Thứ Sáu, 04/10/2024

HĐND tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025

Thứ Hai, 01/08/2022

Với mục đích phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hàng hóa, gắn với du lịch; khai thác lợi thế từng tiểu vùng kinh tế, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ. Phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao gắn với du lịch; xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh. Phát triển công nghệ chế biến, bảo quản quy mô phù hợp, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản, ngày 15/7/2022 HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 25/7/2022 quy định chi tiết về nội dung, điều kiện, đối tượng, hình thức và mức hỗ trợ của 02 chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025 cụ thể: Một là nhóm chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn (trừ chính sách hỗ trợ phát triển đất trồng lúa), hai là chính sách hỗ trợ phát triển đất trồng lúa.

Trong nhóm chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn (trừ chính sách hỗ trợ phát triển đất trồng lúa) quy định chi tiết nội dung của 06 chính sách hỗ trợ bao gồm chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, có liên kết gắn sản xuất. Chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến. Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, trải nghiệm. Chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình đối với các khu vực không thể cấp nước từ các hệ thống cấp nước tập trung thuộc địa bàn nông thôn. Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền.

Cụ thể đối với chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, có liên kết gắn sản xuất Tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), hộ gia đình, cá nhân sẽ được hỗ trợ cho sản xuất lúa, rau, củ quả theo hướng hữu cơ hoặc ứng dụng công nghệ cao, mức hỗ trợ 1 lần sau đầu tư 50% kinh phí mua giống, phân bón hữu cơ, hỗ trợ liên tiếp 3 vụ trong cả giai đoạn. Đối với sản xuất trâu, bò, dê, hươu hỗ trợ 1 lần sau đầu tư 50% kinh phí mua giống, giống cỏ cao sản, thức ăn, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và kinh phí mua máy móc phục vụ sản xuất. Nuôi tôm công nghệ cao vụ đông hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, thức ăn. Đối với các sản phẩm đặc sản thuộc danh mục các sản phẩm đặc sản do UBND tỉnh ban hành sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống, thức ăn, phân bón, tối đa không quá 500 triệu đồng/đối tượng hỗ trợ.

Đối với chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến những vùng trồng cây nguyên liệu phục vụ chế biến công nghiệp có quy mô 10 ha trở lên, có hợp đồng liên kết sản xuất, chế biến công nghiệp, có đăng ký vùng sản xuất nguyên liệu chế biến của huyện, thành phố sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, phân bón, tối đa không quá 15 triệu đồng/ha, tối đa không quá 750 triệu đồng/đối tượng hỗ trợ. Máy móc thiết bị, hệ thống thiết bị thuộc danh mục máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản do UBND tỉnh ban hành được hỗ trợ 50% kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị.

Ngoài ra các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, trải nghiệm, chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình đối với các khu vực không thể cấp nước từ các hệ thống cấp nước tập trung thuộc địa bàn nông thôn, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền đều có các quy định chi tiết về nội dung, điều kiện, mức hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ cho từng chính sách để đảm bảo mọi tổ chức, các nhân đều được tiếp cận và hiểu rõ nhất về lợi ích mà Nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành.

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ phát triển đất trồng lúa quy mô vùng trồng từ 05 ha trở lên, nằm trong vùng quy hoạch đất trồng lúa, có đăng ký vùng sản xuất lúa của UBND huyện/TP, sử dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới thuộc Danh mục giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới do UBND tỉnh ban hành được hỗ trợ 50% chi phí mua giống, tiến bộ kỹ thuật mới. Ngoài ra các huyện, thành phố được hỗ trợ đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn cấp xã đối với diện tích đất chuyên trồng lúa nước và đất trồng lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

Nghị quyết ra đời đã góp phần tạo điều kiện cho các địa phương nhanh chóng đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, thực hiện chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho người dân giai đoạn 2022-2025.

Đinh Thị Trang - Chi cục Trồng trọt và BVTV.