không phát hiện và phòng trừ kịp thời sẽ làm đỏ lúa hoặc gây cháy ổ từ sau 10/9.

- Ngoài ra, chuột hại, bệnh khô vằn tiếp tục hại tăng trên các trà lúa; sâu đục thân hai chấm lứa 4, bệnh lùn sọc đen, lúa cỏ gây hại cục bộ.

Ảnh: Cán bộ kỹ thuật điều tra đối tượng

Trước thực tiễn tình hình diễn biến các đối tượng sinh vật gây hại, Lãnh đạo Sở yêu cầu các địa phương, các đơn vị chuyên môn nghiêm túc triển khai thực hiện theo nội dung tại công văn số 2188/SNN-TTBVTV ngày 9/8/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch hại trên lúa vụ Mùa 2023; Trước mắt cần tập trung khẩn trương thông báo cho bà con qua các kênh truyền thông về tình hình sâu bệnh hại cũng như khuyến cáo bà con các phương pháp phòng trừ kịp thời, đúng đối tượng để đảm bảo mùa vụ đạt thắng lợi./.

Trạm Kiểm dịch thực vật.