
Đồng chí Đinh Văn Khiêm – Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT Ninh Bình tham dự và chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Sở; Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi; Đại diện các phòng Nông nghiệp huyện, phòng kinh tế thành phố trong toàn tỉnh; đại diện Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu; Công ty TNHH Thanh An; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu T9...
Tại Hội nghị, Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó chi cục Trưởng thay mặt lãnh đạo chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trình bày tóm tắt báo cáo đánh giá kết quả sản xuất vụ Mùa 2023 đến thời điểm hiện tại và kết quả sản xuất vụ Đông năm 2022, với những kết quả chính đạt được: Đến thời điểm 31/8, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 35.392,4 ha cây trồng vụ Mùa (đạt 99,41% kế hoạch), trong đó cây lúa là trên 31.204 ha còn lại là cây rau màu các loại. Nhìn chung từ đầu vụ đến nay, thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho các cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, trà lúa sớm đang ở giai đoạn ôm đòng đến trỗ bông, trà mùa trung, mùa muộn đang ở giai đoạn phân hóa đòng, ôm đòng. Hiện, ngành nông nghiệp đang tập trung hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến thời tiết, các đối tượng dịch hại để có biện pháp chăm sóc, phòng trừ kịp thời, đảm bảo năng suất cuối vụ.
Ảnh: Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật báo cáo kết quả tại hội nghị
Về sản xuất vụ Đông, năm 2022 gặp nhiều khó khăn như tác động của thời tiết khí hậu làm ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng một số cây trồng ưa ấm; giá phân bón ở mức cao… Tuy nhiên, với các giải pháp kịp thời được triển khai toàn tỉnh vẫn gieo trồng được trên 7.839 ha cây vụ Đông, trong đó: cây ngô gieo trồng được gần 1.429,3 ha, năng suất 39,5 tạ/ha, sản lượng 5.640 tấn; cây lạc gieo trồng được gần 172,9 ha, năng suất đạt 25,6 tạ/han, sản lượng 441,8 tấn; cây khoai lang trồng được hơn 319 ha, năng suất 103,3 tạ/ha, sản lượng 3.299,2 tấn; rau các loại trồng hơn 4.379 ha sản lượng đạt trên 94.544 tấn… Nhiều địa phương tiếp tục mở rộng diện tích các cây trồng có giá trị trên ha canh tác cao là khoai sọ, khoai tây, hoa, ớt cay, cũng như chú trọng hình thành các vùng sản xuất tập trung, có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đối với vụ Đông 2023 mặc dù có nhiều thuận lợi với nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất; diện tích đất để bố trí sản xuất các cây trồng nhất là cây trồng ưa ấm được đảm bảo; nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất… Tuy nhiên, cũng còn không ít các khó khăn thách thức như: Thời tiết tiếp tục có những diễn biến khó lường; giá một số mặt hàng vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao; các đối tượng sinh vật gây hại diễn biến phức tạp... Trước tình hình đó ngành nông nghiệp xác định mục tiêu gieo trồng được trên 7.800 ha cây vụ Đông. Tập trung vào các loại cây như ngô, lạc, khoai tây, khoai lang, bí, cà chua, rau đậu các loại...
Ảnh: Lãnh đạo Chi cục Thuỷ lợi phát biểu tham luận
Tại hội nghị, đại diện phòng nông nghiệp, phòng kinh tế các địa phương, lãnh đạo các đơn vị, cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở, đại diện một số doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phát biểu ý kiến nhìn nhận lại các kết quả sản xuất đã đạt được, những mặt còn hạn chế, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo thắng lợi vụ Mùa và vụ Đông 2023. Trong đó, xác định việc tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giống mới... là các giải pháp then chốt. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn quy định tại Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để làm động lực, khuyến khích thúc đẩy người dân mở rộng sản xuất.
Ảnh: Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoa Lư phát biểu tham luận
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Văn Khiêm - Phó giám đốc Sở đã nêu rõ một số vấn đề cần tập trung chỉ đạo sản xuất trong thời gian tới:
1. Các đơn vị trực thuộc Sở và các huyện, thành phố chỉ đạo cán bộ tăng cường bám sát cơ sở, hướng dẫn người dân bảo vệ lúa và các cây màu vụ Mùa; Các huyện, thành phố bám sát kế hoạch vụ Đông trên khung thời vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT để xây dựng kế hoạch phù hợp với từng địa phương; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mời gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
2. Các cấp ngành thực hiện tốt công tác quản lý vật tư nông nghiệp, ăng cường thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp định kỳ và đột xuất để người dân được sử dụng dịch vụ đảm bảo chất lượng; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tránh để người dân bị thiệt hại kép;
3. Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi phối hợp với Chi cục Thủy lợi đảm bảo tưới tiêu nước hợp lý cho cây trồng phát triển;
4. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp kỹ thuật sản xuất, các mô hình điển hình đạt hiệu quả kinh tế, mô hình liên kết chuỗi. Đồng thời đề nghị các đơn vị trực thuộc, các địa phương cần chuẩn bị tốt các điều kiện, tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông 2023 giành được thắng lợi toàn diện.
Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
84/2019/NĐ-CP
Quy định về quản lý phân bón62/2019/NĐ-CP
Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa31/2018/QH14
Luật Trồng trọt64/2014/NĐ-CP
Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân41/2013/QH13
Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật42/2013/QH13
Luật Tiếp công dân