Thứ Năm, 21/11/2024

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Bình thăm quan học tập kinh nghiệm tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình

Thứ Sáu, 25/11/2022
Ngày 25 tháng 11 năm Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Bình thăm quan và học tập kinh nghiệm công tác quản lý và tổ chức sản xuất thuộc lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật của tỉnh Ninh Bình.

Tham dự buổi làm việc về phía đoàn Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Bình có ông Mai Thanh Giang – Chi cục Trưởng làm trưởng đoàn, các đồng chí lãnh đạo chi cục, lãnh đạo, chuyên viên các phòng, trạm trực thuộc chi cục. Về phía Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình có sự hiện diện của ông Vũ Khắc Hiếu – Chi cục Trưởng, các ông Lã Quốc Tuấn, Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó chi cục trưởng, cùng đại diện lãnh đạo một số phòng, đơn vị trực thuộc chi cục.

Thay mặt chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình, ông Vũ Khắc Hiếu chi cục trưởng đã giới thiệu về các thành tựu nổi bật thuộc lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật của tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn 2017-2021, cụ thể:

Một là, chương trình liên kết sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ, theo chuỗi giá trị bắt đầu triển khai từ năm 2018, với quy mô 15,7 ha, đến nay đã nhân rộng được trên 1.000 ha trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh; diện tích sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao từ tỷ lệ 43% năm 2015, tăng lên 70,4% năm 2020, 72,5% năm 2021, 75% năm 2022. Sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đã áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến, sử dụng phân bón hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa (mạ khay, máy cấy), đã tiết giảm được công lao động, sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc trừ cỏ, trừ ốc bươu vàng, tạo dòng sản phẩm sạch, hiệu quả cao hơn lúa sản xuất thường từ 10-15%. Thành công chương trình là điều kiện để cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, thúc đẩy liên kết 4 nhà, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX NN, từng bước chuyển đổi nhận thức sản xuất theo hướng hàng hóa.

Hai là chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa: Được thực hiện năm 2016 đến nay đã chuyển đổi khoảng 6 ngàn ha, riêng giai đoạn 2017-2021 toàn tỉnh chuyển đổi được 4.713,23 4,87 nghìn ha. Các hình thức chuyển đổi bao gồm:

- Chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm gồm rau các loại như: bí xanh, mướp, dưa chuột, lạc lày, cà chua, dưa lê, dưa bở, các loại rau ăn lá... Giá trị sản xuất khoảng 300-400 triệu đồng/ha/năm.

- Chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm trên chân đất khô hạn, không chủ động nước tưới trồng 1 vụ tại huyện Nho Quan; đất 2 vụ lúa tại các huyện Hoa Lư, Yên Khánh. Giá trị sản xuất đạt từ 230-800 triệu đồng/ha/năm.

- Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản tập trung chủ yếu trên chân đất 2 vụ lúa và đất 1 vụ lúa sâu trũng tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Tam Điệp, Hoa Lư. Con nuôi thủy sản là các loại cá truyền thống như cá trắm, chép, chạch sụn. Giá trị sản xuất đạt 200-450 triệu đồng/ha/năm. Chuyển đổi từ trồng lúa sang các hình thức khác như trồng cây hàng năm kết hợp nuôi thủy sản; cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản; trồng sen phục vụ du lịch kết hợp nuôi thủy sản; nuôi thủy sản ao nổi giai đoạn 2017-2020 là 359,0 ha. Diện tích này chủ yếu trên đất 2 vụ lúa tại các huyện Yên Mô, Kim Sơn, Hoa Lư, TP Tam Điệp. Các hình thức này cho giá trị từ 1000-1200 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 450-500 triệu đồng/ha/năm.

Ba là chương trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (khoa học công nghệ): Bắt đầu triển khai thực hiện khi có Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 37/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, tiêu biểu có chương trình công nghệ cao sản xuất rau, quả an toàn: được triển khai, đầu tiên kể đến là mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, khép kín, với quy mô 3.000 m2 ở huyện Yên Mô, sử dụng hệ thống phun nước tự động, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, chế phẩm sinh học, phân bón thế hệ mới ... ở nhiều địa phương trong tỉnh như Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn, Thành phố Ninh Bình, Tam Điệp… Đến nay diện tích sản xuất nông nghiệp được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đạt trên 34%. Đã hình thành 17 vùng rau củ quả an toàn; 06 vùng cây ăn quả (dứa, chuối, ổi, na và cây có múi ...) nổi bật như mô hình “phát triển vùng cây ăn quả (Na rải vụ) an toàn”, đã hình thành vùng sản xuất na trái vụ với diện tích 200 ha tại huyện Nho Quan, hằng năm cho thu nhập ổn định từ 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm.

Cung với việc tìm hiểu về kết quả công tác quản lý và tổ chức sản xuất mà Ninh Bình đã đạt được, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Thái Bình còn được tham quan một số mô hình điển hình trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình.

Ảnh: Mô hình nông nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao liên kết tiêu thụ sản phẩm

Cùng trong nội dung của chuyến làm việc, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Bình đã thăm quan, làm việc với công ty cổ phần Bình Điền – Ninh Bình. Tại công ty, đoàn đã được nghe đại diện lãnh đạo Công ty giới thiệu về quá trình hình thành, xây dựng của nhà máy; quy trình, công nghệ và các sản phẩm chiến lược do công ty sản xuất cũng như được trực tiếp tham quan nhà xưởng, dây chuyền, trang thiết bị máy móc.

Ảnh: Đoàn thăm quan nhà máy phân bón Bình Điền - Ninh Bình

Qua chuyến công tác, từ các kết quả trao đổi, học tập đạt được một mặt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và tổ chức sản xuất thuộc lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật của cả hai đơn vị, mặt khác nâng cao mối quan hệ liên kết chặt chẽ giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thái Bình.

Vũ Thị Thu Hiền - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.