Thứ Năm, 21/11/2024

Tập trung phòng chống sinh vật gây hại bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023

Thứ Tư, 26/04/2023

Theo số liệu tổng hợp điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hiện nay một số đối tượng sinh vật như bệnh Đạo ôn cổ bông gây hại cục bộ trên trà lúa xuân sớm (tỷ lệ bệnh nơi cao từ 1-3%, cá biệt có nơi từ 5-10% số bông tại huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn); bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang ra rộ, sâu non nở rộ từ ngày 26/4-06/5 gây hại rộng trên trà lúa xuân muộn đang ở giai đoạn phân hoá đòng đến ôm đòng. Rầy cám lứa 2 sẽ nở rộ từ ngày 25/4-05/5 gây hại rộng trên các trà lúa. Dự báo trong thời gian tới, tình hình sinh vật gây hại tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa. Để giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân, ngày 25/4/2023 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND ban hành văn bản số 171/UBND-VP3 về việc tập trung phòng chống sinh vật gây hại bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023; trong đó UBND tỉnh yêu cầu các cấp ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ:

1. UBND các huyện, thành phố

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng sinh vật gây hại, tổ chức phòng chống kịp thời, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2,…theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền hướng dẫn các địa phương tổ chức diệt chuột bằng các biện pháp, trong đó chú trọng biện pháp thủ công.

- Chỉ đạo điều tiết nước đảm bảo đủ nước trong ruộng, phân rõ cho các trà lúa; kết thúc chăm sóc, tạo điều kiện cho lúa làm đòng, trỗ bông thuận lợi, tăng khả năng chống chịu các đối tượng sinh vật gây hại.

- Tăng cường công tác kiểm tra vật tư nông nghiệp, đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ sản xuất, tránh để xảy ra hiện tượng hàng giả, hàng kém chất lượng, trái với quy định của pháp luật.

- Khẩn trương ban hành kế hoạch và tổ chức triển thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo Quyết định số 132/QĐUBND ngày 14/3/2023 của UBND tỉnh.

- Chỉ đạo các địa phương có diện tích trà lúa Xuân sớm cấy ngoài đê, chuẩn bị các điều kiện để tập trung thu hoạch xong trước 20/5 để tránh lũ tiểu mãn. Chủ động xây dựng và triển khai sớm kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2023, giảm diện tích gieo sạ, mở rộng sản xuất các cây trồng có giá trị kinh tế cao, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại trên các cây trồng kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

- Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các đơn vị chuyên môn, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế thành phố, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tập trung lực lượng, cử cán bộ kỹ thuật tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng sinh vật gây hại, hướng dẫn các địa phương tổ chức phòng chống kịp thời, hiệu quả. Triển khai hiệu quả Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 18/11/2022 của UBND tỉnh về tổ chức cộng đồng quản lý chuột hại bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2023; thực hiện tốt các biện pháp quản lý lúa cỏ; điều tra, theo dõi diễn biến của bệnh lùn sọc đen hại lúa, chủ động phát hiện sớm rầy lưng trắng mang virus là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen trên đồng ruộng.

- Phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng lưu hành trên địa bàn tỉnh làm thiệt hại cho sản xuất.

3. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi

Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động điều tiết nước kịp thời để phục vụ các địa phương chăm sóc và phòng trừ sinh vật gây hại. Tiếp tục chủ động triển khai phương án phòng chống hạn, úng trong mùa mưa bão năm 2023. Huy động lực lượng nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đảm bảo tưới tiêu cho lúa và các cây trồng đến cuối vụ Đông xuân và phục vụ tốt nhất cho sản xuất vụ Mùa năm 2023.

4. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Bình: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn biện pháp phòng chống các đối tượng sinh vật gây hại trên cây lúa để người dân biết, áp dụng thực hiện hiệu quả.

Trên cơ sở các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện và giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo khi có khó khăn, vướng mắc.

Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật